DNews

Những tân sinh viên đặc biệt: "Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học?"

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Dù mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của họ là niềm vui được học tập, làm điều mình yêu thích, sáng tạo và thực hiện đam mê. Hạnh phúc vì mỗi ngày được đến trường,

Những tân sinh viên đặc biệt: "Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học?"

"Bà nội U70" trở thành sinh viên ngành dược

Năm học mới bắt đầu, mỗi sáng "bà nội U70" Ngô Thị Kim Chi (SN 1959, quận 7, TPHCM) vẫn bận rộn cắp sách tới trường học chính khóa, chiều đến trung tâm học thêm tiếng Anh. Bà Kim Chi là thí sinh lớn tuổi nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 khi đã 64 tuổi.

Hào hứng kể về những tháng ngày sinh viên đầu tiên của mình khi đã lớn tuổi, bà Kim Chi nói tuy không đạt được mong ước đỗ vào trường sư phạm để trở thành giáo viên nhưng bà vẫn trúng tuyển ngành dược của một trường cao đẳng.

"Tôi trúng tuyển vào ngành dinh dưỡng của Trường Đại học Công Thương và ngành dược của Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Nhưng vì nhà tôi cách trường đại học xa quá, tôi cũng đã lớn tuổi nên quyết định học cao đẳng gần nhà hơn. Không thể thành giáo viên nên tôi cũng mong thành thầy thuốc chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và những người xung quanh", bà Chi tâm sự.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 1

Cách đây 7 năm, bà vượt qua bao dị nghị khi ở tuổi 57 mới đăng ký học lớp 6 và hành trình dài trở thành sinh viên ngành dược (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Điều này phần nào thực hiện ước mơ dang dở lúc nhỏ của bà. Hồi học lớp 8, do nhà nghèo, bà Chi phải từ bỏ ước mơ làm bác sĩ, ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ăn.

Sau khi lập gia đình, bà tiếp tục bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, ước mơ được đi học... luôn đau đáu trong lòng.

Bà từng tham gia học lớp bổ túc văn hóa buổi tối do địa phương tổ chức. Thế nhưng, vì bận mải nên một lần nữa, bà Chi lại bỏ dở.

Quay đi, quay lại cũng hơn 40 năm trôi qua, đến năm 2016, bà Chi quyết tâm trở lại trường học, thực hiện khát khao của mình. Bà vượt qua bao dị nghị khi ở tuổi 57 mới đăng ký học lớp 6 của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7 và cùng cháu gái nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ở độ tuổi mà bạn bè đồng trang lứa đã về hưu, dành thời gian đi du lịch, nghỉ dưỡng, bà Chi vẫn miệt mài cắp sách đến trường mỗi ngày.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 2
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 3
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 4
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 5

Tân sinh viên tâm sự quá trình học gặp rất nhiều khó khăn do bà đã lớn tuổi nên tiếp thu kiến thức chậm hơn, nhanh quên. Cùng với đó, chương trình học có nhiều khác biệt so với trước kia nên bà thường phải hỏi lại giáo viên hoặc học từ chính những bạn cùng lớp của mình.

"Dù rất khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Niềm ao ước được đi học đã ấp ủ rất lâu rồi và giờ có cơ hội thực hiện ước mơ vào đại học. Đây là động lực rất lớn giúp tôi vượt qua trở ngại", bà Chi thể hiện sự quyết tâm.

Trước lời đề nghị một cuộc hẹn trò chuyện, bà Kim Chi cười nói: "Cô đang bận quá, sáng đi học ở trường, chiều học thêm tiếng Anh. Rảnh rỗi lại sinh hoạt câu lạc bộ khuyến học - khuyến tài của địa phương, mong tiếp lửa cho những tấm gương ham học hỏi".

Với bà Kim Chi, mỗi ngày được đến trường, được tiếp thu kiến thức mới là một ngày vui tươi, cuộc đời thêm hạnh phúc.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 6

Thầy giáo Nguyễn Quang Phú - giáo viên Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7 , chủ nhiệm lớp của bà Chi - chia sẻ, lần đầu gặp bà Chi năm 2019 tại lớp học, thầy cứ ngỡ có bà của học sinh trong lớp đến dự giờ.

Lúc đó, nam giáo viên cảm thấy rất bất ngờ và lúng túng vì không nghĩ sẽ có một học viên lớn tuổi như vậy.

"Ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có nhiều học viên lớn tuổi đi học nhưng cô Chi là người lớn tuổi nhất tại đây. Tôi khâm phục cô vì sự ham học, nghị lực và quyết tâm học hỏi rất cao", thầy giáo Nguyễn Quang Phú chia sẻ.

Nghị lực của chàng trai "chim cánh cụt"

"Chim cánh cụt" là tên gọi yêu thương của gia đình dành cho chàng tân sinh viên Diệp Minh Tiến khi ở nhà. Từ khi mới sinh ra, Tiến bị dị tật cả hai cánh tay nên rất khó khăn trong sinh hoạt, học tập. Vậy nhưng, căn nhà nhỏ của em treo kín những bằng khen, giấy khen của các cấp ngành, nhà trường khen tặng về thành tích học sinh xuất sắc.

Đưa Tiến tới nhập học ngành thương mại điện tử, Trường Đại học Gia Định, bà Lê Thị Ngọc Thúy (Ninh Thuận) kể lúc Tiến mới sinh, mặt mày khôi ngô thấy thương lắm. Ai cũng sợ em sau này lớn lên tay cầm viết khó khăn, dẫn đến học hành không theo kịp bạn bè. Thế nhưng, Tiến luôn nỗ lực đạt thành tích tốt.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 7

Tân sinh viên Diệp Minh Tuấn (thứ ba) được lãnh đạo nhà trường động viên trong ngày nhập học (Ảnh: Mỹ Ngọc).

Dù viết bài chỉ bằng hai ngón tay kẹp giữa cây bút, nhưng với nỗ lực vượt lên mọi trở ngại, Tiến vẫn theo kịp các bạn.

Ba Tiến mất từ nhiều năm trước, một mình mẹ Tiến làm đủ mọi nghề, từ làm thuê đến phụ giúp việc nhà để có tiền nuôi hai chị em ăn học. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ cô Thúy cảm thấy mệt mỏi. Cô chỉ sợ rằng mình không lo đầy đủ cho con được đến trường. Chị hai của Tiến hiện đang làm giáo viên tại một trường ở địa phương.

Chia sẻ về hành trình "đi học cùng con", đưa đón con suốt 12 năm học, bà Ngọc Thúy không giấu được những giọt nước mắt.

Tuy mang trên người khiếm khuyết nhưng trong đôi mắt của cậu tân sinh viên ấy, niềm tin vào tương lai, nghị lực sống vẫn cháy bỏng.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 8
Em nghĩ phần khiếm khuyết trên cơ thể là động lực để em luôn cố gắng, phát triển bản thân nhiều hơn. Em quyết tâm tốt nghiệp đúng thời hạn 3 năm.
Diệp Minh Tiến Tân sinh viên ngành thương mại điện tử, Trường Đại học Gia Định

Môi trường mới, bạn bè mới chưa bao giờ làm Tiến cảm thấy lo sợ vì chàng trai Ninh Thuận cho rằng sẽ còn rất nhiều người tốt, những người sẽ sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ.

Nụ cười vẫn rạng ngời trên khuôn mặt Tiến khi trở thành tân sinh viên đại học. Minh Tiến chọn GDU vì có mức học phí thấp, môi trường đa trải nghiệm với chương trình đào tạo chỉ 3 năm.

"Em quyết tâm tốt nghiệp đúng thời hạn 3 năm, sau đó đi làm sớm đỡ đần mẹ. Em mong rằng môi trường đại học sẽ giúp em có thật nhiều trải nghiệm và hoàn thiện bản thân hơn", Minh Tiến chia sẻ.

Khổ cỡ mấy cũng cho con đi học

"Em trúng tuyển vào đại học rồi, còn được các cô chú mạnh thường quân giúp đỡ, được nhà trường trao học bổng. Cảm ơn chị và báo Dân trí đã hỗ trợ em rất nhiều!" - Phạm Thị Mỹ Duyên (SN 2005, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) thông báo tin mừng.

Duyên là cô gái nhỏ trong bài viết "Cuộc đời bi thương của nữ sinh nghèo bán cháo trước giờ thi tốt nghiệp THPT" năm 2023 với nỗ lực không để nghèo đói cản bước chân tới trường.

Mỗi lần nhắc về mẹ và hoàn cảnh éo le của mình, nữ sinh viên trực trào nước mắt. Ba bỏ đi từ khi Duyên còn rất nhỏ, để lại 2 anh em cho mình mẹ nuôi nấng. Mấy năm đầu, còn có bà ngoại phụ chăm sóc nhưng từ ngày bà mất, 13 năm nay, mẹ con Duyên phiêu bạt khắp nơi thuê trọ, lận đận lo ăn từng bữa.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 9
Em phải ráng thôi, không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học. Việc em được đi học là ước mơ cả cuộc đời của mẹ. Đây cũng là ước mơ cháy bỏng của em
Phạm Thị Mỹ Duyên Tân sinh viên Trường Đại học Văn Hiến

Căn phòng trọ tại ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, lợp tôn cũ kỹ, tối tăm, không có một đồ vật nào giá trị... nhưng với mẹ con Duyên, có chỗ ở đã là may mắn. Suốt bấy nhiêu năm, ba mẹ con không biết phải chuyển bao nhiêu chỗ trọ.

Bà Ngô Thị Ánh Tuyết (SN 1970, mẹ của Duyên) buôn bán đủ thứ, từ bát cháo, ly chè, gỏi cuốn... kiếm từng đồng trang trải cuộc sống. Những năm gần đây, sức khỏe yếu, bà bắc nồi cháo mực ra đầu hẻm để bán.

Với thu nhập vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng mỗi ngày, ba mẹ con tằn tiện lắm mới đủ tiền ăn, tiền trọ. Tiền học của Duyên cứ khất lần, khất lượt cho tới lúc gần tốt nghiệp THPT phải nhờ thầy cô trong trường vận động nhà tài trợ giúp đỡ.

Hôm nào trời mưa không bán được hàng, ba mẹ con thay nhau húp cháo qua ngày. Cuộc sống khổ cực, nhiều khi cảm thấy đến mức cùng cực nhưng chưa bao giờ bà Tuyết có ý nghĩ cho Duyên nghỉ học.

"Mong muốn lớn nhất đời tôi là cho con đi học. Nhiều người hỏi sao khó khăn vậy không cho con nghỉ đi nhưng quan điểm của tôi dứt khoát không. Khổ cỡ nào tôi cũng buôn bán, làm lụng, ráng lo cho con. Duyên có động lực và ham học lắm. Chỉ mong con có sức khỏe tốt để đi học", bà Tuyết nói.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 10
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 11
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 12
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 13
Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 14

Quyết tâm vào đại học nhưng con đường ấy, Duyên biết sẽ không dễ dàng.

"Mẹ của em hay bị người khác khinh thường lắm. Nhiều người sỉ nhục mẹ, nói đã nghèo mà còn cho con đi học. Em muốn lấy được tấm bằng đại học để thực hiện ước mơ cả cuộc đời của mẹ. Đây cũng là ước mơ lớn nhất của em, có cuộc sống tốt chăm lo cho mẹ và đặc biệt là lấy lại danh dự cho mẹ", Phạm Thị Mỹ Duyên chia sẻ.

Với những thành tích học tập xuất sắc cùng sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, qua sự kết nối của phóng viên Dân trí, Trường Đại học Văn Hiến đã xét duyệt hồ sơ và trao học bổng đến tân sinh viên Phạm Thị Mỹ Duyên.

Những tân sinh viên đặc biệt: Không lẽ vì đói ăn, bất hạnh mà nghỉ học? - 15

Với sự kết nối của phóng viên Dân trí, Phạm Thị Mỹ Duyên nhận học bổng 65 triệu đồng tiếp bước đến trường và được cam kết bố trí việc làm khi tốt nghiệp đại học (Ảnh: VHU).

Duyên nhận học bổng giảm 70% học phí toàn khóa chương trình đại học 2 giai đoạn tương đương với 65 triệu đồng. 30% học phí còn lại có thể hoàn trả sau khi ra trường.

"Với học bổng này, Duyên có thể an tâm học tập tốt trong quá trình đại học. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường sẽ bố trí công việc cho em", ông Nguyễn Tấn Phúc - Giám đốc Quỹ Trái tim Hùng Hậu, Trường Đại học Văn Hiến - cho biết khi trao học bổng đến tân sinh viên.

Mỹ Duyên chia sẻ: "Từ khi nhận được sự hỗ trợ của nhà trường và những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho việc đi học, mẹ con em lại khóc vì hạnh phúc và biết ơn! Gia đình em luôn trân trọng những tình cảm ấy và em sẽ quyết tâm học tập thật tốt".