Nữ sinh bán rau với ước mơ giảng đường sắp vụt tắt

(Dân trí)-Nhiều năm nay, người dân ở chợ Cai Lậy (Tiền Giang) đem lòng mến phục cô học trò mồ côi, chịu thương chịu khó ngồi bán rau giúp mẹ sau giờ học để có thêm chút tiền mua sách vở. Giờ đây, em đậu đại học nhưng nghĩ đến chi phí học, em cứ đắn đo mãi...

Cô học trò bán rau có gia cảnh khó khăn nên trên là em Lê Thị Thu Hương, nhà ở số 17/ 325 - đường Thanh Tâm, khu 3, thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang.

Lận đận cảnh “gà mái” nuôi con

Đến chợ Cai Lậy, hỏi thăm chỗ em Hương bán rau, chúng tôi được bà con tiểu thương ở đây chỉ dẫn rất nhiệt tình. Nơi mẹ con Hương bán hàng là một tấm bạt được trải trên nền chợ, trên đó có vài bó cải xanh, dăm ba quả dừa, vài cân khổ qua, rau nhút, rau muống, dưa leo, ớt sả băm mỗi thứ một ít… Trên tấm bạt ấy có hai người phụ nữ một già, một trẻ đang ngồi bán hàng. Người phụ nữ có gương mặt khắc khổ đang lúi húi dọn lại mớ hàng là chị Hồng - mẹ của Hương, còn cô bé tay đang thoăn thoắt bào khổ qua, lặt mớ rau muống kia là Hương.
 
Sau khi đọc bài viết này, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn xin số điện thoại của em Lê Thị Thu Hương để chia sẻ, động viên em. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Hương: 0942 691 738 (địa chỉ: nhà số 17/ 325 - đường Thanh Tâm, khu 3, thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang)
Hồi ấy, khi chị Hồng sinh bé Hương, chưa kịp đặt tên con thì ba Hương đã mãi mãi ra đi sau một tai nạn giao thông. Chồng mất, tài sản chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, chị đành bồng con về nương nhờ nhà ngoại. Nhà ngoại cũng nghèo nhưng thương con, thương cháu, bà cũng ra sức đùm bọc. Hàng ngày, chị gửi con cho bà ngoại đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con.
 
“Không có đất, không có tiền để xây nhà ở riêng. Còn thuê nhà trọ thì tiền đâu mà lo cho Hương ăn học? Cảnh “ăn nhờ, ở đậu” nhiều khi cũng tủi thân lắm nhưng vì thương con nên mình cắn răng mà chịu đựng.” - chị Hồng kể.

Gần 20 năm qua, những cọng rau, nải chuối... giúp mẹ con chị Hồng đắp đổi qua ngày
Gần 20 năm qua, những cọng rau, nải chuối... giúp mẹ con chị Hồng đắp đổi qua ngày.

Công việc làm thuê bấp bênh của chị Hồng không đủ để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con thì đừng gì đến việc lo cho Hương học. Dành dụm được một ít tiền, chị ra chợ mua bán nhỏ. Không có vốn nhiều nên chị đã chọn mặt hàng rau để mưu sinh. Và cái nghề này đã theo hai mẹ con chị mười mấy năm nay rồi.

Thương mẹ sức khỏe không được tốt, thường xuyên nay yếu, mai đau nhưng vẫn phải thức khuya, dậy sớm bán rau lo cho mình ăn học, Hương quyết tâm học tập để không phụ lòng mẹ và hy vọng sẽ có tương lai tươi sáng vào ngày mai.

Mỗi ngày, Hương thức từ sớm giúp mẹ ra chợ lấy hàng, dọn hàng. Xong công việc, em tất tả quay về để kịp giờ đến lớp. Đi học về, Hương ra chợ thay cho mẹ về nghỉ ngơi. Nhìn những ngón tay bị mài mòn và lở loét của mẹ con Hương, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa và càng khâm phục ý chí vượt khó của hai mẹ con giữa chợ đời khốn khó.

Xin bảo lưu kết quả đi làm công nhân may

Năm học nào, Hương cũng được xếp loại học sinh giỏi toàn diện. Điểm bình quân đều trên 8,5. Bằng sự nỗ lực vượt khó, cô học trò nghèo của lớp 12A3 Trường THPT Đốc Binh Kiều đã đỗ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, khối A ngành Công nghệ - sinh học với tổng điểm 26. Thi khối B, chỉ còn thiếu 0,5 điểm là Hương đỗ ngành Dược Trường ĐH Y dược TPHCM khi tổng điểm của em đạt 25,5 điểm.

Khi tôi hỏi: “Em có bí quyết gì trong học tập không?", Hương trả lời giản dị: “Trong lớp em tập trung nghe thầy cô giảng bài, có gì khó thì đánh dấu trong sách để hỏi lại; những điều gì mới mẻ ghi vào sổ tay tự học. Tối về, em tranh thủ giải nhiều bài tập, xem trước bài mới nếu còn thời gian đọc thêm sách khoa học, trau dồi thêm để bổ sung kiến thức”.

Trước gia cảnh khó khăn, Hương định xin bảo lưu kết quả đi làm công nhân may, chờ năm sau học.

Trước gia cảnh khó khăn, Hương định xin bảo lưu kết quả đi làm công nhân may, chờ năm sau học.

Nhắc đến Thu Hương, thầy Lâm Thanh Tùng - giáo viên dạy môn Toán của em cho biết: “Nhà nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Hương là một học sinh siêng năng chăm chỉ, giàu nghị lực, nhất là đức tính tự học, tự tìm tòi nghiên cứu… Nếu em phải dừng lại trên con đường học hành thì tiếc lắm!".

Không chỉ là một học trò ngoan, Hương còn là một người con hiếu thảo. Chị Hồng cho biết: “Không được may mắn như các bạn cùng tuổi, sớm mất đi tình thương của cha, gia cảnh lại nghèo khó, Hương lớn lên trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiểu được hoàn cảnh của mình, nên Hương rất thương mẹ".

Biết nhà nghèo nên em không đua đòi hay đòi hỏi gì. Hương rất tiết kiệm, quần áo, sách vở em học đều là đồ cũ của người khác cho lại. Lúc em thi đậu vào lớp 6 của một trường điểm của huyện, chị Hồng có mua cho con một chiếc xe đạp mini. Hơn 7 năm qua, chiếc xe ấy đã cũ mèm, gỉ sắt nhưng em vẫn sử dụng để đi học. Buổi chiều, Hương không đi xe mà đi bộ đến trường để không tốn tiền gửi xe.

Hay tin con thi đậu đại học, chị Hồng mừng lắm nhưng cũng ngần ấy ngày, khi đêm về chị trăn trở không ngủ được vì lo lắng. Chị nghe người ta nói, chính quyền có cho học sinh nghèo vay tiền đi học, nhưng do cùng chung hộ khẩu với mẹ nên chị không có sổ hộ nghèo, vả lại chị không có tài sản, nhà cửa gì để thế chấp, không biết có đủ điều kiện để được vay hay không?

Thấy mẹ lo lắng, Hương an ủi mẹ và bảo rằng, nếu không có tiền để nhập học năm nay, em sẽ xin bảo lưu kết quả, xin vào xí nghiệp may Việt Tân để làm, dành dụm tiền để đi học vào năm sau. Nghe con bảo vậy, chị Hồng thương lắm. Nhưng khi thấy con buồn khi nghe bạn bè nhắc đến việc đi học, chị lại như đứt từng đoạn ruột…

Khi được hỏi, ước mơ của em sau này là gì, Hương khẽ cười và nói: “Em thi đỗ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, em ước mơ sau này sẽ trở thành kỹ sư để có điều kiện nghiên cứu những lĩnh vực về sinh học, nhất là cách bảo quản rau quả giúp bà con nông dân. Em mong sau này có được một việc làm ổn định để báo hiếu cho mẹ, giúp gia đình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại”.

Diệu Hiếu - Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn