Bộ GD-ĐT xin rút nội dung thảo luận đổi mới chương trình, sách giáo khoa

(Dân trí) - Sáng nay 25/4, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã xin rút nội dung thảo luận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo tại phiên họp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tích cực hoàn thiện hồ sơ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 14/4/2014. Việc hoàn thiện và thẩm định bộ hồ sơ này trước khi gửi sang Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cần phải có thời gian, nên không kịp hoàn thành để phục vụ cho phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội ngày 25/4/2014. Vì lý do trên, Bộ GD-ĐT kính đề nghị Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 6.

Trước đó, Bộ trưởng Luận đã trả lời bức xúc của dư luận xã hội về con số 34.000 tỷ đồng để làm đề án chương trình, sách giáo khoa theo khái toán mà Bộ GD-ĐT đưa ra.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết con số này không có trong trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên UBTVQH về việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Đó là con số ước tính của các nhóm chuyên gia.
 
Theo Bộ trưởng Luận, Bộ GD-ĐT thừa ủy quyền của Chính phủ có tờ trình báo cáo UBTVQH xem xét về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông với 2 lý do.

Thứ nhất, đây là một trong những bước triển khai cụ thể Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, theo do cả hệ thống giáo dục đều phải đổi mới, trong đó có việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Thứ hai, hơn 10 năm trước, khi tiến hành đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Chính phủ có Tờ trình và Quốc hội đã ra Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10. Lần này, Chính phủ cũng báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông, chủ yếu là về mục tiêu đổi mới, tiến độ, phân công tổ chức thực hiện, hoàn toàn không phải là một đề án chi tiết với những tính toán cụ thể về kinh phí thực hiện, phân kỳ đầu tư…
 
Bộ trưởng Luận cho biết: "Với tư cách là người đứng đầu ngành Giáo dục, lẽ ra tôi phải trực tiếp báo cáo trước UBTVQH, nhưng vào thời điểm đó tôi đang đi công tác nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á.

Cá nhân tôi và lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa xem xét, thảo luận về các chi phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. 

Còn con số 34.000 tỷ đồng nói trên là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau dựa theo các nội dung của Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, ước tính không chỉ cho đổi mới chương trình, SGK phổ thông mà còn cho những công việc khác như: đào tạo lại giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học trong toàn quốc, ứng dụng công nghệ thông tin...

Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên UBTVQH không có con số này cũng như bất kỳ con số nào về kinh phí. Tuy vậy, trong quá trình trao đổi, thảo luận về tờ trình của Chính phủ tại phiên họp UBTVQH vừa qua, đại diện Bộ GD đã nêu ra con số ước tính 34.000 tỷ này, gây nên sự hiểu nhầm. Đây là sơ suất rất đáng tiếc và Bộ GD-ĐT xin nhận trách nhiệm về việc này".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định khi QH chưa ra Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông thì chưa thể có một đề án và kinh phí cụ thể.

Chỉ sau khi QH đồng ý chủ trương thì lúc đó Bộ GD-ĐT mới bắt tay vào xây dựng đề án chi tiết, lấy ý kiến chuyên gia, đóng góp của các bộ ngành, địa phương, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ hoàn thiện đề án để xin ý kiến Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo, sau đó mới trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Quốc hội nếu vượt thẩm quyền.
 
Hồng Hạnh