Dẹp được "nạn" chạy theo điểm số mới có "học thật, thi thật"

(Dân trí) - Do chạy theo điểm số, nhiều học sinh đã sẵn sàng quay cóp bài. Còn với giáo viên, đôi khi vì mải đua theo thành tích mà có suy nghĩ và tư tưởng lệch lạc, gây ảnh hưởng tới học sinh, sinh viên.

Trong 3 yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, "học thật" được coi là vấn đề cốt lõi nhất; làm tiền đề, gốc rễ cho cái "thi thật" và "nhân tài thật" phát triển.

"Tôi kinh ngạc khi con được điểm cao"

Một phụ huynh tại Quảng Ninh tâm sự: "Tôi vừa nhận được bảng tổng kết thành tích năm học của cậu con trai học lớp 2. Sĩ số lớp là 39 thì có đến 37 học sinh giỏi, còn lại là 2 em học lực khá".

Không giấu nổi cảm xúc, vị phụ huynh này bày tỏ: "Lớp học giờ toàn đào tạo ra thiên tài".

Một phụ huynh khác lại chia sẻ: "Tôi kinh ngạc khi thấy con trai tôi thi được 9,5 điểm môn Ngoại ngữ. Điều đáng bàn ở đây là dù đã học lớp 2, song cháu lại nói rằng con chỉ biết mỗi từ "tiger" trong Tiếng Anh nghĩa là con hổ".

Đây chỉ là hai trên hàng ngàn câu chuyện khác nhau về căn bệnh thành tích. Hiện tượng 98-99% học sinh khá giỏi không chỉ riêng một trường nào mà đã trở nên phổ biến từ vài chục năm nay.

Nhiều trường vì muốn giữ "thành tích" mà đã sẵn sàng nâng điểm cho học sinh. Chưa dừng lại ở đó, tại một số địa phương, nhiều trường học còn để xảy ra tình trạng giáo viên tự ý nâng, sửa điểm để "làm đẹp học bạ".

Thực tế cho thấy chính các quy định thành tích cho trường, giáo viên, học sinh đã "kéo" cả ngành chạy đua mấy chục năm nay. Trường nào cũng phải cố đạt chỉ tiêu thành tích. Nếu chỉ tiêu dang dở, giáo viên sẽ bị phê bình, trường sẽ mất danh hiệu, kéo theo hàng chục những hệ lụy mà không ai muốn nghĩ tới.

Phân tích về căn bệnh thành tích trong giáo dục, cô K.T.H (giáo viên tại Hải Phòng) cho rằng: "Bệnh thành tích trong giáo dục cho ra sản phẩm giả mạo, gian dối, che giấu chất lượng thấp bằng những nhãn mác in dấu chất lượng cao. Điều này gây cho người ta sự ảo tưởng, tự mãn. Dần dần, họ sẽ đánh thoái hóa nhân cách, đánh mất đi giá trị tốt đẹp của bản thân".

Dẹp được nạn chạy theo điểm số mới có học thật, thi thật - 1

Bệnh thành tích trong giáo dục cho ra sản phẩm giả mạo, gian dối, che giấu chất lượng thấp bằng những nhãn mác in dấu chất lượng cao.

Mai Thị Bích Phượng (sinh viên Trường Đại học Y dược Hà Nội) bày tỏ: Bệnh thành tích trong giáo dục có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, "con gà tức nhau tiếng gáy". Do chạy theo điểm số, nhiều học sinh đã sẵn sàng quay cóp bài. Còn với giáo viên, đôi khi vì mải đua theo thành tích mà có suy nghĩ và tư tưởng lệch lạc, gây ảnh hưởng tới học sinh, sinh viên".

Học để thi

Nói đến mục đích của việc học, UNESCO đã từng đề xướng "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình". Tuy nhiên, trong thực trạng giáo dục hiện nay, vì lợi ích cá nhân, nhiều người học có vẻ chỉ đang hướng theo mục đích: Học để thi.

Năm 2013, dư luận dậy sóng trước sự việc hàng trăm học sinh khối 12 tại một trường học ở TPHCM đã xé đề cương ôn thi môn Sử và xả đầy sân ngay sau khi biết môn đó không thi tốt nghiệp. Đó là hệ lụy của lối dạy và học chỉ để thi.

Không chỉ riêng môn Lịch sử, nhiều giáo viên còn cho rằng, nếu bất cứ một môn nào không phải thi, học sinh sẽ lơ là môn đó ngay lập tức. Vì thế mới có sự phân biệt môn chính, môn phụ bởi môn phụ lâu nay thường không phải thi, không gặp áp lực về điểm số.

Đã từng trải qua kỳ thi đại học đầy căng thẳng, sinh viên Mai Thị Bích Phượng thừa nhận, có một thực trạng đáng buồn, đó là ngay cả những môn chính như: Toán, Lý, Hóa, Văn… học sinh "vùi đầu" vào học cũng chỉ để đối phó với thi cử, để bằng mọi giá vào được một trường đại học nào đó.

Tuy nhiên, khi đã chạm tay vào ngôi trường mơ ước, nhiều sinh viên lại tiếp tục một vòng luẩn quẩn: học chỉ để qua môn và ra trường.

Chia sẻ về thực trạng "học chỉ để thi", cô giáo V. T. H. cho rằng, vấn đề này tạo nên áp lực lớn cho học sinh. Không chỉ học trên lớp, các em còn phải ngồi tại các "lò luyện thi" để không ngừng nhồi nhét các con chữ, phục vụ cho quá trình thi cử. Không chỉ "đánh cắp" thời gian vui chơi, tìm hiểu thế giới bên ngoài của trẻ, việc học quá nhiều còn vô hình chung tạo nên nỗi "sợ học" cho các em.

Đồng quan điểm, cô K.T.H cũng cho rằng, tâm lý "học chỉ để thi" còn gây tốn kém về kinh tế. Mong muốn con đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhiều bậc phụ huynh còn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua cho con một khóa học online ngắn hạn bởi cảm thấy việc học ở trường, ở trung tâm luyện thi vẫn còn… chưa đủ.

Dẹp được nạn chạy theo điểm số mới có học thật, thi thật - 2

Muốn học sinh học thật thì giáo viên phải dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình (Ảnh minh họa).

 Báo động tình trạng học hộ và thi hộ

Học hộ cũng được coi là một vấn đề còn tồn động, gây bức xúc dư luận. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các trường học, cao đẳng hay các cơ sở bồi dưỡng giáo dục thường xuyên, tại chức.

Đặc thù lớp học đông, giảng viên không thể kiểm soát hết; do đó, lợi dụng sơ hở này, nhiều người đã thuê người đi học hộ để có đủ số lượng buổi học. Không chỉ học hộ, nhiều sinh viên còn thuê "trọn gói" vừa học hộ, vừa thi hộ.

Là một sinh viên chăm chỉ tới giảng đường, sinh viên Mai Thị Bích Phượng tỏ ra khá bất bình trước thực trạng nhiều cá nhân thuê người học hộ, thi hộ. "Là sinh viên, tri thức và được xã hội kỳ vọng, việc nhờ người học hay thuê là điều khó có thể chấp nhận" - Phượng chia sẻ.

Phượng cho rằng, thực trạng đáng buồn này không chỉ làm mất đi tính công bằng mà còn gây ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của cơ sở giáo dục.

Không thể "học mướn" hay "sống mướn"!

"Học thật" chỉ được viết ngắn gọn trong hai từ, tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có sự chung tay, góp sức của đông đảo học sinh, sinh viên, phụ huynh, thầy cô và toàn xã hội. 

Giáo viên V. T. H. cho biết, "học thật" có thể hiểu một cách ngắn gọn là có mục đích học tập thật. Mục đích đó chính là học để khám phá và phát triển bản thân để trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.

Do đó, theo nhà giáo này, để hoàn thành nhiệm vụ "học thật", học sinh, sinh viên cần coi trọng việc học; đồng thời xác định rõ mục tiêu để việc học trở nên hiệu quả hơn.

"Đội ngũ giáo viên chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hơn trong công tác dạy học. Những người trong ngành cũng nên có cái nhìn đa chiều hơn về năng lực của học sinh. Thay vì nhìn vào điểm số, ta nên đánh giá dựa trên thế mạnh, sự tiến bộ hay mức độ nhân văn của các em với mối quan hệ xung quanh" - cô H. đề xuất.

Phụ huynh Đỗ Thị Thùy chia sẻ: "Theo tôi, nên có sự linh hoạt trong công tác giáo dục trẻ. Khi trẻ làm sai, thầy cô cần nghiêm khắc phê phán, tránh bao che, bênh vực. Trẻ làm điều hay, thầy cô có thể động viên và khích lệ kịp thời. Về phía gia đình, những người làm cha, làm mẹ như tôi cũng cần theo dõi sát sao việc học tập, rèn luyện của các con".

Quan niệm dạy và học là hai mặt của một vấn đề, cô K.T.H. cho rằng, muốn học sinh học thật thì giáo viên phải dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình.

Cũng theo giáo viên này, để "học thật" thực sự là học thật, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát điều chỉnh lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp để học sinh có nhiều trải nghiệm hơn trong quá trình học tập.

"Điều quan trọng nhất, ta cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức của học sinh. Việc này sẽ giúp định hướng để các em biết đâu là trắng đen, phải trái" - cô K.T.H. nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn  nhấn mạnh, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Vì vậy, để "học thật" thực sự là học thật, ngoài những yếu tố khách quan, người học cũng nên thay đổi tư duy và cách nhìn nhận về việc học. Chúng ta có thể "làm mướn" nhưng không thể "học mướn" hay "sống mướn". Việc học là phải cho chính cuộc đời mình.

Nói cách khác, nhiệm vụ "học thật" của giáo dục có thành công hay không là do "người học" quyết định chính, còn gia đình, nhà trường và xã hội sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong hành trình "thực học" này.

                                                                        Kiều Phương

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!