Những nghiên cứu sáng chế "siêu rẻ" của thầy, trò trường nghề Bình Định
(Dân trí) - Từ những thiết bị dễ tìm, giá thành rẻ, thầy và trò Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (Bình Định) tự nghiên cứu ra những thiết bị hữu ích phục vụ giảng dạy và ứng dụng vào thực tế đời sống.
Ngày 25/5, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tổ chức khai mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm 2021. Qua hội thi, Ban tổ chức sẽ chọn ra những thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng tham gia hội thi cấp tỉnh và toàn quốc.
Theo bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, hội thi không chỉ là sân chơi bổ ích của các thầy cô, mà còn để các em học sinh, sinh viên có hưng phấn, tiên phong, phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học.
"Những thiết bị dự thi phải có tính ứng dụng cao, ứng dụng vào quá trình giảng dạy và học tập cũng như quá trình nghiên cứu của các em học sinh, sinh viên. Đặc biệt phải có tính hiệu quả trong thực tiễn đời sống", bà Nhung nói.
Hội thi lần này có 7 thiết bị đào tạo tự làm của các khoa đào tạo nghề trong trường, gồm: Bộ thực hành lắp ráp mạch điện tử cơ bản; Mô hình điều khiển, giám sát qua mạng internet; Đồ gá hàn cắt ống; Máy hàn điện trở (một phía); Mô hình hộp số tự động Toyota Vios; Mô hình điều khiển, giám sát trang trại; Mô hình hệ thống ghế ô tô điều chỉnh bằng điện.
Điểm nổi bật, hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, giá thành rẻ. Qua thực tiễn giảng dạy nhiều năm, kết hợp với sự sáng tạo của giáo viên trong ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo.
Theo đánh giá của ban tổ chức, nhiều thiết bị đào tạo tự làm có tính khả thi cao; có thể nhân rộng, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng; giá thành thấp…
Điển hình như: Mô hình điều khiển, giám sát qua mạng internet của nhóm tác giả: Trần Hữu Huy, Phạm Văn Phát, Nguyễn Ngọc Vinh và Nguyễn Hữu Thị - khoa Điện.
Theo thầy Trần Hữu Huy, giảng viên khoa Điện, thiết bị đào tạo tự làm "mô hình điều khiển, giám sát qua mạng internet". Ngoài ứng dụng trong giảng dạy nhằm nâng cao tinh thần học tập, nghiên cứu khoa của học sinh, sinh viên, bổ sung thiết bị dạy học của trường, thì thiết bị này góp ích trong việc bảo vệ môi trường.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị này kết hợp điện, ứng dụng công nghệ thông tin và cơ khí. Theo đó, thiết bị này sẽ tự động phân loại rác kim loại với rác thải nhựa bằng hệ thống cảm biến. Sau đó, máy sẽ tự động đếm số lượng (tương ứng với số điểm) khi đủ điểm sẽ đổi lại cho khách hàng một sản phẩm hữu ích tương ứng được lập trình theo yêu cầu.
Đặc biệt, thiết bị này có ứng dụng tích lũy điểm. Sau khi đổi quà nếu còn dư điểm, số điểm này sẽ được tích lũy đến khi đủ điểm để khách hành đổi quà tiếp.
Trong khi đó, thiết bị tự làm "Bộ thực hành lắp ráp mạch điện tử cơ bản" của nhóm tác giả: Nguyễn Giang Long, Lê Tấn Hòa, Lương Thanh Long (khoa Điện tử - Tin học) chưa được ban giám khảo đánh giá cao về mặt sư phạm; thiết bị này gọn nhẹ, đặc biệt giá thành thấp hơn nhiều so với thiết bị đang sử dụng giảng dạy tại trường.
"Trong lúc giảng dạy, nhiều em học sinh, sinh viên thực hành bị chập điện, cháy nổ đó cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ưu điểm của thiết bị này ngoài giá thành rất thấp thì thiết bị này cũng khắc phục được những lỗi chập cháy thông thường. Qua quá trình giảng dạy nhiều năm, các thầy cô hiểu về nguyên lý hoạt động, từ đó khắc phục các lỗi không gây chập cháy nổ", thầy Nguyễn Giang Long cho hay.
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, kiêm Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho biết, mục đích của hội thi nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên của nhà trường trong việc tự làm thiết bị đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Qua đó cũng đẩy mạnh các hoạt động tự làm thiết bị dạy học phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập của nhà trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, giáo viên trong nhà trường học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.