Nỗi đau của cha mẹ có con tự kỷ: "Tại sao nhà trường không nhận con tôi?"
(Dân trí) - Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 thường xuyên nhận được những cuộc gọi của cha mẹ có con tự kỷ với cùng một câu hỏi đau lòng: "Mọi trẻ em đều có quyền đi học, tại sao nhà trường không nhận con tôi?".
1 triệu người tự kỷ ở Việt Nam, bao giờ có trường?
Điều này được ông Đặng Hoa Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (cũ), chia sẻ tại tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" do báo Nhân dân tổ chức chiều ngày 28/3 tại Hà Nội.
Trước những câu hỏi mang nhiều tổn thương của cha mẹ có con tự kỷ, không phải lúc nào cán bộ trực tổng đài cũng có thể giải thích đầy đủ để họ có thể hiểu và chấp nhận.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tự kỷ cũng chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể. Riêng giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2007, mức tăng là 50 lần.

Vân Khánh, 13 tuổi, một học sinh tự kỷ của Trung tâm phát triển cộng đồng Our Story, khoe sản phẩm thủ công do em tự làm (Ảnh: Hoàng Hồng).
Thế nhưng, hệ thống giáo dục công lập hiện nay không có trường chuyên biệt hay hòa nhập dành riêng cho trẻ tự kỷ.
Theo TS Đinh Nguyễn Trang Thu - Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - mặc dù nhận thức của cộng đồng nói chung và cha mẹ nói riêng về tự kỷ đã được nâng cao nhưng không phải cha mẹ nào cũng chấp nhận được việc con mình không được trường học nào tiếp nhận.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng chỉ cần đưa con vào trường học hòa nhập là con sẽ hòa nhập được. Trong khi đó, trẻ có hòa nhập được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mức độ hòa nhập cũng khác nhau ở mỗi trẻ. Có trẻ nhờ học hòa nhập mà hoàn thiện hơn về giao tiếp xã hội hay cảm xúc, nhưng có trẻ không đạt được mục tiêu đó.
"Những nước tiên tiến trên thế giới đều duy trì 3 mô hình giáo dục cho trẻ khuyết tật: giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Mỗi mô hình phù hợp với các mức độ khuyết tật khác nhau.
Nếu cha mẹ có con tự kỷ được hướng dẫn để có nhận thức đúng đắn hơn, họ sẽ có lựa chọn mô hình giáo dục đúng với con mình hơn", bà Trang Thu nói.
Điều quan trọng là, hệ thống trường học dành cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ, phải đủ về số lượng lẫn chất lượng để cha mẹ của trẻ tự kỷ yên tâm lựa chọn, gửi gắm con mình.
Về vấn đề này, TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 2 vừa qua.
Theo đó, chính phủ chủ trương phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều này bảo đảm cơ hội công bằng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng và nhu cầu học tập suốt đời đối với người khuyết tật ở tất cả các địa phương.
Mục tiêu từ nay tới năm 2030, 100% các tỉnh thành có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập.

Các học sinh tự kỷ của Trung tâm Hoa Xuyến Chi, Bắc Giang (Ảnh: Hoàng Hồng).
Ngoài ra, ông Tạ Ngọc Trí dẫn thêm Thông tư 27 về quy chế tổ chức và hoạt động trường lớp cho người khuyết tật ban hành tháng 12/2024. Thông tư này tạo cơ chế mở cho phép các trường chuyên biệt xây dựng trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập để hỗ trợ các trường phổ thông bình thường có thể tiếp nhận học sinh tự kỷ.
Ông Trí nói thêm, các trường chuyên biệt này, dù công lập hay tư thục, đều do Sở GD&ĐT quản lý chuyên môn.
Nhiều trẻ tự kỷ là nạn nhân của bạo lực học đường
Một vấn đề đáng quan ngại khác đối với trẻ tự kỷ là sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở tuổi dậy thì.
ThS. Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, Giám đốc dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ - từng tiếp nhận nhiều trẻ tự kỷ bị stress, trầm cảm nặng do bị bắt nạt trong trường học.
Trong môi trường học hòa nhập, sự khác biệt khiến học sinh tự kỷ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
"Nhiều học sinh tự kỷ mang vết thương lòng khi đến với chúng tôi. Có những em bị trầm cảm nặng rồi mới được cha mẹ cho dừng học ở trường phổ thông để chuyển đến các trung tâm chuyên biệt.
Tôi nhớ mãi một em đã van xin mẹ rằng: "Mẹ ơi, cho con nghỉ chỗ này đi. Mẹ tìm chỗ nào có nhiều bạn như con để con vào học"", bà Lan Hương chia sẻ.
Từ thực tế này, bà Lan Hương nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho học sinh tự kỷ, đặc biệt là những em bước vào tuổi dậy thì.
Tuổi dậy thì có thể gây ra những trở ngại tâm lý lớn cho một học sinh bình thường. Với học sinh tự kỷ, những trở ngại còn lớn hơn gấp nhiều lần. Bởi xu hướng chung của cha mẹ, thầy cô hay cộng đồng thường tập trung vào những rối loạn chức năng của người tự kỷ mà quên mất tinh thần của họ cũng cần được chăm sóc.
Các chuyên gia tham gia tạo đàm đều bày tỏ hy vọng, sắp tới đây, khi hệ thống các trường chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được phát triển trong hệ thống giáo dục quốc dân, trẻ khuyết tật nói chung và trẻ rối loạn phổ tự kỷ nói riêng sẽ có một môi trường học tập phù hợp, an toàn với chương trình giáo dục được chuẩn hóa.
Trong đó, sức khỏe tâm thần của trẻ tự kỷ được quan tâm đúng mức hơn.