Nỗi niềm mùa họp phụ huynh

(Dân trí) - Cứ một năm hai lần, kết thúc kì thi học kì là nhà nhà lại rộn ràng điểm số và xôn xao mỗi khi nhận thông báo mời họp phụ huynh của cô giáo. Tờ giấy báo giản đơn ấy lại có sức nặng vô cùng bởi nó có thể kéo theo những biến động tâm lí phức tạp của phụ huynh và cả học sinh. Buồn và vui, mệt mỏi và háo hức, nặng nề và hớn hở… đều có đủ cả.

Với những gia đình có con học giỏi, bố mẹ bình thản đọc giấy báo họp phụ huynh. Môi thoáng nở nụ cười âu yếm: “Để xem kì này con học thế nào nhé!” rồi mẹ con cùng nháy mắt nhau cười tươi rói. Ngày họp đến, bố mẹ hãnh diện nghe cô giáo đọc điểm số, nhận lời khen của cô và liên tục cảm ơn cô. Bố mẹ còn được mời phát biểu ý kiến về phương pháp học tốt nhất để đạt thành tích cao rồi được ưu ái mời vào ban chấp hành hội phụ huynh nữa chứ. Được khen ai mà chả thích!

Với những gia đình có con tinh nghịch và lười học, tờ giấy báo là cả một nỗi ám ảnh của bố mẹ và con cái. Nhận giấy báo, bố hầm hè nói: “Họp rồi sẽ biết tay!”. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Người lớn thở dài thườn thượt và con trẻ nơm nớp lo sợ cho cái "ngày khủng khiếp" ấy. Và ngày ấy đến, bố mẹ mang tâm trạng nặng nề đi họp.

May mắn gặp một giáo viên chủ nhiệm tế nhị, phụ huynh sẽ được hẹn gặp vào cuối buổi để trao đổi kĩ hơn về tình hình học tập, rèn luyện của con em. Gánh nặng như vơi đi một nửa.

Nhưng nếu gặp một giáo viên thiếu tâm lí thì sao? Sau phần mở đầu buổi họp là thay mặt nhà trường báo cáo kết quả năm học trước và phương hướng năm mới. Việc trường trước, việc lớp sau và quan trọng nhất là đánh giá hoạt động của lớp, tuyên dương các em có thành tích, phê bình, nhắc nhở các em chưa tiến bộ. Lúc này đây, có không ít phụ huynh đỏ mặt tía tai khi nghe cô kể “thành tích” của con mình giữa cuộc họp. Cô huyên thuyên đọc những buổi trốn học, những môn học có điểm trung bình thấp lè tè, những lần vi phạm nội qui… Còn phụ huynh thì ngồi chịu trận.

Bao bực dọc sẽ trút vào đầu con khi trẻ ngay khi trở về nhà. Có người lôi con ra đánh ngay một trận. Có người bắt con quỳ suốt buổi. Có người tịch thu điện thoại, máy tính... của con. Có người còn quay sang đổ lỗi cho người bên cạnh không lo uốn nắn, dạy dỗ con… Con trẻ khóc toáng lên và người lớn cũng cãi nhau um xùm. Những ngày liền sau đó là một kế hoạch học tập gắt gao được đặt ra. Lời nhắc nhở con học thường xuyên vang lên. Nhưng guồng quay đó nhanh chóng dừng bởi có không ít phụ huynh sớm xao nhãng chăm lo việc học cho con. Bố mẹ lại bị cuốn vào công việc và vô số mối bận tâm khác. Con cái lại lơ là việc học. Và những cuộc họp lại tiếp tục là nỗi ám ảnh.

Họp phụ huynh là chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình góp phần thúc đẩy quá trình giáo dục con trẻ một cách toàn diện. Cuộc họp ấy sẽ là niềm vui hay biến nó thành áp lực đều là do chính chúng ta. Cần lắm những người giáo viên tâm lí bắc chiếc cầu nối ấy một cách tế nhị. Cần lắm những ông bố bà mẹ quan tâm con cái và tạo môi trường học tập cho con thật khoa học, bởi việc học tập là cả một quá trình.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm