Lùi thời gian đổi mới chương trình, sách giáo khoa là đúng

(Dân trí) - Việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xin lùi thời gian trình hồ sơ đổi mới chương trình, sách giáo khoa vào sáng ngày 25/4 tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đây là động thái tốt, lùi là đúng.

Lùi thời gian đổi mới chương trình, sách giáo khoa là đúng
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại phiên họp Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng lần thứ 6.

Theo phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi xin lùi thời gian trình hồ sơ đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) là do Ban soạn thảo cần thời gian nghiên cứu về kinh phí thực hiện việc đổi mới chương trình và SGK nên chưa trình dự án này ra Quốc hội tháng 5 tới. Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến và được Thủ tướng đồng ý xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc lần 6 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGD TTN & NĐ) của Quốc hội để chuẩn bị cơ bản đầy đủ.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đối với vấn đề kinh phí không trình được lần này vì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và các bộ liên quan, sau đó là ý kiến của Ủy ban VHGDTTN & NĐ của Quốc hội. Chính phủ sẽ có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo chính thức về vấn đề này. Bộ sẽ khẩn trương xây dựng Hồ sơ chi tiết, bao gồm cả nội dung về dự kiến kinh phí và lộ trình thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo đúng quy định.

Trao đổi với báo chí, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN & NĐ của Quốc hội cho biết: “Ủy ban chấp nhận lý do xin rút và đề nghị Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện thêm hồ sơ để việc trình đề án đạt đồng thuận cao, trong đó có vấn đề kinh phí. Bởi về nguyên tắc, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT không thể thiếu báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, thế nhưng báo cáo này chưa hề có. Báo cáo giám sát của Quốc hội không thể thay thế báo cáo tổng kết của bộ được. Muốn có báo cáo tổng kết, Bộ GD-ĐT phải tổ chức tổng kết từ cơ sở lên, như vậy cần phải có thêm thời gian để làm việc này”.

Chia sẻ với PV Dân trí, GS.VS Phạm Minh Hạc đồng tình với phương án của Bộ GD-ĐT xin lùi thời gian đổi mới chương trình, SGK để có thêm thời gian chuẩn bị. “Bộ GD-ĐT làm như thế là đúng vì đổi mới chương trình, sách giáo khoa chỉ là một khâu quan trọng nằm trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đây là việc làm đại sự của đất nước không thể vội vàng được" - GS Hạc nhấn mạnh.

GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Bộ GD-ĐT phải tóm tắt đánh giá lại những cái được, chưa được của bộ SGK suốt 14 năm qua, có cứ liệu, số liệu minh họa. Đề án phải như một công trình khoa học thì mới thuyết phục được. Thêm nữa, phải xác định rõ mục tiêu, cụ thể hóa của từng cấp học. Bởi, nếu cấp THCS đòi hỏi phân luồng thì SGK mới sẽ phân luồng như thế nào, cũng chưa thấy nói cụ thể. Cấp THPT sẽ tăng cường tự chọn, nhưng tự chọn như thế nào cũng phải rõ, tự chọn 1 khoa, 1 trường hay một nhóm ngành, để sau này khi tốt nghiệp, các em sẽ chọn vào nông nghiệp hay y khoa, sư phạm cũng phải rõ. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn chung chung, mông lung, ví dụ: về thiết bị dạy học mà đòi ngốn tới 20 ngàn tỷ, trong khi thiết bị hiện tại ở các nhà trường phổ thông thì đắp chiếu, hỏng hóc. Chẳng nước nào, học sinh lại học chay nhiều như ở nước ta, học mãi mà chẳng có nghề khiến cho phụ huynh, học sinh bức xúc. Tôi đã rất mừng là tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu những điều thật tâm đắc. Đó là giáo viên, cơ sở vật chất - không có hai yếu tố này thì làm sao đổi mới căn bản, toàn diện được giáo dục nước nhà".

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm