Ông bố ra sức "ru ngủ" khi con trai lớp 10 học mãi không hiểu bài

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Kiến thức lớp 10, đặc biệt là môn vật lý, khiến con chị Phạm Thảo căng thẳng vì học không hiểu gì. Nhưng chồng chị lại đưa ra giải pháp "ru ngủ" con.

Con căng thẳng vì học không hiểu bài, bố chủ trương "cái gì khó quá bỏ qua"

Con trai chị Phạm Thảo (43 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đang học lớp 10 công lập sau 4 năm học trường tư. Chị Thảo từng lo lắng việc thay đổi môi trường từ tư sang công khiến con "sốc văn hóa". Nhưng trái lại, con trai chị hòa nhập không quá khó khăn nhờ thích chơi đá bóng. Điều khiến cậu bé "sốc" lại là kiến thức.

Chọn ban khoa học tự nhiên, khối A theo định hướng gia đình, con chị Thảo phải học tập trung ba môn toán, vật lý, hóa học. Đây không phải khối thế mạnh của cậu bé. Tuy nhiên, nhờ học tăng cường với thầy cô trong trường, hai môn toán và hóa học được giải quyết ổn thỏa. Riêng môn vật lý trở thành nỗi "ám ảnh" của em.

Chị Thảo cho biết: "Con căng thẳng nhất là hai môn ngữ văn và vật lý. Con vốn không tốt ngữ văn từ cấp 2 nên không phải vấn đề mới. Với vật lý, con kêu "nát". Hôm nào có tiết vật lý, hôm đó con đi học về với gương mặt cau có, nhăn nhỏ, đá thúng đụng nia chỉ vì học mãi không hiểu gì".

Điều đáng nói là, cả hai vợ chồng chị Thảo đều nhường con làm "nóc nhà" mỗi khi có môn vật lý trong thời khóa biểu.

Ông bố ra sức ru ngủ khi con trai lớp 10 học mãi không hiểu bài - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

"Chồng mình thay vì thiết quân luật, bắt con phải tăng thời lượng học hành, mở sách vở của con ra dạy dỗ hay học thêm chỗ này chỗ khác cho đến hiểu bài mới thôi thì lại ra sức vỗ về, "ru ngủ".

Anh bảo con không hiểu bài, không làm được bài là chuyện bình thường của học sinh. Con không hiểu lúc này thì lúc khác con hiểu. Bài này không hiểu thì còn có bài khác. Môn này con đuối thì có môn khác bù vào.

Con mà bị điểm kém cũng không vấn đề gì, kể cả không đỗ đại học được cũng không sao, miễn là con vui vẻ, khỏe mạnh", chị Thảo chia sẻ.

Chị Thảo hoàn toàn đồng ý với những lời của chồng. Dù thực lòng, cả chị và anh đều mong con học giỏi, vào được trường đại học tốt, có một công việc tốt, lương cao, được xã hội trọng vọng như mọi bố mẹ khác.

Giải thích về hành động trên, chị Thảo cho rằng giữa mong muốn của bố mẹ và năng lực của con luôn có một khoảng cách. Để thu hẹp khoảng cách này, mỗi nhà có một cách khác nhau. Riêng nhà chị là lựa theo con, động viên con vượt qua trở ngại tâm lý cho đến khi con sẵn sàng "chiến đấu" với môn học.

"Con không phải người chăm chỉ, hay mất tập trung. Cứ học khó một chút là mất tinh thần, căng thẳng, cáu gắt. Mình biết đây là nhược điểm của con. Nhưng bản thân hai vợ chồng cũng không phải mẫu người luôn cố gắng nỗ lực nên cũng không dám trách mắng hay thúc giục gì con cả.

Mình không làm được thì không thể bắt con làm. Cái gì khó quá cứ bỏ qua.

Chồng mình lúc nào cũng sợ con căng thẳng quá sẽ bị trầm cảm. Nên anh làm mọi cách để con ổn thỏa đã. Ổn thỏa tức là con thấy ổn với việc học không tốt một môn học nào đó, không xem đó là việc gì đáng xấu hổ, tự tin rằng mình còn nhiều thứ tốt khác, một thứ không tốt cũng chẳng sao", chị Thảo tâm sự.

Động viên hay kỷ luật mới có thể giúp con tiến bộ ở bậc THPT?

Cô Nguyễn Thị Đông, giáo viên môn toán (Hà Nội), cho rằng cách làm của gia đình chị Thảo là giải pháp tốt trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, gia đình cần một phương pháp tích cực hơn để giúp con đạt mục tiêu học tập. 

"Không ai hiểu con hơn cha mẹ. Động viên, an ủi luôn là điều ấm áp nhất mà ai cũng mong muốn được nhận. Với một đứa trẻ nhạy cảm, dễ căng thẳng, sự động viên lại càng cần thiết. 

Tuy nhiên tôi cho rằng cha mẹ cũng cần tìm hiểu thêm xem vì sao con lại không học được môn học đó.

Các môn học ở phổ thông được thiết kế để hầu như ai cũng học được. Con không học được là do con bị ác cảm với môn học dẫn tới việc từ chối môn học hay do thầy cô ở lớp chưa có cách giảng hiệu quả với khả năng tiếp nhận của con? 

Phải có lý do nào đó và nên tháo gỡ lý do đấy thay vì chỉ chờ con ổn định tâm lý mà không hiểu căn nguyên", cô Đông nêu quan điểm.

Ông bố ra sức ru ngủ khi con trai lớp 10 học mãi không hiểu bài - 2

Phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo cô Đông, nếu lý do đến từ thầy cô, gia đình có thể tháo gỡ dễ dàng bằng việc trao đổi trực tiếp để thầy cô hỗ trợ con. Gia đình cũng có thể tìm thầy cô có cách dạy phù hợp với con để kèm cặp riêng cho đến khi con đạt được kiến thức cơ bản và không còn sợ môn học.

Tuy nhiên, nếu lý do đến từ sự ác cảm với môn học, cha mẹ cần trò chuyện với con một cách khéo léo, tế nhị để tìm ra sự thật bị chôn giấu. Thông thường đó là điều con vùi nén trong lòng, liên quan tới lòng tự trọng của con, không dễ sẻ chia.

Ở góc nhìn khác, thầy Nguyễn Tuấn Đông, giáo viên vật lý (Hà Nội) cho rằng nhiều gia đình "thả nổi" cho con cái tự bơi khi lên lớp 10 với hai lý do: con đã lớn và kiến thức bậc THPT ngoài khả năng của bố mẹ. Nhưng thực tế, các con vẫn cần được đồng hành. 

"Tuổi này, trẻ có sự tự lập nhất định song không phải ai cũng hoàn thiện kỹ năng tự học. Nhiều học sinh gặp khó khăn khi vào lớp 10 bởi khối lượng kiến thức lớn, phương pháp học tập khác với bậc THCS. Cha mẹ nên theo sát để hỗ trợ con kịp thời.

Ba năm cấp 3 rất ngắn ngủi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều đổi mới, việc xét tuyển vào đại học cũng sẽ không như hiện tại khi các trường được trao nhiều quyền tự chủ hơn. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan cho rằng con mới học lớp 10 thì cứ từ từ. Không cần vội nhưng cần từng bước chắc chắn.

Động viên con là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng cần cùng con học cách đặt ra mục tiêu. Mục tiêu ban đầu thật nhỏ, thật dễ đạt. Sau đó nâng dần độ khó, độ lớn.

Chinh phục được mục tiêu, thách thức cũng là một cảm giác hạnh phúc mà con cần được trải nghiệm trong quá trình học tập và sau này là cuộc đời", thầy Đông cho hay.