Lãng phí chương trình phân ban:

Phá sản vì quá ôm đồm

Việc ôm đồm nhiều quan điểm giáo dục, nhập nhằng trong hệ thống điểm kiểm tra, đánh giá khiến chương trình phân ban không đạt được mục đích.

“Muốn phân ban hiệu quả thì số giờ học chuyên ban tăng là đúng nhưng song song đó, số điểm đánh giá cũng phải thay đổi theo. Thực tế, học phân ban hay không phân ban thì hệ số điểm đánh giá cũng như nhau. Chính vì thế ,học sinh (HS) lựa chọn học ban cơ bản và nâng cao những môn theo khối thi ĐH thì sẽ chủ động hơn”. Ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Quang Trung - Nguyễn Huệ (TP HCM), nhận định lý do phá sản của chương trình phân ban.

Kiến thức có độ chênh lớn

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết trước đây, thống kê có tới 90% HS chọn không phân ban vì quá nặng nề khi số giờ học giữa phân ban và không phân ban khác nhau nhưng hệ số điểm đánh giá lại đánh đồng như nhau. “Chẳng hạn, khi HS học ban A thì hệ số môn toán là 5; lý, hóa hệ số 4. Môn văn, sử, địa chỉ cần hệ số 1 là đủ. Thế nhưng, theo cách phân ban của chúng ta thì hệ số điểm số các ban tương đương nhau, độ chênh giữa số giờ học, điểm số các môn giữa các ban chỉ khoảng 20% trong khi khối lượng kiến thức có độ chênh rất lớn” - ông Ngai nói.

Chương trình phân ban đã không đạt được mục đích ban đầu. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Chương trình phân ban đã không đạt được mục đích ban đầu. (Ảnh: Tấn Thạnh)

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM), cho rằng chương trình phân ban phá sản ngay từ đầu vì đích đến của 2 chương trình phân ban và không phân ban không rõ ràng nên có tư tưởng đánh đồng giá trị 2 chương trình. Trong khi đó, giáo viên dạy phân ban rất áp lực vì mang tâm lý nặng nề cứ HS học phân ban thì phải thật giỏi, phải làm bài nâng cao… Vì áp lực cả 2 phía nên cả HS và giáo viên chọn phương án an toàn là dạy và học theo ban cơ bản.

Xa rời mục đích ban đầu

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc ôm đồm nhiều quan điểm giáo dục khiến mục đích ban đầu của phân ban phá sản. Ông Nguyễn Văn Ngai phân tích cái tốt của chương trình phân ban là phát triển năng khiếu của người học vì có người có năng khiếu những kiến thức tự nhiên, có người kiến thức xã hội. Vì thế, khi chấp nhận phân ban là phải chấp nhận tư tưởng môn chính, môn phụ nhưng thực tế khi triển khai, chương trình vướng quan điểm giáo dục phải toàn diện. Phân ban mà vẫn phải bảo đảm giáo dục toàn diện, bắt HS học đầy đủ dẫn đến nặng nề, quá tải.

Ở một góc độ khác, ThS Nguyễn Thị Thu Hiền nhìn nhận: Khi HS đi vào phân ban, ngay từ bậc THCS, công tác hướng nghiệp đã phải rất cặn kẽ để HS biết mình có thế mạnh gì. Tuy nhiên, công tác này ở ta quá yếu. “HS lớp 10 nhận thức còn non nớt, bắt HS phải chọn ban trong khi các em chưa chắc năng lực, năng khiếu ở môn học đó. Như vậy thì thiệt thòi cho HS và uổng phí cả quá trình đào tạo” - ThS Hiền nói.

Chương trình “nhiều không”

Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã có quá trình tổng kết, đánh giá sau khi lắng nghe, ghi nhận từ cơ sở về chương trình phân ban dưới nhiều hình thức và có báo cáo chính thức hồi tháng 7-2014. Quá trình đánh giá có nhiều mặt, trong đó có ghi nhận hạn chế của chương trình phân ban là quá cứng nhắc do phân thành 3 ban không đáp ứng được nguyện vọng của HS, không đáp ứng yêu cầu gắn với ngành nghề. Hơn nữa, chương trình phân ban cũng không bám sát mục đích phân ban ngay từ đầu; việc ra đề, thi cử cũng không phù hợp.

 

Theo Đặng Trinh

Người Lao Động