NSƯT Bùi Công Duy tham gia xét Phó giáo sư năm 2022
(Dân trí) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2022.
Trong danh sách này, NSƯT Bùi Công Duy Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là ứng viên PGS liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục Thể thao. Ông Duy sinh năm 1981, từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997.
Bùi Công Duy tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây danh tiếng trên thế giới Virtouse Moscow.
Ông đã tham gia hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước, trong đó có 48 chương trình tiêu biểu. Nghệ sĩ từng biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc tại Phòng hòa nhạc lừng danh Berliner Philharmonic. Ông là người sáng lập ra cuộc thi Violin và hòa tấu thính phòng quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Chương trình được TheViolinChannel đánh giá một trong 20 sự kiện, cuộc thi đáng chú ý trên thế giới năm 2019.
Nghệ sĩ cũng nhiều lần được mời đi giảng dạy tại các trại hè hay liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Mỹ (Trường ĐH Bắc Texas) và Thụy Sĩ (Borromeo Festival), nơi NSND Đặng Thái Sơn đã tham gia giảng dạy tại mùa hè năm nay. Ông đã công bố 7 bài báo trong nước và 1 bài báo quốc tế tại Nga trên tạp chí Khoa học ISSN.
Ngoài ra, NSƯT Bùi Công Duy cũng tham gia chấm thi quốc gia và quốc tế, trong đó có 2 lần chấm thi tại Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế mang tên Tchaikovksy dành cho các nghệ sĩ trẻ. Từ 2021, ông được mời giảng dạy cho nghiên cứu sinh tại Trường Đại Học S. Paul - Manila (Phillipines).
Các học trò được nghệ sĩ Bùi Công Duy huấn luyện, đào tạo đã đoạt 23 giải thưởng quốc tế và 5 giải quốc gia.
Hiện, nghệ sĩ Bùi Công Duy là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông cũng là Phó Giám đốc trẻ nhất trong lịch sử 65 năm của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trước đó, ông từng đảm nhận vị trí Phó Trưởng khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (từ 2010-2013), Trưởng Khoa Dây (từ 2013-2017).
Ứng viên giáo sư duy nhất của ngành Luật
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao) là ứng viên GS duy nhất của ngành Luật học.
Ông Nguyễn Hồng Thao bảo vệ luận án tiến sỹ về luật biển tại ĐH Paris I Pantheon - Sorbone và có tác phẩm duy nhất đến nay về các vấn đề của luật biển Việt Nam được giải thưởng quốc tế. Ông từng kinh qua các vị trí như Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaysia (2011-2014) và Đại sứ tại Kuwait (từ năm 2014).
Năm 2016, ông Nguyễn Hồng Thao đạt 120/191 phiếu và trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế. Năm 2021, PGS.TS Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu 145/193, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau ứng cử viên Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Trong danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS 2022, ngành Kinh tế có nhiều số ứng viên GS, PGS nhất với 59 người, trong đó có 6 ứng viên GS, 53 ứng viên PGS với nhiều người có tuổi đời khá trẻ, sinh năm 1988.
Tiếp đến ngành Y học có 53 ứng viên, gồm 8 ứng viên GS, 45 ứng viên PGS. Liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm có 50 ứng viên.
Ngành Tâm lý học chỉ có một ứng viên PGS là TS Phạm Văn Tuân, sinh năm 1983, Trường ĐH Văn Lang. Ngành Luyện Kim cũng chỉ có 1 ứng viên. Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 1 ứng viên GS, 1 ứng viên PGS. Ngành Văn học có 3 ứng viên PGS.