Quảng Trị:
Nữ sinh đạt 10 điểm môn Lịch sử: Học từ nhiều nguồn, học mọi nơi, mọi lúc!
(Dân trí) - “Những kiến thức từ sách giáo khoa, thông tin từ các bài báo, chương trình thời sự, hay từ một bộ phim cách mạng… đều rất hữu ích. Với nguồn kiến thức vô cùng sâu rộng ấy, em tự xâu chuỗi, tổng hợp các dữ kiện để hiểu và nhớ lâu”.
Đây là chia sẻ của em Cao Hoàng Thục Nhi (SN 2001, trú ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) - nữ sinh vừa đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Điểm thi 2 môn khối C còn lại của Thục Nhi cũng tương đối cao: Ngữ văn 8,5 điểm và Địa lý 8,75 điểm.
Trò chuyện với Nhi, em gây được ấn tượng với người khác bởi sự nhanh nhẹn, năng động, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp. Thục Nhi cho biết, em cảm thấy hài lòng với kết quả thi vừa qua. Đặc biệt, điểm 10 môn Lịch sử cũng là sự động viên cho quá trình cố gắng của bản thân em.
“Sau khi hoàn thành bài thi, em kiểm tra đáp án và cũng tự đánh giá được bài thi của mình. Với môn Sử em nghĩ mình đạt gần điểm tuyệt đối, còn môn Văn em hơi tiếc vì chưa đạt ý nguyện”, Thục Nhi tâm sự.
Nhi nói rằng, với kết quả thi em đạt được, ba mẹ cũng rất vui. Các thầy cô, bạn bè cũng chia sẻ với em. Tuy nhiên, đây mới là niềm vui ban đầu, còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Thục Nhi chia sẻ, gia đình chỉ có 2 chị em. Người em của Nhi đang học lớp 9. Ba mẹ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, trang bị đầy đủ cho hai chị em học tập. Ba mẹ cũng thường xuyên sát cánh, động viên hai chị em trong học tập. Tuy vậy, hai chị em cũng tự ý thức được việc học tập của chính mình. Đối với Thục Nhi, 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi, năm lớp 11 và 12 em đạt giải Nhì học sinh Giỏi tỉnh môn Lịch sử.
Tập thể lớp 12 trường THPT Cam Lộ - nơi Nhi theo học.
Trong học tập, Nhi luôn đặt cho mình mục tiêu để cố gắng và luôn có ý thức tự học. Em Nhi nói rằng, để học tốt môn Sử, em học kiến thức từ sách giáo khoa, khi đã nắm chắc kiến thức thì học thêm các sách bồi dưỡng nâng cao, tài liệu trên mạng.
“Những kiến thức từ sách giáo khoa, thông tin từ bài báo, chương trình thời sự, hay từ một bộ phim cách mạng… đều rất hữu ích. Từ những thông tin đó, cần được xâu chuỗi, tổng hợp, hệ thống thành kiến thức của mỗi cá nhân. Các thông tin trên đều giúp ích cho việc học. Muốn học tốt môn Sử phải học từ nhiều nguồn, học mọi lúc, mọi nơi nếu có thể. Còn để nhớ lâu thì phải trao đổi với bạn bè, người thân”, Nhi nói.
Thục Nhi chia sẻ, em rất yêu thích môn Lịch sử và môn Văn. Chính vì vậy, bước sang cấp 2 em đầu tư học các môn xã hội nhiều hơn. Lên cấp 3, Nhi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường nên thuận lợi hơn trong học tập.
Nhi tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Sử.
Cả ba và mẹ của em Nhi đều công tác trong ngành Công an nên ngoài niềm đam mê, Nhi cũng được người thân định hướng trong việc lựa chọn nghề. Nhi nói rằng, nhiều vấn đề xã hội được hai cha con đưa ra phân tích, từ đó giúp em nhận định và hiểu thêm được nhiều điều.
Trên lớp, các thầy, cô giáo cũng luôn hướng dẫn tận tình, giới thiệu các nguồn tài liệu, gợi mở nhiều ý tưởng hay. Thầy cô vừa dẫn dắt vừa trao đổi để học sinh nhớ kiến thức.
Vừa qua, em Nhi nộp hồ sơ vào các trường ĐH Kiểm sát, Học viện Tòa án (Hà Nội) và ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Nhi cho hay, em đang chờ các trường công bố điểm chuẩn mới quyết định.
Không chỉ thông minh, chăm học, Nhi cũng rất thích chơi thể thao. Đặc biệt, Thục Nhi từng được học võ thuật và tỏ ra rất đam mê.
Đ. Đức