Lâm Đồng:
Nữ thạc sỹ xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn để làm du lịch
(Dân trí) - Trong thời gian du học tại Pháp, Bích Trâm đã biết đến các khu du lịch về tảo xoắn ở nước ngoài. Nghĩ về ngôi làng K'Nai nghèo khó nơi mình sinh ra, Trâm quyết đem mô hình này về quê hương để biến ngôi làng thuần nông thành làng du lịch “tảo”.
Nhằm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh cho sinh viên, trường ĐH Yersin Đà Lạt đã thổi bùng ngọn lửa đam mê khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ qua cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard”. Đây là một sân chơi trí tuệ và năng động nhằm biến ước mơ kinh doanh của các sinh viên thành sự thật.
Trong cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” 2107, dự án “Xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn tại làng K’Nai Lâm Đồng” của cựu sinh viên ĐH Yersin Nguyễn Thị Bích Trâm (Khóa 5, Khoa du lịch) được đánh giá cao. Với dự án này, cô sinh viên khoa Du lịch đã thể hiện ý tưởng nuôi tảo xoắn trên mảnh đất quê hương nơi mình lớn lên đó là làng K’Nai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).
Bích Trâm cho biết, quá trình theo học tại ĐH Yersin Đà Lạt, Trâm biết đến tiếng Pháp như một cái duyên khi nhà trường mở lớp tiếng Pháp miễn phí. Nhờ sự nỗ lực, Trâm đã giành được học bổng du học tại Pháp với chuyên ngành Quản lý thiết kế các dự án du lịch.
Trong khoảng thời gian học tập tại Pháp, Trâm đã bảo vệ thành công luận án thạc sỹ với đề tài “Bảo vệ phát triển làng dân tộc thiểu số K’Nai với tảo xoắn và du lịch xanh”. Khi trở về quê nhà, với giống tảo được người bạn tặng về trồng thử, Trâm đã bắt tay vào thực hiện. Sau nhiều lần thất bại, Trâm rút ra nhiều kinh nghiệm và đã nhân giống tảo thành công ra môi trường tự nhiên ở hồ của gia đình.
Hiện tại, cơ sở nuôi trồng tảo của Trâm đang hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu theo hộ gia đình. Đến với cuộc thi khởi nghiệp, Trâm hy vọng sẽ có thêm vốn để tạo cơ hội khởi nghiệp cho bản thân và giúp đỡ gia đình cũng như người dân nơi Trâm đang sống.
Khi được hỏi tại sao Trâm lại chọn “tảo xoắn” cho sự nghiệp của mình, Trâm chia sẻ có 3 lý do để em hình thành nên ý tưởng này. Lý do thứ nhất là, tảo xoắn đã cứu sống và duy trì sức khỏe cho một người thân trong gia đình của Trâm.
Đặc biệt là lý do thứ hai, với ngành du lịch mà Trâm đang theo đuổi hiện nay đang bị bão hòa và có nguy cơ mất dần sức hút với khách quốc tế và nội địa. Với tình trạng sản phẩm du lịch bị trùng lặp và thiếu tính mới mẻ như hiện nay sẽ khó tạo nên tính hấp dẫn cho du lịch Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trên thế giới, du lịch về tảo đang là một xu thế mới, điển hình như Thái Lan đã xây dựng thành công khu du lịch về tảo xoắn (khu du lịch Boonsom), chính điều này thôi thúc Trâm đem đến cho Lâm Đồng một lợi thế cạnh tranh mới từ nguồn tảo xoắn được sản xuất tại làng K’Nai.
Lý do cuối cùng của Trâm khi thực hiện ý tưởng này chính là lòng biết ơn đối với gia đình và mảnh đất nơi cô sinh sống đó là làng K’Nai - ngôi làng nghèo nhất huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Người dân nơi đây quanh năm bấp bênh với nghề nông, sống trên môi trường đang có nguy cơ ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu và phân bón.
Chính vì điều đó càng khiến Trâm quyết định đem nguồn tảo quý này về làng K’Nai, với mục đích cải thiện đời sống của gia đình mình và bà con nơi đây, đồng thời phục vụ cho nhu cầu người dân cả nước cũng như góp phần làm sạch môi trường sống cho thế hệ sau.
Trâm cho biết: “Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tảo xoắn có tác dụng tăng sức đề kháng miễn dịch cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư và AIDS; chống sự suy dinh dưỡng cho trẻ em, người già, giảm hàm lượng cholesterol cho bệnh nhân cholesterol trong máu cao; hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, viêm tụy, bệnh đục thủy tinh thể... Ngoài ra, tảo xoắn còn là sản phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, chữa vết bỏng, làm liền sẹo, trị mụn trứng cá…”.
Sau khi nghe cô cựu sinh viên trường ĐH Yersin Đà Lạt trình bày và hùng biện về ý tưởng của mình, ban giám khảo đã quyết định trao giải nhất trị giá 120 triệu đồng cho dự án “Xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn tại làng K’Nai Lâm Đồng” của Bích Trâm. Với số vốn này, Bích Trâm có thể biến ước mơ khởi nghiệp của mình thành hiện thực.
Được tài trợ bởi một tập đoàn và một tổ chức phi chính phủ của Pháp, cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” 2107 được trường ĐH Yersin Đà Lạt tổ chức thường niên. Cuộc thi đã thu hút 40 dự án của sinh viên đến từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi (Đồng Nai). Tổng giá trị giải thưởng 250 triệu đồng sẽ là nguồn tài chính khích lệ các sinh viên mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Ngọc Hà