Bạo lực học đường: Phối hợp phòng chống chưa theo kịp với thực tế
(Dân trí) - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức vừa qua.
1.600 vụ học sinh đánh nhau
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau.
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2013 đến năm 2015, đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự với 42.000 đối tượng. Trong đó, có hơn 75% là thanh niên và học sinh, sinh viên.
Riêng thống kê của ngành Công an, trong quý I/2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT.
Những số liệu này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối tại mọi cấp học, lớp học với mức độ gia tăng ngày càng cao và hậu quả ngày càng lớn. Đặc biệt tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em gia tăng nghiêm trọng. Gây bức xúc trong dư luận xã hội nhất là các trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em trong gia đình và nhà trường.
Sự kết hợp chưa chặt chẽ
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự bùng bổ công nghệ thông tin dẫn đến trong xã hội xuất hiện những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh, lệch chuẩn.
Bên cạnh đó, giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, phần lớn các em học sinh liên quan đến các vụ bạo lực học đường thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, như khó khăn về kinh tế, bố mẹ ly thân, ly hôn, mồ côi, đi làm ăn xa; phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực.
Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của các em học sinh dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh. Cùng với đó, một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác chỉ đạo triển khai còn chậm, chưa theo kịp với thực tế.
Nhiều địa phương, nhà trường chú trọng nhiều hơn đến chất lượng dạy và học văn hóa, chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường dẫn đến công tác tham mưu chưa hiệu quả, thực hiện chưa tốt.
Một số nhà giáo còn thiếu mẫu mực trong ứng xử, hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, lúng túng trong xử lý tình huống sư phạm. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao.
Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Nhất là đối với các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, có vướng mắc mâu thuẫn chưa được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Các đại biểu nhận định, Việt Nam với quy mô lớn trên 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo - tổng cộng chiếm gần 1/4 dân số cả nước, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải là công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được.
Theo các đại biểu, để hạn chế được bạo lực học đường nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề.
Trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là sử dụng mạng xã hội facebook, fanpage...
Đẩy mạnh hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể trong phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em và tội phạm chưa thành niên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát nhằm phát hiện những điểm bất cập để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.
Nhật Hồng