Nữ Viện sĩ Việt Nam đầu tiên nhận danh hiệu IASS và ngôi sao Vernadski

(Dân trí) - Ngày 11/2, Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga trao tặng hai danh hiệu cao quý: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004- 2014 và ngôi sao Vernadski tới Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đưa 32 công nghệ tiên tiến của thế giới vào ứng dụng tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, đem lại những giá trị xã hội to lớn phục vụ đời sống con người, Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch, TGĐ công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC) đã vinh dự được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga trao tặng hai danh hiệu cao quý: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004- 2014 và phần thưởng Ngôi sao Vernadski.

Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Châu Á và Việt Nam được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (IASS) trao tặng hai danh hiệu danh giá này.

Đích thân chủ tịch Viện Hàn lâm IASS cùng 2 viện sĩ nổi tiếng của Viện đã tới Việt Nam để trao phần thưởng cho bà Nhàn vào chiều ngày 11/2/2015 tại Hà Nội.


Nữ Viện sĩ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng IASS và ngôi sao Vernadski

Ông Igor Dorokhov, Chủ tịch Viện Hàn lâm quốc tế (IASS) trao danh hiệu cao quý  tới Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Buổi lễ được Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức với sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội; Ông Nguyễn Quân - Bộ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; Ông Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Ông Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, quê hương của viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Về phía Liên Bang Nga có ông Vadim V. Bublikov - Đại biện lâm thời Liên Bang Nga tại Việt Nam cùng một số cán bộ Đại sứ quán Nga tham dự.

Danh hiệu IASS là  danh hiệu cao quý nhất của Viện IASS, 10 năm xét thưởng 1 lần với quy trình thẩm định vô cùng nghiêm ngặt. Danh hiệu nhằm vinh danh các nhà khoa học có thành tích xuất sắc và có những cống hiến, đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực khoa học trên toàn thế giới.

Ngôi sao V.I.Vernadski là phần thưởng Viện IASS vinh danh dành cho những nhà khoa học xuất sắc trong mọi lĩnh vực.

Danh hiệu là sự ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

“Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người có những nỗ lực to lớn và sự khiêm tốn đặc biệt. Bà đã có đóng góp lớn lao và phát triển những ý tưởng KHCN ứng dụng vào cuộc sống. Với những thành tựu trong KHCN, bà đã được đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm chọn là nhà khoa học xuất sắc của Viện Hàn lâm quốc tế IASS trong 10 năm vừa qua và phần thưởng ngôi sao Vernadski”, ông Igor Dorokhov, Chủ tịch Viện Hàn lâm quốc tế (IASS) nhận xét.


Nữ Viện sĩ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng IASS và ngôi sao Vernadski

Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn thông thạo 5 ngoại ngữ

Trong vòng 10 năm qua, viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã không ngừng nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế tại Việt Nam, trên cơ sở đó cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra các sáng kiến cải tiến công nghệ tiên tiến để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam. Các công nghệ này thuộc nhiều lĩnh vực như: Ứng dụng các công nghệ mới để xử lý nước thải, trong đó có các bệnh viện, đô thị và làng nghề; Ứng dụng công nghệ mới để làm sạch đất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất dioxin; Ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học; Tham gia phát triển công nghệ sóng cộng hưởng để nâng cao chất lượng nhiên liệu.

Ứng dụng công nghệ tế bào gốc và nhận dạng gen để góp phần tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh và trong các thảm họa, thiên tai; Ứng dụng nguồn năng lượng mới trên cơ sở các từ trường; Ứng dụng công nghệ cao vào Việt Nam để xử lý vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là công nghệ trồng rừng ngập mặn; Đưa nhiều ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao của Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan vào ngành Nông nghiệp Việt Nam để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Nhận xét về những công lao đóng góp của Viện sĩ Nhàn, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng Ban đối ngoại T.Ư Đảng khẳng định: “Với những đóng góp quan trọng cho ngành khoa học công nghệ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là tấm gương cho doanh nhân Việt Nam, cho những người làm khoa học công nghệ Việt Nam. Đây là vinh dự chung của người Việt Nam, là niềm tự hào của đất nước, là minh chứng sinh động cho quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga”.

Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn sinh tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Khởi nghiệp từ lĩnh vực xuất khẩu lao động, Công ty AIC của bà Nhàn với số vốn ban đầu là 5.000 Đô la Mỹ và 5 nhân sự. Đến nay, AIC đã là 1 doanh nghiệp với hàng ngàn nhân viên và doanh thu nhiều ngàn tỷ đồng mỗi năm. Bà cũng thông thạo 5 ngoại ngữ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại thương Hà Nội, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học Latrobe (Úc) và Viện sĩ, tiến sĩ Viện Hàn lâm ISSA.

Hiện nay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC). Với những thành tích mà bà Nhàn đã làm được, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải thưởng Sao đỏ, Giải thưởng Bông hồng vàng, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu…

Hồng Hạnh