Những sinh viên từ bỏ lối mòn "làm công" để lên làm "ông chủ"

(Dân trí) - Dương Quang Đạt - trưởng nhóm sinh viên khởi nghiệp đến từ Thái Nguyên cho biết, ở trường của cậu có hàng chục nhóm khởi nghiệp theo đuổi nhiều lĩnh vực khác nhau. Đạt giải thích rằng sự bùng nổ của các nhóm khởi nghiệp sinh viên là do thời đại thúc đẩy, "nhà nhà, người người khởi nghiệp".

Chiều ngày 17/3, cuộc tranh tài hấp dẫn giữa các nhóm sinh viên khởi nghiệp lọt vào chung kết cuộc thi "Start-up Student Ideas" đã diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đại diện các nhóm khởi nghiệp sinh viên trình bày ý tưởng trước ban giám khảo cuộc thi Start-up Student Ideas
Đại diện các nhóm khởi nghiệp sinh viên trình bày ý tưởng trước ban giám khảo cuộc thi Start-up Student Ideas
Ban giám khảo là các CEO của doanh nghiệp thành công đặt nhiều câu hỏi xoáy cho các nhóm khởi nghiệp
Ban giám khảo là các CEO của doanh nghiệp thành công đặt nhiều câu hỏi "xoáy" cho các nhóm khởi nghiệp

Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” lần thứ I – năm 2016 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức trên quy mô toàn quốc đã thu hút 569 nhóm khởi nghiệp sinh viên nộp hồ sơ tham dự. Sau 5 tháng phát động và triển khai, cuộc thi đã đi đến vòng chung kết toàn quốc.

Vòng chung kết là cuộc tranh tài của 15 nhóm thí sinh với 15 ý tưởng khởi nghiệp mới lạ và khả thi nhất, đại diện cho tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo của sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước.

Những ý tưởng đều xuất phát từ chính thực tế đời sống của các bạn sinh viên. Chính các bạn đã phát hiện ra những vấn đề đang tồn tại, những nhu cầu hiện có từ thực tế, từ đó hình thành và nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp nhằm giải quyết được nhiều bài toán trong cuộc sống như: nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, giải quyết vấn đề nhà ở trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đến quy trình xử lí và tái chế rác hữu cơ một cách tiện lợi và an toàn, cùng những phần mềm tin học đáp ứng nhu cầu tìm việc làm của sinh viên, số hóa các đề thi trắc nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Có những ý tưởng đã giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu và dịch vụ chăm sóc người khiếm thị, ý tưởng sáng tạo nuôi heo bằng trà xanh...

Cụ thể như ý tưởng sản xuất kính dành cho người khiếm thị Bee Glasses của nhóm Lê Nhật Hưng và Nguyễn Trần Viết Chương, sinh viên Đại học Duy Tân. Đây là sản phẩm nhằm giúp đỡ người khiếm thị, giúp họ có thể hòa nhập được cuộc sống như những người bình thường. Nhóm khởi nghiệp này tin rằng: “Với các chức năng hỗ trợ di chuyển trong nhà và ngoài nhà, đọc sách, nhận dạng đồ vật – người thân, chiếc kính có thể giúp được người khiếm thị thuận tiện dễ dàng hơn trong việc sinh hoạt hàng ngày”.

Dương Quang Đạt - trưởng nhóm sinh viên khởi nghiệp đến từ Đại học CNTT&TT Thái Nguyên trình bày ý tưởng. Đạt giải thích rằng xu hướng khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chịu sự thúc đẩy của thời đại.
Dương Quang Đạt - trưởng nhóm sinh viên khởi nghiệp đến từ Đại học CNTT&TT Thái Nguyên trình bày ý tưởng. Đạt giải thích rằng xu hướng khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chịu sự thúc đẩy của thời đại.

Chia sẻ với PV Dân trí, trưởng nhóm khởi nghiệp Dương Quang Đạt (dự án "Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam" - 1 trong 15 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi Start-up Student Ideas) nói rằng, nhóm của bạn gồm 3 thành viên đều đang là sinh viên Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên. Họ là những người trẻ ban đầu không quen biết nhau nhưng tụ họp cùng một chỗ nhờ có cùng đam mê sáng tạo và khởi nghiệp.

Đạt cho biết: “Sinh viên chúng em thời nay có tinh thần máu lửa YOLO (you only live one) và tụi em được thúc đẩy bởi thời đại. Hiện nay, người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, xu thế ấy hiện diện ở khắp nơi, len lỏi đến các trường đại học, vào các thế hệ sinh viên mới.

Ở trường em, có hàng chục, hàng trăm nhóm khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí là được đào tạo về công nghệ thông tin nhưng các bạn lại muốn làm nông nghiệp thông minh, thiết bị tự động hoá trong gia đình. Nhiều nhóm đã có nhưng dự án đem đi dự thi và thành công bước đầu trong việc đưa sản phẩm từ dự án đi đến thực tế”.

Trong một năm, Dương Quang Đạt và nhóm của mình nghiên cứu, thử nghiệm dự án giải pháp cho nguồn nước, các bạn cũng đã nhiều lần vấp phải thất bại, bế tắc. Có những khi gia đình cũng khuyên con bỏ cuộc để đi theo con đường “xin việc - làm công” nhưng Đạt chưa từng từ bỏ.

Nhóm các bạn trẻ tin rằng trong tương lai, người trẻ Việt có thể làm chủ những doanh nghiệp của chính mình và gặt hái thành công.

Sau 15 phần thuyết trình của các nhóm khởi nghiệp, ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao về tính khả thi của ý tưởng, phương thức trình bày khoa học cùng kĩ năng thuyết trình thành thạo.

3 nhóm thí sinh xuất sắc nhất được ban giám khảo lựa chọn từ 15 nhóm thí sinh để thuyết trình trực tiếp trên sấn khấu của đêm Gala trao giải, được tổ chức vào 19h30 ngày 18/3/2017. Những ý tưởng mang tính khả thi, đạt giải cao sẽ nhận được giải thưởng và tài trợ từ các nhà đầu tư thiên thần để “biến giấc mơ thành sự thật”.

Mai Châm