Nữ hiệu phó có con rớt lớp 10: "Cần phải để con tự trả giá, tự nguyện học"

Hoài Nam

(Dân trí) - Thời điểm học sinh khắp nơi đang căng thẳng với kỳ thi vào lớp 10, cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Đà Nẵng nhắc lại câu chuyện xúc động về cậu con trai rớt lớp 10.

Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng chia sẻ thời điểm này, các con sinh năm 2008 ở khắp nơi đang căng thẳng với kỳ thi giành suất vào lớp 10 công lập, kỳ thi được xem là cam go hơn cả giành suất vào đại học. Rất nhiều gia đình đã lo lắng, căng thẳng về kỳ thi này từ khi con mới lớp 7, lớp 8. 

Trong bối cảnh này, cô Hạnh nhớ lại câu chuyện con trai mình năm ấy, con rớt lớp 10 và theo học trung cấp nghề, ngành công nghệ ô tô. 

Nữ hiệu phó có con rớt lớp 10: Cần phải để con tự trả giá, tự nguyện học - 1

Cô Trần Thị Kim Hạnh cùng học trò (Ảnh: L.L).

Giờ con trai cô Hạnh đã học xong trung cấp, đang hoàn thành chương trình phổ thông để vào học cao đẳng. Bạn bè của cháu, một số đã đi làm nhưng con quyết tâm sẽ học tiếp đến đại học theo đúng dự định ban đầu khi theo học nghề.

Nữ hiệu phó trải lòng, giờ đây, nhìn vào những cuốn vở học của con, cô rất mừng, không phải vì điểm trên đó mà vì cách con viết. Cuốn vở được viết đầy kín trang, ngay ngắn, kể cả môn văn, môn con vốn chán ngán vì phải viết nhiều, không như thời tiểu học hay THCS luôn xiên xẹo, nguệch ngoạc và bỏ ngỏ, đầy giấy trắng.

Điều này giúp cô hiểu, con đã thích học hơn và coi trọng việc học hơn.

"Vậy đó, một đứa trẻ, có thể thay đổi và tiến bộ, dù nó đang là như thế nào và trong bất cứ điều kiện nào", cô Hạnh cho hay.

Nữ hiệu phó gửi nhắn, trước kỳ thi này tất cả hãy thả lỏng, cả những đứa con và cả bố mẹ của các con. Bởi thực tế có nhiều con đường và cơ hội, chứ không chỉ mỗi cách thẳng tiến vào 10 bằng mọi giá

"Bình yên và sáng suốt cho kỳ thi này, các con nhé!", cô nói.

Cách đây 3 năm, bức thư của cô Trần Thị Kim Hạnh gửi cho con trai rớt lớp 10 gây sốt trên mạng xã hội khi lan tỏa sự ấm áp cùng quan điểm sâu sắc về việc học, về hạnh phúc, về cách ứng xử của cha mẹ với con cái, về giá trị của gia đình... đến với nhiều người.

Đặc biệt, nhiều người cảm phục tâm thế của người mẹ là quản lý trường học không ngần ngại nói về việc con rớt lớp 10 cũng như đồng hành, tạo sự bình yên cho con trên lối đi khác. 

Trong lá thư gửi con năm đó, nữ hiệu phó trải lòng: 

Cú ngã này khiến con phải giật mình, tỉnh ngộ. 4 năm qua, con đã dễ dàng thỏa hiệp với những ham muốn của bản thân thì giờ đây, con muốn xóa hết đi những dấu vết của sự ham chơi ấy trong kí ức con. 4 năm qua, con không chiến thắng được sự rủ rê của bạn bè thì giờ đây con đã biết cái tai hại của sự kết giao ấy. 4 năm qua, con vẫn chưa vượt qua được chứng sợ học do cú sốc tiền lớp 1 thì giờ đây con có quyết tâm hơn cho việc học.

Mẹ biết con vẫn còn buồn, vẫn còn nhiều vướng mắc bên trong nên khi được hỏi về ý nghĩa của sự cố này, con chưa hề có sự thoải mái. Mẹ sẽ giúp con nhìn ra được ý nghĩa, lợi ích của việc này và dễ dàng chia sẻ nó với người khác. 

Chỉ khi đó, con mới có tâm thế sẵn sàng đối diện với nó, chấp nhận nó và chọn con đường đi cho mình một cách dễ dàng và dễ chịu, để mai sau, khi nhìn lại, con thấy tự hào vì con đã không bị trôi tuột đi theo nỗi buồn và sự chán nản của thời khắc ấy. Con đã mạnh mẽ đối đầu và tiếp tục hành trình của mình.

Nữ hiệu phó có con rớt lớp 10: Cần phải để con tự trả giá, tự nguyện học - 2

Bức thư gửi con rớt lớp 10 của cô Hạnh từng gây sốt cộng đồng mạng (Ảnh: H.N).

Giờ điều khó khăn nhất với con là cái nhìn của bạn bè, người thân với kết quả của con. Nhưng con à, đó cũng chỉ có thể là sự tưởng tượng của con mà thôi. Còn nếu có thì người ta có thể không hiểu về quá trình của con, với những trải nghiệm đầu đời không hề tốt đẹp về việc học khiến con phải sợ hãi chuyện học đến thế nào thì việc người ta đánh giá con trên kết quả này có gì đáng quan tâm. 

Người ngoài có thể nghĩ ngợi này kia, nhưng bên con có cha mẹ, có chị, những người luôn đồng hành cùng con những năm tháng qua thì bây giờ vẫn như vậy.

Cô hiệu phó cũng nhấn mạnh đến con đường phía trước khi rớt lớp và trách nhiệm của con:

Nếu đậu lớp 10, con chỉ có 1 con đường. Còn giờ đây, con có 3 con đường để lựa chọn: học Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học cao đẳng nghề hoặc là ôn tập để thi lại năm sau. 

Cái đích đến cuối cùng của con người, không phải là đã học trường nào hay kết quả học tập ra sao mà là trở thành một con người có ích và biết cách sống hạnh phúc, bình an. 

Muốn vậy, con phải có khả năng đối đầu với thất bại, có ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, biết ơn những trở ngại cuộc sống đem lại cho mình để mình trưởng thành.

Đó cũng là lý do vì sao, mẹ đã không gò ép con vào khuôn khổ trong việc học hành vì mẹ hiểu, để con vượt qua được chứng sợ học, nhất định không bằng con đường gò ép mà phải để con tự trả giá, tự nhận ra giá trị của việc học thì con mới có thể tự nguyện học tập.

Mẹ không thể đánh đổi sự bình an của con để lấy kết quả học tập tốt hơn bởi mẹ hiểu, cái đi theo con người suốt cả cuộc đời không phải là giấy khen, điểm số trong học bạ mà là những trải nghiệm đã có trong đời. 

Nhiều trẻ em đã mất sự kết nối với cha mẹ vì những áp lực và kì vọng ấy. Đó thật sự là thiệt thòi lớn nhất của một con người. Mẹ chỉ là một người mẹ bình thường và với mong ước về con cũng giản dị, bình thường vậy thôi.

Bình an con trai nhé! Bình an đối diện vấn đề để có sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp nhất với con. Mẹ có thể không giúp con học tốt hơn nhưng mẹ có thể giúp con trở nên bình an hơn khi gặp khó khăn. Hãy tin ở mẹ.