“Phá” quy chế tuyển sinh để thí sinh có lợi?
(Dân trí) -Trong khi chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về xác định điểm xét tuyển đối với các trường, ngành có môn thi chính thì nhiều trường đã bày tỏ băn khoăn về phương thức tính mới này. Thậm chí có người cho rằng Bộ GD-ĐT đã vi phạm quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải, khi không nhân hệ số thì thang điểm là 30. Khi đó điểm ưu tiên theo quy chế. Khi nhân hệ số môn chính thì thang điểm là 40. Do đó điểm ưu tiên trong trường hợp này bằng điểm ưu tiên theo quy chế nhân 4 chia 3 là hợp logic.
Trao đổi với báo chí, Bộ GD-ĐT cũng cho hay, việc áp dụng cách tính mới này được xác định là “có lợi cho thí sinh”.
Như vậy mục đích ở đây là quy chiếu điểm ưu tiên khu vực từ thang điểm 30 sang thang điểm 40 để cùng hệ quy chiếu với điểm thi (có một môn nhân hệ số). Cách làm này dẫn đến việc điểm ưu tiên của thí sinh tăng hơn so với quy định trước đây.
Nhìn thì có vẻ đúng về mặt toán học nhưng một số trường cho rằng cách làm này hoàn toàn bất hợp lý và mất sự công bằng giữa các thí sinh. Ở đây cần phải xác định điểm ưu tiên tính theo đầu thí sinh chứ không tính theo đầu môn thi nên việc quy chiếu sang thang điểm 40 là bất cập.
Có trường đề xuất tại sao không quy đổi từ tổng điểm bài thi từ thang điểm 40 sang thang điểm 30, điểm ưu tiên vẫn giữ nguyên theo quy chế? Cách làm này vẫn thể hiện ưu thế đối với môn thi chính và quyền lợi của thí sinh về điểm ưu tiên không bị ảnh hưởng so với trước đây.
Theo điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ (văn bản đã được Bộ GD-ĐT hợp nhất) thì mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm).
Bây giờ điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng đều tính theo phương thức nhân 4 chia 3 thì điều 33 của Quy chế đã không còn đúng đối với các trường có môn thi chính hoặc ngành có môn thi chính (mức chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,33; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,66 )