Bạo lực học đường: “Giáo viên nhiều áp lực, thiếu hạnh phúc và nội lực”
(Dân trí) - Đó là quan điểm của Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội về nguyên nhân gây nên những vụ giáo viên bạo lực học trò nổi cộm được báo chí đưa tin gần đây. Theo ông, chỉ khi nhà giáo hạnh phúc thì mới giáo dục nên những học trò hạnh phúc, góp phần làm nên trường học hạnh phúc.
Ngày 24/5 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc - Bắt đầu từ “7 thói quen” do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng công ty cổ phần FCE Việt Nam phối hợp tổ chức với mục đích chuẩn bị tâm thế, kĩ năng thay đổi bản thân nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Sản phẩm giáo dục hiện còn nặng về thi cử
Ngành giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Thủ đô nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nổi cộm đó là vấn đề bạo lực học đường hay vấn đề đạo đức của người làm công tác giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, điều quan trọng của giáo dục là sản phẩm giáo dục, mà sản phẩm giáo dục chính là nhân cách của học trò.
Hiện nay, sản phẩm giáo dục của chúng ta có phần nặng về thi cử; sản phẩm của giáo dục chưa có người thầy, chỉ có trò.
Đánh giá hiện trạng nhà giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ông cho rằng có một bộ phận nhà giáo yêu nghề, nhận thức được sứ mệnh của người thầy, luôn luôn tự học, tìm tòi, sáng tạo, được học sinh yêu quý. Họ là lực lượng nòng cốt của giáo dục Việt Nam hiện nay. Rất tiếc tỷ lệ này hiện vẫn còn nhỏ. Số đông nghiêm túc, cần cù, chịu khó nhưng không đủ năng lực về nhận thức, về phương pháp, về năng lực sư phạm, đa số đang lún sâu vào cách dạy truyền thống chỉ chạy theo kiến thức, thi cử. Họ bị hạn chế nhiều, chưa được giải thoát, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
“Nhà giáo chúng ta bây giờ chịu rất nhiều áp lực, dẫn đến xuất hiện những hành động giáo viên bạo lực học trò báo chí đưa tin thời gian gần đây. Không phải giáo viên không biết đúng sai mà do người ta không kiềm chế nổi bản năng và người ta chưa hạnh phúc, chưa có giá trị sống, lý tưởng sống để đè nén đi áp lực ấy, để không có hành vi bạo lực học trò. Không ít giáo viên hiện nay làm giáo dục một cách hình thức, đối phó chứ không phải bằng nhiệt huyết”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Hội thảo được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, giáo viên
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi nhận thức, tạo động lực cho giáo viên có đủ kĩ năng, thói quen thay đổi bản thân để đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Trong khi đổi mới giáo dục, điều kiện tiên quyết là từ chính những nhà giáo, người sẽ lan tỏa nhân rộng tới các học sinh chứ không phải chỉ dừng lại ở việc đổi mới chương trình đào tạo.
Việc chuyển biến đội ngũ nhà giáo sẽ có khả năng tác động lên đội ngũ học sinh, chính điều này quyết định tới chất lượng đầu ra về năng lực và phẩm chất của học sinh trong tương lai. Đây cũng là giải pháp hạn chế những tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay.
Giáo viên phải là người hạnh phúc trước tiên
TS. Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: "Tìm ra giải pháp, phát huy nội lực, nâng cao năng lực trình độ, tạo động lực sẽ giúp mỗi nhà giáo có thể tự lãnh đạo chính mình. Để làm được điều đó, trước hết mỗi nhà giáo phải tự đánh giá được bản thân có những ưu điểm và hạn chế nào trong quá trình thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp. Từ đó, các nhà quản lý giáo dục có khả năng kiến thiết hệ thống nhà trường thế kỷ 21 với tầm nhìn, mục tiêu thống nhất, tạo động lực phát triển tiềm năng của từng giáo viên và xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện cho nhiều thế hệ học sinh trong tương lai".
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục về chương trình “7 thói quen” đã tác động như thế nào tới mỗi giáo viên trong quá trình dạy và sự thay đổi của học sinh. Chương trình này được TS. Stephen Covey tổng hợp thành phương pháp luận trên cơ sở phân tích, nghiên cứu kĩ lưỡng các trường hợp tài liệu viết về “thành công” trong vòng 200 năm và tổng hợp trong một phương pháp luận mạch lạc và gần gũi.
Những thói quen đó là: Sống chủ động, Bắt đầu với mục tiêu, Ưu tiên việc quan trọng, Tư duy cùng thắng, Hiểu rồi được hiểu, Hợp lực và Rèn giũa bản thân.
Thông qua việc thực hiện 7 thói quen, không chỉ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi nhà giáo mà sẽ dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. Mỗi nhà giáo sẽ áp dụng các thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua những áp lực của cuộc sống và thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp của mình tạo nên nhiều trường học hạnh phúc.
“Chương trình đào tạo “7 thói quen hiệu quả” này đã được khởi xướng và thực hiện ở gần 150 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia với đặc thù cư dân là 30% dân số là người tị nạn và được nhiều trường học ở Mỹ, Singapore, các nền giáo dục tiên tiến áp dụng để xây dựng đội ngũ nhà giáo và áp dụng giáo dục học sinh của mình. Ở Việt Nam, 7 thói quen đó đã được áp dụng thí điểm tới một số trường dân lập và với 10.000 học sinh tại Việt Nam mỗi năm đã cho kết quả rõ rệt”.
Nội dung chương trình gồm 3 phần.
Thứ nhất là tác động vào nhận thức, kỹ năng, năng lực bằng nội lực mỗi nhà giáo, nhằm tạo ra sự chuyển biến từ bên trong mỗi nhà giáo. Chương trình sẽ được thực hiện thông qua các bài giảng của các chuyên gia.
Thứ hai là tác động vào quá trình tự phát triển bản thân của giáo viên. Theo đó, mỗi giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch phát triển bản thân và áp dụng vào thực tế công việc của mình.
Thứ ba là tạo cộng đồng cùng thay đổi trên cơ sở phát triển văn hóa của tổ chức. Đây là giai đoạn lan tỏa và truyền cảm hứng của mỗi thành viên trong các cơ sở giáo dục.
Dự án dự kiến được triển khai từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2023.
Chi phí dự kiến là 5,4 triệu đồng cho mỗi giáo viên. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.
"Đề án này chỉ thực hiện được khi có sự đồng tình, thống nhất chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, các phòng ban của Sở cũng như sự đồng tình của cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục đào tạo Hà Nội," ông Lâm chia sẻ.
Tham dự chương trình, cô giáo Trần Thị Thủy (chuyên dạy Kỹ năng sống - giá trị sống tại Hà Nội) bày tỏ: “Người giáo viên chính là người gieo trồng hạnh phúc. Khi thầy cô có tư tưởng, thái độ thay đổi tích cực, biết vận dụng “7 thói quen lãnh đạo bản thân” sẽ giúp học sinh vui vẻ khi đến trường bởi người giáo viên hạnh phúc thì mới giúp trò hạnh phúc. Người giáo viên chính là người truyền lửa và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến học trò của mình. Muốn trò thay đổi thì trước tiên thầy cô phải thay đổi từ tư tưởng, lối sống đến các phương pháp dạy học tích cực, phát huy được các năng lực của học sinh”.
Đồng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Bá Lương (giáo viên dạy Địa lý và Kỹ năng sống trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội) nói: “Tôi nghĩ, trước hết giáo viên cần phải thay đổi và việc đầu tiên đó là phải làm chủ được bản thân. Khi làm chủ được bản thân, giáo viên có năng lượng tích cực và định hướng học sinh phát triển theo hướng tích cực. Người giáo viên phải tự tìm thấy nguồn hạnh phúc của bản thân từ đó lan tỏa cho các học sinh và cũng giúp các em đạt được hạnh phúc”.
Lệ Thu