"Ông bà giỏi quá"

Đến với gia đình ông Vũ Văn Tuyển 72 tuổi - bà Đào Thị Sắc 70 tuổi (thôn Phù Cầu, xã Yên Phương, Ý Yên, Nam Định), bất cứ ai cũng phải trầm trồ khen: “ông bà giỏi quá”.

Từ “con cua, cái tép” và “gánh hàng xén” bên đường, ông bà đã nuôi dạy 5 người con trưởng thành, người nào cũng tốt nghiệp ĐH, CĐ.

 

Vào cuối những năm 80, lương hưu của bà, một cô giáo làng cộng với lương hưu của ông - nhân viên kỹ thuật quan trắc khí tượng chỉ được khoảng 200 ngàn nhưng phải nuôi 7 miệng ăn.

 

Trong khi đó, 5 người con đang tuổi ăn học nên cuộc sống cực kỳ kham khổ. Bà phải tần tảo sớm hôm nuôi lợn để bán đổi cho bà con xóm làng lấy lúa gạo.

 

Không biết lấy gì xoay xở để nuôi con ăn học ĐH, ông bà đã mượn được mảnh đất nhỏ bên bờ sông Bo để dựng tạm quán bán hàng tạp hóa. Ông nói: “Nguyện vọng của gia đình là xây dựng gia đình thành một “tế bào” tốt của xã hội, chỉ tiêu của gia đình đề ra là phải phấn đấu có ít nhất 2 con vào ĐH”.

 

Con gái đầu là chị Vũ Thị Lan đã nối nghiệp mẹ làm giáo viên cấp 1. Ngày ấy, nhà nghèo nên chị Lan không dám mơ ước học cao vì còn phải “dành phần” cho các em.Nhưng đến nay, chị cũng đã lấy được tấm bằng Cao đẳng Sư phạm và đang là giáo viên trường THCS xã Yên Phương (Ý Yên, Nam Định).

 

Muốn giáo dục con ngoan, học giỏi thì cha mẹ phải thường xuyên quan tâm từ lời ăn tiếng nói, kiểm tra từng bài đọc, bài viết của con ngay từ khi chúng còn học mẫu giáo”- Ông Tuyển bật mí về phương pháp nuôi dạy con.

 

Và, thật “chí lý” khi được nghe những vần thơ mộc mạc của ông làm tặng cả gia đình mỗi khi có cháu sum vầy: “Tuy nghèo nhưng sống mà trong sạch/ Hòa thuận vợ chồng, con nết na/ Đừng thấy người giàu mà “sáng mắt”/ Đừng nên “mua điểm” lẫn “mua quyền...”

Đến năm 1987, anh con trai duy nhất Vũ Việt Hải đã thi đậu vào trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Không bỏ phí thời gian, anh Hải miệt mài học tập và đã sở hữu 3 bằng cử nhân (tiếng Nga, tiếng Anh và Luật) và đang làm việc tại Cục quản lý hành chính Bộ tổng tham mưu.

 

Niềm vui nối niềm vui, năm 1990 người con thứ ba là chị Vũ Thu Hà thi đậu 3 trường ĐH (Sư phạm, Văn hóa và Luật), nhưng chị đã chọn học ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và bây giờ đang là giáo viên trường chuyên thị xã Phủ Lý (tỉnh Hà Nam).

 

Năm 1992, chị Vũ Thu Hằng, con thứ 4 thi đậu 2 trường (ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và CĐ Sư phạm Nam Định). Chị quyết định học CĐ cho đỡ “tốn tiền” bố mẹ. Ra trường, chị Hằng làm giáo viên Toán trường THCS xã Yên Chính (Ý Yên, Nam Định).

 

Cô con gái út Vũ Thu Hiền, năm 1995 cũng thi đậu 3 trường ĐH (Văn hóa, Sư phạm và Luật). Gia đình có mấy người học Sư phạm rồi nên Hiền muốn thử sức mình ở lĩnh vực khác và chị đã chọn học trường ĐH Luật Hà Nội. Tốt nghiệp, Hiền thi đậu công chức và hiện nay là cán bộ thanh tra của UBND thành phố Nam Định.

 

Nhắc lại những tháng năm bươn chải lo cho con cái ăn học, bà Sắc nói: “Bây giờ nhớ lại vẫn còn cảm thấy rùng mình mỗi khi đồng loạt các con về xin tiền chi phí ăn học. Tuy thiếu thốn nhưng vẫn phải cố “chạy” đầy đủ cho chúng yên tâm học hành.

 

Được cái, mấy anh em nó siêng năng, chăm chỉ học tập nên có vất vả cũng rất phấn khởi”. Còn ông Tuyển thì kể: “Nhiều đêm trước lúc học bài chị Hà còn tranh thủ mang lốp xe hỏng (xin của mấy tiệm sửa xe) ra cánh đồng đốt cháy để bắt cào cào về rang, sáng hôm sau dậy sớm đi chợ bán xong rồi đến lớp học.

 

Em Hằng, em Hiền thì sáng sáng dậy rất sớm ra đồng kéo vó tép, mang về cho mẹ bán, rồi mới đi học”.

 

Theo Băng Phương

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm