Trà Vinh:
Nữ sinh đam mê nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer
(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi nhiều bạn bè lựa chọn các ngành "thời thượng" như Kinh tế, Luật, Sư phạm… thì Thạch Thị Ni Ta lại chọn ngành "lạ"" là Biểu diễn nhạc cụ truyền thống để theo đuổi niềm đam mê và góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Thạch Thị Ni Ta (sinh năm 1995, dân tộc Khmer) đang là sinh viên năm thứ 3, ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, Trường Đại học Trà Vinh). Sinh ra tại xã Trà Côn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nông dân, cả nhà Ni Ta không ai biết nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, cũng như bao gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương, ngay từ nhỏ, Ni Ta thường cùng cha mẹ đến các chùa trong vùng vào mỗi dịp lễ, Tết. Tại đây, lúc nào cũng có các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nên những tiếng đàn, điệu nhạc đã ngấm vào trong máu thịt của cô lúc nào không hay.
Năm học lớp 11, trường Dân tộc Nội trú Vĩnh Long (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có bộ đàn Ngũ Âm của đồng bào dân tộc Khmer, Ni Ta có điều kiện học và biểu diễn được một vài bài nên rất thích loại nhạc cụ này. Vậy là khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn các chuyên ngành Kinh tế, Nông nghiệp, Luật, Sư phạm… thì Ni Ta lại chọn chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống để thỏa niềm đam mê của mình.
Ni Ta cho biết: “Năm 2013, em cũng đỗ vào ngành Kinh tế Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) nhưng chọn ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Trường Đại học Trà Vinh) để theo niềm đam mê, sở thích của mình. Khi theo học tại trường, em càng thích hơn và quyết tâm học nhiều loại nhạc cụ truyền thống để giữ gìn văn hóa của dân tộc”.
Đến nay, Ni Ta đã sử dụng được các loại nhạc cụ truyền thống và các loại hình sân khấu của đồng bào Khmer như: nhạc Ngũ Âm, đàn Khưm, đàn Tà Khê, múa lâm thôn, múa cổ điển, biểu diễn sân khấu Dù Kê... nên thường xuyên tham gia biểu diễn ở các địa phương trong dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, nữ sinh đồng bào dân tộc Khmer này có biết sử dụng cả đàn Tranh, múa hiện đại…
Thầy Sơn Kim Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: “Việc sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống và nghệ thuật biểu diễn của đồng bào dân tộc Khmer như em Ni Ta là rất hiếm. Bởi vì ngoài việc kiên trì tập luyện còn có niềm đam mê và cả năng khiếu bẩm sinh”.
Theo Ni Ta, thời gian đào tạo của ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống đến 4,5 năm nên em sẽ tận dụng để học biểu diễn nhạc cụ, các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer càng nhiều càng tốt. Bởi vì, hiện tại một số loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer dần mai một, người trẻ sử dụng, đam mê các loại nhạc cụ ngày một hiếm.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, ước mơ của nữ sinh người dân tộc Khmer này là sẽ trở về trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Vĩnh Long (nơi em theo học suốt 5 năm - PV) để đem những kiến thức, hiểu biết của mình về nhạc cụ truyền thống truyền dạy cho các thế hệ sau nhằm giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa đồng bào dân tộc Khmer.
Hoàng Trung