Nữ sinh Việt đạt GPA 4.0 tại đại học Mỹ: Không áp lực chuyện điểm số

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Thái Doanh Nghi là sinh viên năm 3 ngành Kiểm toán tại Đại học DePaul (Mỹ). Suốt ba năm học, Nghi luôn đạt GPA 4.0/4.0 và hiện là thực tập sinh tại công ty Deloitte.

Bí quyết đạt GPA 4.0

Năm 2016, sau khi học hết lớp 11 ở Việt Nam, Doanh Nghi (sinh năm 1999) sang Mỹ học lớp 12 theo diện trao đổi văn hóa. Nhớ lại quãng thời gian đầu sống xa nhà, Nghi chia sẻ: "Tính cách mình khá kiệm lời nên lúc đầu mình cũng không biết cách ứng xử sao cho không bị ngại ngùng, xa cách với các bạn. Nhưng rồi dần dần mình học cách mở lòng hơn bằng cách chủ động chào hỏi, nói chuyện với các bạn thay vì đợi mọi người đến trước".

Nữ sinh Việt đạt GPA 4.0 tại đại học Mỹ: Không áp lực chuyện điểm số - 1

Vượt qua những khác biệt về môi trường, nữ sinh nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi và giành được kết quả học tập đáng ngưỡng mộ.

Khi lên đại học, Nghi không áp lực chuyện điểm số và cố gắng qua môn, cô gái này tìm những điểm thú vị riêng về từng môn học. Chẳng hạn, với môn Triết học, Nghi thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, tham khảo thêm các bài giảng trên mạng để hiểu được bản chất vấn đề.

Ngoài ra, Doanh Nghi có 3 phương pháp chính để áp dụng cho các môn học. Một là ghi chép - làm bài tập - ghi chép dành cho các môn có công thức và cần tính toán. Khi thầy cô giảng bài, Nghi sẽ ghi chú lại lời giảng trong lúc nghe theo cách mình hiểu thay vì chép lại y nguyên slides powerpoint. Sau đó, trong ngày hoặc ngày hôm sau, cô sẽ làm bài tập của môn đó để ôn lại kiến thức. Khi làm bài gặp câu khó, nữ sinh ghi chép cách giải lại vào trong vở dưới dạng ví dụ và chú thích cả cách mình hiểu để ra được đáp án.

Đối với môn thiên về tự luận và ghi nhớ, Doanh Nghi cũng sẽ nghe giảng và ghi chú bằng sơ đồ tư duy hoặc sơ đồ tóm tắt. Khi gần ngày kiểm tra, cô học theo sơ đồ và lúc làm bài sẽ khai triển ý từ sơ đồ thành câu trả lời hoàn chỉnh.

Bí quyết cuối cùng là Nghi không để bản thân mệt mỏi quá mức với việc học, vì khi cơ thể không được khỏe thì không thể học tập hiệu quả như bình thường, sẽ tốn thời gian hơn.

Doanh Nghi thường sắp xếp học 1-2 môn mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 tầm 4-5 tiếng và dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi, sinh hoạt, cũng như "sạc" lại não bộ. Thay vì cố gắng nhồi nhét không hiệu quả, Nghi để bản thân thả lỏng giải trí, ăn uống, ngủ đủ giấc và tiếp tục học vào ngày hôm sau.

Nữ sinh Việt đạt GPA 4.0 tại đại học Mỹ: Không áp lực chuyện điểm số - 2
Thay vì áp lực chuyện điểm số, Nghi tìm ra điểm thú vị riêng biệt của từng môn học.

Còn nhắc đến những "quả ngọt" đã hái được, Doanh Nghi hãnh diện kể: "Năm thứ hai đại học mình may mắn được đảm nhiệm chức Chủ tịch của 2 câu lạc bộ tại trường. Đồng thời, cũng trong năm đó mình nhận được giải Best Leadership Award do thầy cô ở trường bình chọn. Đến năm thứ ba, mình ứng cử vị trí trưởng ban đại diện du học sinh trong Hội học sinh của trường. Kỳ 2 năm thứ ba mình trở thành thực tập sinh tại công ty Deloitte có trụ sở ở Chicago (một trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới về quy mô và doanh thu - PV)".

Hành trình dài đẫm gai nhọn

Để đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ như hiện tại, Doanh Nghi cũng phải trải qua nhiều thử thách.

Nghi kể, thời điểm cô nhận được học bổng đi du học thì điều kiện tài chính gia đình còn nhiều khó khăn. "Gia đình mình bị phá sản năm mình học lớp 8. Sau đó, bố mẹ mình cũng ly dị. Mình và em gái theo bố, ở nhà thuê. Công việc của bố không ổn định nhưng cũng đủ nuôi hai đứa mình. Trong khi đó, mẹ mình làm đủ công việc khác nhau để trả món nợ khổng lồ của gia đình. Bởi thế, khi đi du học, mình luôn tự động viên bản thân phải thật mạnh mẽ và kiên trì để theo đuổi mục tiêu.

Nhiều người cũng nghi ngờ con đường mình đi lắm và người quen của bố mẹ còn khuyên mình bỏ học đi làm. Nhưng mà mình vẫn kiên trì với con đường đã chọn dù vất vả đến thế nào. Có những ngày mình học từ 8h sáng đến 12h20 trưa, sau đó bắt tàu điện đến chỗ làm thêm đến 10h đêm mới trở về nhà. Dù thế, mình vẫn tranh thủ thời gian không đi làm thêm, ở lại trường tham gia hoạt động ngoại khóa để lấy kinh nghiệm.

Đến cuối năm thứ hai đại học, gia đình mình cũng đã may mắn khá hơn. Công việc kinh doanh của mẹ từ từ khởi sắc nên mình cũng yên tâm tập trung vào việc học", Doanh Nghi nhớ lại.

Trong quan điểm của nữ sinh Việt tại Mỹ, trí thông minh thiên phú giống như một món quà tự nhiên ban tặng. Còn ngược lại, kinh nghiệm từ sự chăm chỉ là phần thưởng do bản thân nỗ lực tạo ra. Thay vì chờ đợi một may mắn hay cơ hội đến, cô tin tưởng bản thân hơn.

Học cách lắng nghe chính mình

Sống xa nhà cùng những áp lực học tập, công việc nên căng thẳng là điều khó tránh khỏi đối với Doanh Nghi. Để vượt qua stress, cô học cách lắng nghe chính mình, sắp xếp thời gian để giải tỏa những điều không vui.

Cô cho biết: "Trong to-do list của mình không chỉ còn các nhiệm vụ liên quan đến học tập hay công việc nữa mà sẽ xen lẫn vào các hoạt động thư giãn khác nhau. Chẳng hạn như buổi sáng sau khi thức dậy, mình sẽ dành 10-15 phút để tập cơ bụng và giãn cơ trên giường.

Buổi chiều khi hoàn thành xong công việc, mình dành khoảng thời gian buổi tối và tự thưởng cho bản thân một bộ phim yêu thích hay uống trà sữa để cảm ơn bản thân đã vất vả trong ngày hôm nay. Mình cũng chú trọng ngủ đủ 8 tiếng một ngày để qua hôm sau là tinh thần thoải mái đón ngày mới. Ngoài ra, mình duy trì thói quen viết nhật ký để giải tỏa hết muộn phiền".

Nữ sinh Việt đạt GPA 4.0 tại đại học Mỹ: Không áp lực chuyện điểm số - 3

Doanh Nghi luôn cố gắng giữ thái độ lạc quan trước mọi vấn đề.

Quan điểm sống của cô gái trẻ này là hãy luôn tin vào bản thân mình. "Quan điểm này một phần ảnh hưởng bởi cách dạy dỗ của gia đình. Ba mẹ luôn cho mình niềm tin vào mọi quyết định và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những quyết định đó.

Mình từng đọc trong một quyển sách, mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, không phải bản sao của ba mẹ hay bản sao kỳ vọng của xã hội. Chỉ có bản thân hiểu rõ năng lực và ước muốn của mình nhất nên cho dù có bao nhiêu khó khăn mình vẫn sẵn sàng đối đầu và lựa chọn quyết định cho riêng mình".

"Có vẻ rất lạ nhưng mình đã từng tự ti vì cái mác "học sinh giỏi". Trong những bữa gặp mặt, khi mọi người biết em học giỏi, họ sẽ luôn nói với ba mẹ là chắc mình không biết làm gì khác ngoài việc học.

Những thành tích học tập tưởng chừng như "giỏi" của mình lại dần dà trở thành một việc hiển nhiên trong mắt mọi người. Vì cái mác đó mà mọi người không nhìn vào sự nỗ lực của mình. Nhưng càng lớn, mình nhận ra việc cố chứng minh cho người khác thấy bản thân là người như thế nào thực sự rất ấu trĩ.

Dần dần, mình tự biết cách yêu thương bản thân, tự cổ vũ hoặc tự hào về mình khi đạt được thành tựu nào đó mà không cần mong đợi sự công nhận của bất kỳ ai", Doanh Nghi nhắn gửi.

Nữ sinh Việt đạt GPA 4.0 tại đại học Mỹ: Không áp lực chuyện điểm số - 4
Những lúc nhớ nhà hay cảm nhận thấy nỗi cô đơn, Nghi thường nghe nhạc, xem lại hình ảnh chụp ở Việt Nam hoặc viết nhật ký để giải tỏa tâm trạng.

Ảnh: NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm