Vụ giáo viên tố cáo loạn trường thi ở Nghệ An:

Những nỗi niềm xin để ngỏ

(Dân trí) - Hai ngày qua, kể từ lúc danh tính và hình ảnh của thầy giáo Lê Đình Hoàng - giáo viên môn địa lý, trường PTTH Bán công Thanh Chương (Nghệ An) - tác giả 4 đoạn băng về “loạn trường thi” ở trường PTTH Nam Đàn 2 - được nêu ra dư luận, cuộc sống của gia đình thầy giáo này đã có nhiều thay đổi.

Phóng viên báo Dân trí đã về tận nơi ở của gia đình thầy Hoàng để được thầy và người thân chia sẻ không ít nỗi niềm…

“Danh tính bị công bố khi tôi chưa đồng ý…”

Dù đã hẹn trước, nhưng cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi có mặt tại nhà thầy giáo Lê Đình Hoàng ở xóm 2, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương là một thái độ khá dè dặt của người thân. “Anh Hoàng đi vắng”, “Để em gọi điện thoại” - người em gái thầy giáo Hoàng mở cửa, nói với chúng tôi…

Nhưng rồi như được cởi trói về tinh thần, thầy Hoàng cùng vợ và người thân trong gia đình đã tiếp chúng tôi bằng một cuộc trò chuyện chân tình, cởi mở. Thầy Hoàng đã nói rất nhiều về những hành động, cũng như những bức xúc liên quan đến danh tính, hình ảnh của mình được đưa ra quá sớm, và cả những nỗi niềm cho bạn bè, đồng nghiệp và cho Ngành giáo dục nói chung.

“Tôi không hiểu tại sao, dù Sở GD-ĐT Nghệ An đã có cam kết nhưng danh tính tôi vẫn bị tiết lộ khi tôi chưa đồng ý...” - thầy Hoàng nói.

“Không chỉ có gia đình ở bên tôi”

Thầy Hoàng khẳng định, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh từ vợ, người thân, đồng nghiệp và dư luận cả nước. “Với gia đình tôi, ngay khi sự việc được đưa lên công chúng, mọi người đã động viên và ở bên tôi” - thầy Hoàng nói.

Người đã sẻ chia và hiểu việc làm dũng cảm của thầy Hoàng đầu tiên không ai khác chính là người vợ trẻ của thầy. “Khi chồng mình được đăng tin trên báo chí, đọc những gì họ viết, tôi lại càng hiểu chồng mình hơn. Biết là khó khăn nhưng đó là thực trạng mà cả xã hội đang rất quan tâm. Tôi đã nói với anh Hoàng là anh không phải lo nghĩ gì nhiều, vì anh đang đấu tranh một việc được xã hội ủng hộ”, chị nói.  

Mẹ của thầy Hoàng cũng dành tất cả sự cảm thông cho việc làm của con trai mình. Bà bảo, “tui thấy người ta nói nhiều đến đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, giáo dục, không ngờ nó lại ở địa phương này, lại xảy ra với con tui. Không ít người khi báo loan tin đã nói con tui “quá liều”, “không thích yên ổn mà rước họa vào thân”...  Nhưng bây giờ khi thực tế được phơi bày thì tui lại càng hiểu và chia sẻ với hành động của con”.

Nhiều đồng nghiệp, thậm chí là những sinh viên đại học từng về thực tập tại ngôi trường thầy Hoàng giảng dạy cũng đã nhắn tin, qua mạng, qua điện thoại chia sẻ và ủng hộ việc làm của thầy Hoàng.

Nhiều bạn bè, người quan tâm trong cả nước cũng gửi thư đến ủng hộ, động viên thầy Hoàng, trong đó có thầy Đỗ Việt Khoa - “quả bom chống tiếu cực trong thi cử”. Trong email của mình thầy Khoa đã khuyên thầy Hoàng nên cố gắng bình tâm trước sự việc.

“Những lời chia sẻ, quan tâm đó là nguồn động viên rất lớn đối với không chỉ riêng tôi mà còn đối với gia đình tôi” - thầy Hoàng nói.

Và nỗi lòng với đồng nghiệp

Thầy Hoàng cho biết, sau chuyện vừa xảy ra, gia đình thầy rất khó xử, bởi dù có thông cảm với hành động ấy nhưng nếu một đồng nghiệp nào đó bị xử lý thì đó quả là một điều quá buồn. Đó cũng là lý do, suốt trong quá trình tâm sự với Dân trí, thầy Hoàng luôn nhắc đi nhắc lại câu nói mà thầy đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng, mục đích của tôi không phải là tố cáo ai.

Thầy Hoàng phân tích rằng các đồng nghiệp của thầy không hề có lỗi, mà lỗi ấy trước hết từ người dân. “Tôi sợ nhất là đồng nghiệp và mọi người sẽ nhìn tôi với ánh mắt khác”.

Thầy Hoàng cho rằng nguyên nhân là do sức ép quá mạnh từ người dân. Theo thầy, từ lâu ở trường PTTH Nam Đàn 2 đã tồn tại sự gian dối trong thi cử. Cứ mỗi lần thi, một thí sinh thường có 2 đến 3 người thân đi ném bài. Đó là lý do trong những năm qua, ngôi trường này đã có những vụ bị đình chỉ thi. Chỉ năm ngoái trường mới được tổ chức thi lại.

Thầy Hoàng tiết lộ, “ngay trong cuộc họp ngày 5/8 với Sở GD-ĐT, ông Hiệu trưởng trường PTTH Nam Đàn 2 còn đề nghị học sinh của trường mình không được thi ở các trường trong huyện. Tôi nghĩ nếu cứ để tình trạng thi cử lộn xộn này tiếp diễn, kéo dài, người hứng chịu hậu quả lớn nhất không ai khác ngoài các em học sinh ở đây. Đó là động lực để tôi có thêm quyết tâm đưa sự thật ra công luận”.

Được biết, hôm nay thầy Lê Đình Hoàng sẽ có buổi làm việc với Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An.

Công tác bảo vệ thầy Hoàng mới chỉ là... văn bản?

 

 

Những nỗi niềm xin để ngỏ - 1
 

Ông Trần Đình Thanh: "Tôi
chưa nghe nói chuyện của
thầy Hoàng".

Sau khi danh tính của thầy giáo Hoàng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có công văn gửi UBND tỉnh và Công an tỉnh Nghệ An, đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt cho thầy giáo Hoàng. Tuy nhiên,  thầy giáo Hoàng cũng như gia đình khẳng định, cho đến lúc này chưa một ai ở các lực lượng an ninh từ tỉnh đến xã gọi điện cũng như gửi công văn để bảo vệ cho mình.

 

Ông Trần Đình Thanh - Phó trưởng công an xã Thanh Văn cũng đã khẳng định không hề nghe nói đến chuyện của thầy giáo Hoàng. “Tôi chưa nghe một ai nói đến vấn đề của thầy Hoàng. Ngay cuộc họp giao ban khối cụm xã tối hôm nay (7/9) tôi cũng không thấy họ nhắc đến chuyện các anh vừa nói”.

Trước lời khẳng định của thầy Hoàng và sự mù mờ thông tin của công an xã Thanh Văn, không hiểu “Công văn đề nghị bảo vệ thầy giáo Hoàng” của Sở GD-ĐT Nghệ An có được thực thi hay không?

Văn Dũng - Minh San