Con rớt lớp 10 công lập, mẹ đòi gặp hiệu trưởng để... "chạy trường"
(Dân trí) - Suy sụp vì thi rớt lớp 10, nữ sinh còn khổ tâm hơn khi bố mẹ quay cuồng tìm cách để xin điểm, chạy trường cho mình.
Con rớt lớp 10, mẹ không chấp nhận
Gần 1h sáng, trong nhóm diễn đàn kín của học sinh TPHCM sục sôi bởi bài chia sẻ của Th., nữ sinh rớt tất cả 3 nguyện vọng vào kỳ thi lớp 10 vừa qua tại TPHCM.
Th. kể, lực học của mình ở mức khá, nhiều năm đạt học sinh giỏi nên bản thân và gia đình tin tưởng không khó để đỗ vào lớp 10. Nhưng ngay sau kỳ thi này, em biết mình đã rớt lớp 10 khi bài làm không tốt và nguyện vọng em chọn lại nằm ở nhóm cao.
Từ khi biết điểm, Th. giam mình trong phòng, không tiếp xúc với ai, đối mặt với sự suy sụp, chới với, chông chênh...". Âm thanh duy nhất Th. nghe những ngày này là tiếng chì chiết, chê bai, thất vọng từ bố mẹ. Họ chê con chê kém cỏi, uổng công bố mẹ đầu tư ôn luyện, bị đem ra so sánh với chị em trong nhà, con nhà hàng xóm.
"Em tự nhủ lòng cứ im lặng chịu đựng vài hôm khi chấp nhận cú sốc con thi rớt, bố mẹ sẽ bình tâm hơn. Nhưng không... ", Th. nói.
Những ngày qua, ngay trước mặt con gái, mẹ của Th. liên tục gọi điện cho rất nhiều người để nhờ vả... "chạy" cho con vào trường mà con thi chỉ thiếu 2 điểm.
Có người mẹ nhờ vả, cũng có người mẹ dùng uy thế là quản lý một doanh nghiệp tỏ thái độ ép uổng "nhờ hết vào em". Mẹ còn "chỉ điểm" cho người ta đi phải đến gặp hiệu trưởng hay gặp cấp quản lý cao hơn để mở lời rồi bà sẽ đến gặp trực tiếp, tiền không phải là vấn đề.
Có khi, mẹ còn bắt Th. phải nói chuyện với những người mẹ nhờ vả để con phải trình bày, năn nỉ, xin xỏ.
Th. đau khổ cho biết, mẹ mình liên tục gọi điện giục giã những người mẹ nghĩ có thể giúp mình. Khi bị người ta từ chối thì mẹ trách họ không nhiệt tình, bội bạc...
Cô nữ sinh 15 tuổi trải lòng, em có nói với mẹ đừng làm vậy, thi cử có điểm số công khai rõ ràng, mình đã trượt thì chấp nhận tìm con đường khác. Không ai giúp được mình và cũng không nên nhờ vả việc này thì mẹ nổi khùng lên chì chiết "vì mày mà tao phải vậy".
"Mình thi rớt rồi và chỉ muốn được gia đình chấp nhận việc mình đã thi rớt để học tư thục. Nhưng mẹ mình không chấp nhận sự thật này, bà vật vã đau khổ, tìm đủ cách làm mình như đang bị giày vò, tra tấn", Th. đau khổ chia sẻ.
Bên cạnh những học sinh phấn khởi vì thi đỗ lớp 10, những ngày qua có hàng chục ngàn học sinh tại TPHCM cùng hàng chục ngàn gia đình, ông bố bà mẹ đối mặt với việc rớt lớp 10.
Mỗi nhà một tâm trạng, một cách thể hiện khác nhau. Có gia đình chấp nhận kết quả của con, chấp nhận thực tế con đã thi rớt để tìm hiểu về những con đường khác. Hay nhiều gia đình rơi vào bầu không khí vô cùng căng thẳng khi con thi rớt.
Không ít phụ huynh, khi kỳ vọng về con trong kỳ thi này không đạt, họ lại quay cuồng tìm "cửa sau" với hy vọng có thể đưa vào ngôi trường bố mẹ mong muốn.
Trên nhiều diễn đàn cha mẹ, nhiều phụ huynh kể lại tình cảnh con rớt lớp 10 và thẳng thừng hỏi về việc "chạy vào lớp 10". Có người nói lên ý tưởng sẽ tìm đến gặp hiệu trưởng trường A, trường B... để xoay xở con được vào học.
Những ý tưởng này bị nhiều phụ huynh lên tiếng phản ứng kịch liệt. Bên cạnh việc phân tích đây là một kỳ thi công khai, cố tìm cách cho con vào khác nào hại con, nhiều người cũng nhấn mạnh, bố mẹ cần tôn trọng con cái, tôn trọng việc con thi rớt và chấp nhận năng lực của con.
Bố mẹ "nhanh nhạy", con gánh áp lực
Thạc sĩ Nguyễn Thị D., làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở TPHCM chia sẻ, sau mỗi mùa thi lớp 10, bà thường nhận được những lời đề nghị "nhờ vả" của phụ huynh về việc lo cháu vào lớp 10 vì chỉ thiếu ít điểm.
Rõ ràng đó là việc không thể nhưng phụ huynh có thể vì quá lo lắng, bế tắc hoặc muốn con mình phải có được thứ tốt nhất như cách họ nghĩ nên họ vẫn cố, có khi gây khó xử cho người được nhờ vả.
Trường hợp bà D. nhớ nhất là sếp của chồng bà gọi nhờ... lo cho đứa cháu thiếu 1 điểm vào trường chuyên hàng đầu ở TPHCM. Bà D. nói khéo rằng "không thể" nhưng bên kia gọi điện, nhắn tin, hối thúc suốt ngày như thể bà mang nợ đến nỗi bà không dám nghe điện thoại.
Gọi không được, gia đình này còn bắt đứa cháu vừa thi rớt gọi cho bà D. để trình bày và gây áp lực.
Theo bà D, giữa suy nghĩ "chạy trường, chạy điểm" của người lớn, tội nghiệp nhất không chỉ là những người bị nhờ vả mà là những đứa trẻ. Chúng bị chính bố mẹ phủ nhận, không chấp nhận những thất bại chúng đang đối mặt.
Là một người làm giáo dục, bà D. cho hay, có thể bố mẹ đánh giá con mình quá cao nên không nhận việc con mình thi rớt, kiểu chỉ thiếu có ít điểm mà không hiểu ở mỗi kỳ thi có hàng trăm hàng ngàn đứa trẻ thiếu như con mình; cũng có bố mẹ luôn muốn đặt sắp đặt con vào những chỗ họ mong muốn dù biết rõ năng lực con không phù hợp.
Cũng có những trường hợp bố mẹ rất thích can thiệp, xử lý vấn đề thay con mà không để con tự chịu trách nhiệm với những việc của mình.
Cách đây không lâu, tại TPHCM từng xảy ra sự việc, một vị phó hiệu trưởng âm thầm đưa con gái mình vừa nhập học lớp 10 trường khác về trường mình theo diện "chuyển trường". Trước đó, trong kỳ thi vào lớp 10, em học sinh này đã rớt nguyện vọng 1 khỏi ngôi trường bố đang làm việc.
Học sinh, giáo viên trong trường đã phản ứng về việc con hiệu phó "từ rớt thành đỗ" này. Khi sự việc bị vỡ lở, vị phó hiệu thừa nhận mình đã làm sai quy định, xin chịu mọi trách nhiệm.
Ngoài việc sai quy định, điều ông bố day dứt nhất lúc đó là mình đã làm ảnh hưởng đến chính con gái, làm cháu phải đối mặt với nhiều áp lực và mang theo cả "vết nhơ" khó rửa từ sự "nhanh nhạy" của bố.
Phía sau hình ảnh bố mẹ chạy vạy, xoay xở, nhờ vả có thể là áp lực, là nước mắt của những đứa trẻ không được chấp nhận. Điều đau khổ nhất với nhiều đứa trẻ không phải là thất bại, không phải là việc thi rớt mà là việc không được bố mẹ chấp nhận mình chính là mình.