Niềm tin sai lầm đã tạo nên rào cản ngăn chặn bạo lực học đường

(Dân trí) - Trong cuộc chiến với nạn bạo lực học đường, có những quan điểm, niềm tin sai lầm đã tạo nên rào cản cho những nỗ lực giải quyết, làm nản lòng những người đang quyết tâm thay đổi.

Chúng ta đang có những quan điểm niềm tin sai lầm nào?

Định kiến trường đẹp là tốt, đông là xấu, không đánh lộn là an toàn

Một trường học ở khu vực kinh tế thấp, nơi đã từng xảy ra bạo lực hoặc hoạt động băng nhóm sẽ được tin là trường học không an toàn.

Một ngôi trường sạch sẽ với cơ sở vật chất tiện nghi và hệ thống camera theo dõi, học sinh được tiếp cận với các phòng thí nghiệm đắt tiền với thiết bị mới và công nghệ tiên tiến là một ngôi trường an toàn.

Tuy nhiên, thực tế chẳng có gì đảm bảo một ngôi trường có tài lực dồi dào là một ngôi trường yên bình.

Phụ huynh cũng tin vào báo cáo thống kê trong vài năm không có cuộc đánh nhau hay bạo lực thể chất nào có nghĩa là an toàn. Thế nhưng thực ra, không có gì đảm bảo rằng, học sinh và giáo viên không phải trải qua các hình thức bạo lực khác như bạo lực tinh thần, lời nói, bạo lực o bế các mối quan hệ, tẩy chay loại trừ xã hội.

Phụ huynh cũng tin trường quy mô lớn, đông học sinh sẽ hay xảy ra các vụ bắt nạt và bạo lực hơn. Chẳng có gì đảm bảo điều này. Nhiều ngôi trường quy mô lớn nhưng có cách quản lý và tổ chức các hoạt động tốt, biết cách kết nối bằng việc tạo ra sự gần gũi giữa con người với con người, tạo điều kiện phát triển giao tiếp, v.v. cũng giúp trường học trở thành nơi giàu tính gắn kết và an toàn.

Niềm tin sai lầm đã tạo nên rào cản ngăn chặn bạo lực học đường - 1

Một nữ sinh bị các bạn đánh hội đồng sau khi trường

Bạo lực học đường là vấn đề của nhà trường

Một vấn đề phổ biến không kém với các bậc phụ huynh ở trường tư thục, trường quốc tế phải trả một khoản tiền lớn cho nhà trường thường tin rằng họ đã trả tiền để không phải làm cha mẹ khi con cái đến trường.

Chúng ta thường tin rằng, trách nhiệm của mình kết thúc khi con cái đến trường. Nếu giáo viên báo cho phụ huynh về hành vi sai trái của con, họ thường không hài lòng. Sau đó là những chỉ đạo ngược trở lại của cha mẹ chứ không phải chung tay hợp tác giải quyết.

Bắt nạt là chuyện thường của trẻ con để lớn

Đối với nhiều người, "bắt nạt" là một phần bình thường của tuổi thơ. Vì vậy có bộ phận người lớn xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bắt nạt từ khi mới chớm.

Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bắt nạt tinh thần, bắt nạt bằng lời nói thường chế giễu và phê phán phụ huynh kia là trầm trọng hóa, bới bèo ra bọ.

Họ cũng thường tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, nghịch ngợm trêu chọc nhau để lớn lên. Không phải như vậy. Trẻ em ngày nay có thể sử dụng Internet để nhốt nạn nhân của chúng vào một không gian mạng xã hội mà không thể tránh khỏi sự lo lắng, xấu hổ và nhục nhã.

Tác động của nó có thể gây chết người, lớn hơn rất nhiều so với đấm đá truyền thống.

Niềm tin sai lầm đã tạo nên rào cản ngăn chặn bạo lực học đường - 2

Học sinh tiểu học bị cô giáo đánh bầm tím vì viết xấu 

Cứ có quy định, phạt nghiêm khắc là đủ

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chỉ cần cấm một cái gì đó hay phạt thật nặng là đủ để có thể giải quyết được vấn đề như bắt nạt ở trường. Theo lẽ thường, thì cần phải có nguyên tắc hành vi ứng xử và hệ thống thưởng phạt rõ ràng.

Nhưng chỉ với quy định nghiêm khắc chưa đủ để giảm hành vi bạo lực, thậm chí còn làm cho học sinh cảm thấy ấm ức, bị đối xử bất công dẫn đến lừa dối và trả đũa. Cũng giống như việc chỉ tăng mức phạt giao thông lên chưa chắc đã giảm tình trạng vi phạm mà có nguy cơ thúc đẩy các hành vi lách luật tinh vi hơn.

Cứ chuyển trường kẻ bắt nạt đi là sẽ ổn

Giải quyết bắt nạt không đơn thuần chỉ là loại bỏ kẻ đi bắt nạt. Những học sinh tham gia vào bắt nạt có nhiều vai trò, bên cạnh kẻ cầm đầu, còn có những kẻ ủng hộ, và cả những người chứng kiến (có thể ủng hộ hoặc có thể không).

Do đó, nếu chỉ đơn giản loại ra một kẻ bắt nạt, việc bắt nạt vẫn sẽ không dừng lại vì sẽ có một kẻ bắt nạt khác lên thay thế.

Niềm tin sai lầm đã tạo nên rào cản ngăn chặn bạo lực học đường - 3

Đối với nhiều người, "bắt nạt" là một phần bình thường của tuổi thơ.

Cứ có chính sách, chương trình là giải quyết được vấn đề

Để ứng phó với vấn nạn bạo lực học đường, đã có nhiều chính sách, chương trình được triển khai. Nhiều trường tư thục có tiềm lực tài chính có thể nhập khẩu nguyên một chương trình quốc tế về phòng chống bạo lực để áp dụng trong trường và hướng dẫn giáo viên.

Nhưng phần lớn, các chương trình được thi hành với mệnh lệnh hành chính khi giáo viên đã có quá nhiều gánh nặng và áp lực. Điều này dẫn đến việc giáo viên ghét ý tưởng mới này và thực hiện một cách đối phó, dè dặt kiểu “thử xem thế nào”, thay vì hết lòng với nó.

Điều này làm cho các chương trình chỉ còn cái vỏ hình thức và những người làm chương trình sẽ bị tấn công vì chương trình không có hiệu quả. Đó là một thực tế mà những nhà quản lý, người làm chính sách cần lưu ý.

Liệu những quan điểm niềm tin không phù hợp trên chỉ đặc trưng cho Việt Nam? Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho bài viết, có nhiều tác giả ở nước ngoài, trong nghiên cứu của mình đều chia sẻ nhiều yếu tố rào cản tương tự.

Điều này cho thấy việc thay đổi những niềm tin sai lầm của cộng đồng là rào cản trong cuộc chiến chống lại bạo lực học đường Việt Nam không đơn độc và có thể cùng hợp tác được với các quốc gia trên thế giới.

PGS.TS Trần Thành Nam

(Trưởng Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm