“Nóng” họp báo bởi con số hơn 34.000 tỷ đồng
(Dân trí) -Chiều ngày 15/4, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo quý I năm 2014 để trao đổi, giải đáp các thắc của báo chí. Ngoài câu chuyện kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề thì cuộc họp báo trở nên “nóng bỏng” với con số hơn 34.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Mở đầu cuộc họp báo, hàng loạt phóng viên đã đề cập ngày đến con số gần 35.000 tỷ đồng mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra tại phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều đáng tiếc ở cuộc trao đổi thẳng thắn này đã vắng mặt Thứ trưởng phụ trách mà thay vào đó là sự trả lời của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.
Hơn 34.000 tỷ thực hiện nhiều nội dung
Vấn đề được báo chí đưa ra, Bộ GD-ĐT đưa ra mức kinh phí trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông, nhưng chưa kể đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó, nhiều thiết bị được đầu tư vẫn đang nằm kho, không sử dụng, rất lãng phí, Bộ có rút kinh nghiệm gì khi thực hiện đề án lần này?
Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, con số gần 35.000 tỷ đồng, đó chỉ là khái toán, vì đề án cần có hình dung về kinh phí để thực hiện. Đây chỉ là con số ban đầu, tạm hình dung, còn phải trải qua nhiều công đoạn khác, thẩm định của Bộ Tài chính, thanh tra của Quốc hội. Vẫn còn phải hoàn thiện đề án và trải qua thẩm định nữa. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến phản biện để hoàn thiện đề án cùng như đề xuất về kinh phí.
Cũng theo ông Thống, khi tiến hành xây dựng đề án đổi mới thì Ban soạn thảo phải khảo sát đánh giá hiện trạng dạy học trong đó có thiết bị, phòng thí nghiệm. Nhưng tinh thần đổi mới lần này vẫn là tận dụng tất cả trang thiết bị đã có sẵn, chỉ bổ sung những yêu cầu thiết thực, tăng cường thí nghiệm ảo, ứng dụng công nghệ thông tin để tránh phải đầu tư quá nhiều. Thay đổi lớn nhất trong việc đổi mới lần nay không phải quan trọng nhất là nội dung mà hướng tới đổi mới cách dạy và cách học để hình thành năng lực cho học sinh.
Với câu hỏi trực diện của PV Dân trí về việc chi phí để thực hiện làm chương trình và viết SKG, PG.TS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ: “Ở đây, tên của đề án đã khiến nhiều người hiểu nhầm, chi phí để thực hiện làm chương trình, viết sách chỉ khoảng 5.000 tỷ, hơn 29.000 tỷ còn lại thực hiện các hạng mục khác như bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, các vấn đề liên quan để triển khai thực hiện, cái này gồm 7-8 hạng mục lớn”.
“Không phải chúng tôi giấu gì mà chỉ là khái toán, rồi sau này phải qua nhiều lần thẩm tra rồi phải công khai minh bạch. Nói con số chính xác là rất khó trong bối cảnh hiện nay” - ông Thống nói.
Ông Thống cũng cho biết thêm, trước những ý kiến phản biện của đại biểu Quốc hội, từ nay đến 25/4, Bộ GD-ĐT sẽ phải hoàn chỉnh tất cả đề án để Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội thẩm định lại. Nếu được thông qua, đề án này sẽ đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5.
Chốt thông tin về con số hơn 34.000 tỷ, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng - Chủ trì buổi họp bảo cho biết: Ngay sau buổi báo cáo 14/4, tất cả những chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã được Bộ GD-ĐT nghiêm túc tiếp thu để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện không chỉ là con số khái toán này mà tất cả các nội dung khác.Bộ sẽ rà soát lại để đưa ra con số khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu tất yếu của đổi mới chương trình, SGK. Nếu không làm được việc này thì chắc chắn Nghị quyết sẽ không được Quốc hội thông qua.
“Quan điểm của Bộ GD-ĐT khi xây dựng là luôn quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triệt để tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định nguồn ngân sách nhà nước, không làm điều gì để dẫn đến thất thoát, lãng phí” - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định.
Thay đổi kỳ thi tốt nghiệp: Không tạo “sốc” cho học sinh
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những giải đáp về việc đưa kết quả học tập lớp 12 vào làm trọng số 50% để xét công nhận tốt nghiệp nhưng báo chí tiếp tục bày tỏ những lo lắng khi mà nguy cơ chạy theo thành tích các địa phương sẽ “phóng” điểm cho học sinh.
Tái khẳng định quan điểm của Bộ GD-ĐT, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh: “Câu chuyện về việc sử dụng, phối hợp kết quả học tập của lớp 12 với điểm thi để xét và công nhận tốt nghiệp ở kì thi năm nay được dựa trên những cơ sở lý luận khá là chặt chẽ. Thứ nhất, là thực hiện định hướng chỉ đạo của Nghị quyết 29 đã nói rõ: “Đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo được độ tin cậy, qua đó làm dữ liệu để làm cơ sở tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp và ĐH, CĐ. Nghị quyết cũng khẳng định, sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kì, cuối năm học. Về thực tiễn mà nói, việc sử dụng kết quả học tập trong quá trình với điểm thi để xét và công nhận tốt nghiệp đã được nhiều nước có nền giáo dục phát triển áp dụng”.
Cũng theo PGS.TS Trinh, có thể có người đặt ra sẽ có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp nhưng đây chỉ là dự đoán còn thực tế thì phải chờ mới biết. Về việc có thể có hiện tượng “phóng điểm” thì Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy vấn đề nhưng vừa qua nhiều Sở GD-ĐT đã rất chủ động thực hiện phần mềm quản lý điểm và chắc chắn việc chỉnh sửa điểm không phải là dễ dàng. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm liên quan đến công tác này. Đồng thời cũng khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tự trọng nghề nghiệp của nhà giáo và tính tự giác của học trò.
“Hơn lúc nào hết chúng ta phải có một niềm tin mãnh liệt với độ ngũ nhà giáo” - PGS.TS Trinh bày tỏ.
Liên quan đến việc thay đổi đề thi tốt nghiệp THPT khi mà thời gian đã cận kề thì có nên hay không, Cục trưởng Cục khảo thí giải thích: Những thay đổi kì thi tốt nghiệp THPT luôn vận hành theo một trục đó là tạo thuận lợi cho học sinh nhưng theo nguyên tắc không làm “sốc” học trò. Nói cách khác là việc đổi mới thực hiện trong lộ trình từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao. Tất cả những vấn đề cụ thể hóa ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được thể hiện một cách tường minh hoặc không tường minh trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mà Vụ Giáo dục trung học đã ban hành vào đầu năm học.
“Với mục đích thi không chỉ để đánh giá xem học sinh đạt ở mức độ nào trong quá trình học tập mà mục tiêu lâu dài đó là nó phải có sự tác động tích cực trở lại quá trình học tập của học sinh, của nhà trường” - Cục trưởng Cục khảo thí nhấn mạnh.
Về việc bảo lưu điểm thi cho học sinh giáo dục thường xuyên có thể dẫn đến khi tính công nhận tốt nghiệp theo phương thức mới chỉ cần đăng ký bảo lưu 4 môn đạt yêu cầu là thí sinh đã đỗ mà không cần dự thi thì PGS.TS Mai Văn Trinh thẳng thắn thừa nhận là có thể có thực trạng này. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục khảo thí cũng lưu ý việc xét tốt nghiệp năm nay còn có cả trọng số điểm trung bình học tập lớp 12 nên chắc không phải thí sinh nào bảo lưu cũng đỗ.
Trước câu hỏi của PV Dân trí, "Với việc ra một văn bản sửa đổi để cải tiến kỳ thi nhưng lại tạo cơ hội cho thí sinh trượt tốt nghiệp năm trước chuyển thành đỗ năm này mà không cần dự thi thì có hợp lý hay không? Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có đầy đủ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp năm 2013 thì có thể đưa ra con số thống kê thực tế thí sinh giáo dục thường xuyên chỉ cần bảo lưu là đỗ tốt nghiệp?" thì PGS.TS Mai Văn Trinh lại không có lời hồi đáp.
Nguyễn Hùng