Nửa đường... sinh viên

Gặp P.K.C đang ghi thẻ xe tại quán cà phê Ấn Tượng - khu làng đại học Thủ Đức, ít ai biết rằng C từng là sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Trò chuyện một lúc, C mới cho hay rằng mình “đã hết phép”, tức là đã hết thời hạn tối đa được học tại trường theo quy định.

Những ngày này, không khí các giảng đường đang nóng lên với hàng triệu tân sinh viên, háo hức tiếp cận một môi trường học tập mới cũng là lúc hàng ngàn cựu sinh viên phải vất vả trả nợ môn thi, thậm chí hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học bởi nhiều lý do khác nhau

 

Phía sau giảng đường

 

Sau 6 năm rưỡi “dùi mài kinh sử”, P.K.C mắc nợ 41 tín chỉ, nhận quyết định thôi học trong trạng thái hoang mang tột độ không dám về quê đành xin tạm chân giữ xe tại đây. Hầu như đêm nào C cũng trở về gác trọ trong trạng thái say khướt. Hỏi tại sao, C nói: “Chỉ mong đừng bao giờ tỉnh để có thể quên đi thực trạng bi đát của mình”.

 

Chưa nợ môn học như C, nhưng P.M.T cũng lâm vào cảnh “nửa đường đứt gánh”. Những năm đầu tại ĐH Giao thông vận tải êm đềm như bao bạn bè, đùng một cái, gia đình làm ăn tuột dốc, T không thể lo đủ học phí và ước mơ trở thành kỹ sư cầu đường dang dở. Tháng rồi T mới được nhận vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty phân phối xe gắn máy, T nói: “Năm nay em sẽ thi lại giao thông, em chưa muốn đầu hàng số phận!”.

 

Không phải ai cũng có ý chí như T Tiếp xúc với V.M.P - khoa công nghệ thông tin - ĐH Sư phạm kỹ thuật và nghe những “thành tích bất hảo” của nhân vật này, chắc chắn ai cũng phải ngao ngán. Học đến năm thứ 4 Bách khoa Hà Nội, một ngày P đang cùng đám bạn vi vu tận Hải Dương thì gia đình tá hoả nhận quyết định đuổi học với lý do vô kỷ luật, đánh nhau và nợ 30 tín chỉ.

 

Hết nước, bố P tức tốc “điệu” cậu quý tử vào Sài Gòn, năn nỉ con thi vào ĐH Bách khoa. Vốn thông minh, P trúng tuyển ngay, nhưng mới năm đầu P đã bỏ cả những môn đại cương, hai học kỳ kế tiếp với mức điểm trung bình 4.0 đủ cho P nhận thêm một tờ quyết định thôi học nữa.

 

Tính đến “chỉ số đau lòng” của các bậc phụ huynh khi phát hiện ra sự thật phải kể đến Th.H, cũng có thâm niên nợ môn học quá nhiều. Chủ nhà trọ đôi khi bóng gió “học nữa, học mãi… học không ra trường”. Nợ tiền nhà chồng chất, chịu không xiết, H về quê mang theo bảng điểm “100% made in Th.H”. Phải mất hai năm, thấy con ít về nhà dù Biên Hoà với Thủ Đức không quá xa xôi, mẹ mang theo chục bánh ít lên và lặng lẽ khóc khi biết tin H bị đuổi học đã lâu.

 

Theo khảo sát năm 2006-2007, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức có 14.585 SV theo hệ chính quy thì tổng số bị buộc thôi học đã có 386 SV. Con số đó so với mặt bằng chung không đáng kể nhưng nếu tính vào quá trình tích luỹ của từng cá nhân thì quả là đáng tiếc. Bởi trong tâm trạng lơ lửng, bế tắc, nhiều người trong số họ không biết ngày mai sẽ phải làm gì,  muốn bắt đầu lại cũng không hề đơn giản.

 

Là... vực thẳm

 

Theo quy chế hiện hành của Bộ GD-ĐT thì SV bị buộc thôi học nếu rơi vào 1 trong 4 trường hợp sau: “Có điểm trung bình chung học tập của năm học dưới 3,5 điểm; có điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khoá học dưới 4,0 điểm sau 2 năm học, dưới 4,5 điểm sau 3 năm học và dưới 4,8 điểm sau từ 4 năm học trở lên; đã hết thời gian tối đa được phép học tại trường theo quy định; và bị kỷ luật lần thứ 2 vì lý do thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định.

 

Sinh viên bị tạm ngưng học một năm để trả nợ những học phần chưa đạt nếu có điểm trung bình chung các môn học trong một năm học trong khoảng trên 4,0 điểm nhưng dưới 5,0 điểm”.

 

Ngoài ra những lý do buộc thôi học là do ý thức sống của sinh viên và theo điều 18 thì sinh viên vi phạm 1 trong 26 quy định như: đánh nhau gây thương tích, sử dụng ma tuý, hoạt động mại dâm... hoặc vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường cũng có thể bị buộc thôi học. 

 

Dãy phòng trọ trên đường Hoà Bình (Thủ Đức), có 6 người ở trong thành phần “phi chính phủ” bởi đã không còn chịu sự quản thúc của nhà trường. Để giết thời gian,  nhóm này thường xuyên gầy sòng đánh bài ăn tiền, quây quần bên chiếu nhậu, cá độ đá banh, cầm cố những tài sản có giá trị như xe máy, điện thoại di động, máy tính... sẵn sàng gây sự đánh nhau. Thậm chí, suốt ngày “ngồi đồng” ở những quán cà phê làng đại học, nhẹ thì trả tiền cà phê, nặng thì sát phạt nhau bằng hình thức ăn tiền...

 

Chỉ xót cho mẹ cha mỗi tháng vẫn vô tư gửi gắm các khoản chi phí kèm cả niềm hy vọng vào con mình. Bắt đầu lại từ đầu dường như là quá khó khăn cho những kẻ như C. Sự hăm hở những ngày đầu đã biến mất, thật đau lòng khi nghe P.K.C tâm sự: “Tiếc là thời gian không thể quay lại để mình cố gắng hơn. Coi như 6 năm qua  chưa từng mặc áo SV, mình không đủ tự tin để làm lại cuộc đời, chẳng biết rồi sẽ ra sao những ngày sắp tới...”

 

Phòng trọ tồi tàn trên đường Dân Chủ ẩm thấp nay lại càng tối tăm hơn mỗi lúc C bước chân về, giấu giếm hết họ hàng, gia đình và chọn thái độ sống khép kín buông xuôi cũng dễ dẫn đến bệnh trầm cảm hoặc ngược lại, có nhiều trường hợp trở nên hung hãn, cầm đầu những nhóm cướp giật, trấn lột hoặc sa đà, buông thả vào các tệ nạn xã hội. Đó là một thực trạng nhức nhối chung của rất nhiều sinh viên… nửa đường đứt gánh.

 

Theo Hoài Thương

Sài Gòn Tiếp Thị