Bạn đọc viết:
Nỗi niềm người dạy thêm
(Dân trí) - Lâu nay cứ nhắc đến dạy thêm, học thêm là mọi người đều mặc định, đổ lỗi cho thầy cô giáo, coi họ như những "tội đồ" bắt con em mình phải học thêm, là nguyên nhân gây ra tình trạng học nhiều, học quá tải, thậm chí còn coi họ là “con buôn bán chữ”.
Đã từng là giáo viên đứng lớp, có nhiều bạn bè, người thân làm nghề giáo, tôi khẳng định rằng thầy cô nào cũng mong mỏi học trò của mình ngoan ngoãn, học giỏi, dạy đến đâu hiểu bài đến đó. Vấn đề chỉ là khả năng, trình độ sư phạm của mỗi người khác nhau nên có người dạy tốt, có người không, dẫn đến những kết quả khác nhau trong sự lĩnh hội kiến thức. Không có thầy cô nào lại cố tình dạy qua loa, đại khái để học sinh không hiểu bài, phải đi học thêm.
Tôi cũng tin gần như tuyệt đối rằng không có người nào cố tình “găm bài”, giữ bài, chỉ dạy một phần trên lớp, còn để dành một phần về nhà dạy thêm. Nếu có chăng đó chỉ là đôi lúc bài quá dài, thời gian trên lớp lại ít ỏi, không đủ để truyền đạt hết lượng kiến thức. Mặt khác sĩ số lớp thường đông, mặt bằng kiến thức chênh lệch, để những em có học lực trung bình hiểu được, phải giảng đi giảng lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Trong trường hợp lớp học thêm cũng là toàn bộ số học sinh lớp học chính, có thể giáo viên đã suy nghĩ một cách đơn giản là để giờ học thêm dạy tiếp cũng được mà không hiểu rằng như thế là vi phạm quy chế dạy và học. Tôi không có ý định bênh vực nhưng sự thực là hiện tượng “cháy giáo án” thường xuyên xảy ra vì thầy cô lên lớp không chỉ có mỗi việc dạy mà còn trăm thứ linh tinh khác, người ngoài cuộc không hiểu hết được.
Bản thân tôi, xin được tự nhận là người luôn có trách nhiệm với học sinh, hoàn toàn vô tư trong sáng, không một chút vụ lợi cá nhân trong công việc, mà cũng phải dùng học thêm như một “cứu cánh” cho giờ học chính. Ví dụ ngày mai là tiết kiểm tra văn thì giờ học thêm hôm trước phải hướng dẫn học sinh lập dàn ý chi tiết cho đề văn ngày mai. Vì với sức học của học sinh và tình trạng học văn như hiện nay mà không làm thế thì kết quả tôi thu được sẽ chỉ là những bài văn sơ sài, nguệch ngoạc một vài chữ chiếu lệ cho xong. Cái mà những người dạy như tôi cần là các bài làm có chất lượng hơn như thế, điểm số chỉ là phần nhỏ, điều cốt yếu là học sinh hiểu vấn đề, biết cách làm. Giờ học thêm kết thúc, tôi còn dặn đi dặn lại học sinh là “những bạn nào ở gần nhà mấy bạn hôm nay nghỉ học thì đưa vở cho các bạn chép và nói là mai cô kiểm tra đề này, chuẩn bị trước đi”. Vậy ai không hiểu chắc chắn sẽ nghĩ rằng tôi mắc bệnh thành tình hoặc đang ép học sinh đi học thêm.
Là giáo viên mà phải mở lớp học thêm ở nhà thì cũng chẳng sung sướng gì đâu. Dạy ở lớp đã đủ mệt lắm rồi, đi làm về ai chẳng muốn được nghỉ ngơi, thư giãn, đằng này lại lao đầu vào dạy tiếp, chạy ngược chạy xuôi hết ca này đến ca khác. Cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh, vì đồng lương ít ỏi, vì tự an ủi vẫn còn việc mà làm so với rất nhiều những giáo viên khác muốn cũng không được.
Các bậc phụ huynh có một cái dở là đầu năm học bao giờ cũng tự đặt vấn đề học thêm với giáo viên , rồi nói một cách rất tha thiết “trăm sự nhờ thầy cô giúp đỡ”, xong sau đó lại quay ra nói rằng chả lẽ cô dạy lại không học. Nhiều người thấy con người khác học thêm cô chủ nhiệm, sợ con mình không học, cô không quan tâm hoặc trù dập, thế là tự đến xin học rồi đổ tiếng ác cho cô. Có trường nêu chủ trương ngay từ đầu là sẽ tổ chức học thêm và gửi mẫu đơn tự nguyện học đến từng phụ huynh, ai đồng ý thì đăng kí. Như vậy, rõ ràng quyền lựa chọn thuộc về phụ huynh, nếu thấy con mình nên học thì học không thì thôi, nhưng họ nghiễm nhiên coi đó là thứ văn bản ép buộc, thích hay không cũng phải đi học. Thật vô lý hết sức! Chưa hết, có bậc phụ huynh còn mắc bệnh suy diễn thế này, khi cô giáo mời đến để phản ánh về việc học tập không tốt của con thì lại cho rằng cô gợi ý phải đi học thêm, cô ghê lắm không học thêm nên cô mới thế...
Bản thân tôi và những người bạn giáo viên tôi quen biết chưa từng có ai ép buộc học sinh đi học thêm dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và dạy thêm là phương tiện tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống. Con tôi năm nay mới học lớp ba nên có thể hơi vội vàng khi kết luận một sự thực là chẳng có cô giáo nào gợi ý để tôi cho cháu đi học thêm. Trong quãng đời học phổ thông của tôi cũng vậy, tiếp xúc với biết bao thầy cô giáo đứng lớp nhưng chỉ có một, hai người là lợi dụng quyền hạn của mình để cho nhóm học sinh mình dạy thêm làm trước bài kiểm tra. Rõ ràng, họ chỉ là thiểu số như “con sâu làm rầu nồi canh”, như vết ố làm xấu đi hình ảnh của tất cả những thầy cô đã và đang dạy thêm với mục đích chính đáng.
Tôi cũng lấy làm lạ là tại sao có bậc phụ huynh gặp phải những giáo viên ép học sinh đi học thêm mà còn cho con học, kiến thức thu được chưa thấy đâu chỉ thấy làm hỏng con vì kiểu học gạo, vì nhân cách đáng xấu hổ của người thầy. Phải chăng họ chỉ quan tâm đến điểm số, đến thành tích của con, những nỗi sợ mơ hồ mà họ viện cớ vào chỉ là để che lấp động cơ chính yếu ấy. Hơn nữa bây giờ là thời đại nào mà còn sợ giáo viên trù dập, chỉ một cuộc ghi âm, một hình ảnh quay phim làm chứng thì người thầy đó mất sự nghiệp như chơi. Và chính các giáo viên dạy thêm chân chính cũng muốn phụ huynh hãy lên tiếng vạch trần những con sâu làm hỏng nồi canh ấy để chấm dứt tiếng xấu cho người làm thầy, để dư luận không vơ đũa cả nắm.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh một điều, đó là đa phần giáo viên phải giỏi mới thu hút được học sinh đến học và đa phần là phụ huynh tự nguyện cho con em mình đến học, không có chuyện ép mà được. Khi nào nền giáo dục còn nặng về kiểm tra, thi cử; nội dung học tập còn thiên về kiến thức hàn lâm, thiếu tính thực tiễn và cách đánh giá học sinh còn thông qua một kênh duy nhất là học lực trên lớp thì còn phải học thêm. Người thầy không có lỗi trong việc dạy thêm theo nhu cầu thiết yếu của người học.
Hà Đông