Những điều chưa biết về nam sinh giành cú đúp huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế

(Dân trí) - Phạm Đức Anh, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN là thí sinh duy nhất đem về huy chương vàng cho đội tuyển Việt Nam tại kì thi Olymlic Hóa học quốc tế 2018. Đồng thời, đây cũng là lần tấm huy chương vàng thứ 2 của Đức Anh tại đấu trường trí tuệ lớn nhất thế giới này.

Giành Huy chương vàng để tặng bố, mẹ và anh trai

Ngay khi bước chân ra khỏi cửa sân bay, Đức Anh đã cười rạng rỡ khoe tấm Huy chương Vàng danh giá với bố mẹ và người anh ruột của mình. Không giấu được cảm xúc vui mừng, “so với lần đầu, huy chương thứ 2 này niềm vui, niềm hạnh phúc như nhân đôi. Em thực sự tự hào và trân trọng từng tấm huy chương”.


Đức Anh hãnh diện cùng đeo cả 2 chiếc huy chương Vàng năm 2017 và 2018 của mình.

Đức Anh hãnh diện cùng đeo cả 2 chiếc huy chương Vàng năm 2017 và 2018 của mình.

Đức Anh cho biết thêm, năm nay, Olympic Hóa học quốc tế tổ chức tại tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Solovakia. Đây là cái nôi của nền hóa học thế giới. Trong lịch sử, năm 1968, tại chính mảnh đất này diễn ra kì Olympic Hóa học đầu tiên. Đến nay là tròn 50 năm kì thi quay lại điểm tổ chức đầu tiên, điều này mang một ý nghĩa thiêng liêng to lớn với tất cả những người yêu Hóa học như chúng em.

Cũng có thể vì thế nên đề Hóa năm nay độ khó tăng lên, nên số lượng huy chương các đoàn bạn trên thế giới cũng giảm đi nhiều. Trong đó, khó nhất là phần thi thực hành. Cả ba bài thi thực hành đều khó. Đòi hỏi người thi phải sắp xếp thời gian, dụng cụ thí nghiệm hợp lí mới đủ thời gian để thực hiện. Đồng thời, chúng em bắt gặp một số thiết bị thí nghiệm khá mới và hiện đại nên hơi bị lúng túng một chút thời gian đầu bài thi”, Đức Anh cho hay.

Theo lời kể của mẹ Đức Anh, chị Nguyễn Kim Thu cho biết, "Đức Anh là thí sinh duy nhất phải đi một mình, không có người thân hay thầy cô giáo đi cùng. Ngay ngày đầu khi vừa đặt chân tới nơi, cháu đã bị thất lạc hành lý khi di chuyển từ Đức qua Áo, phải mượn đồ của các thành viên còn lại trong đoàn để mặc thêm, trong khi đợi tìm được hành lí. Nhiệt độ chênh lệch giữa 2 nước khá cao, rất dễ ốm nhưng cũng may con vẫn tự chăm sóc bản thân mình và tiếp tục chiến đấu vì màu cờ sắc áo”.

Sự nỗ lực ham học hỏi vẫn được Đức Anh duy trì trong suốt những ngày đi thi. Em hoàn thành tốt phần thi ở cả lý thuyết và thực hành, lập lại kỳ tích của chính mình khi đoạt huy chương vàng thứ 2 tại Olympic Hóa học quốc tế 2018.

Huy cho hay, tấm Huy chương vàng năm 2018 là thực hiện lời hứa đổi màu huy chương cho anh trai. Được biết, anh trai Đức Anh là Phạm Anh Tuấn, từng dành Huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế 2008.

Tròn 10 năm anh trai dự thi, năm nay Đức Anh chính thức viết tiếp ước mơ cho anh mình đầy vẻ vang. Giành cú đúp vàng đầy ngọan mục, mang về niềm tự hào cho mình và cả gia đình.

Cầm trên tay 2 tấm huy chương danh giá, Đức Anh cho biết: “1 tấm huy chương vàng con dành tặng bố mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục, luôn động viên con suốt những năm qua. Tấm còn lại em dành tặng anh trai, như một người thầy, người bạn đồng hành trong con đường Hóa học từ nhỏ để em có được như ngày hôm nay”.

Chia sẻ thêm về con trai, chị Nguyễn Kim Thu, mẹ Đức Anh cho biết, khi con đạt huy chương Vàng, gia đình không bất ngờ. Vì trước khi đi thi, tự bản thân con đã đặt ra mục tiêu rất rõ. Có lúc con nói đùa, nếu không được huy chương vàng sẽ ở lại làm thuê, không về với mẹ nữa. Nên gia đình hoàn toàn tin vào khả năng của Đức Anh”.

Nỗ lực không ngừng

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ những năm đầu cấp 2, Đức Anh đã học hành chăm chỉ và đặc biệt đam mê với môn Hóa học. Khi được hỏi về bí quyết giành huy chương vàng môn Hóa, nam sinh 18 tuổi này khiêm tốn cho biết, chỉ đơn giản là nỗ lực không ngừng nghỉ và luôn lạc quan hướng về phía trước.

Đức Anh cho rằng, học 1 quyển sách hay học 1000 quyển sách cũng sẽ như nhau. Phải có phương pháp lĩnh hội kiến thức và ghi nhớ mới giúp em có cú đúp huy chương vàng như ngày hôm nay.


Đức Anh chụp ảnh cùng các thành viên trong gia đình.

Đức Anh chụp ảnh cùng các thành viên trong gia đình.

Đức Anh cho biết thêm, ngoài định hướng từ gia đình, em vẫn tự mày mò để tìm ra phương pháp học phù hợp cho bản thân trong từng gian đoạn. Mỗi ngày, em dành khoảng 10 tiếng cho môn học yêu thích.

Em không coi học là nhiệm vụ mà em coi đó là cuộc tìm kiếm, theo đuổi ước mơ, đi tìm những cái mới. Trong Hóa học, càng phát hiện được nhiều phản ứng mới, bài toán năng lượng mới thì càng bị cuốn vào, nó có sức hút khiến em không thể ngừng học, ngừng tìm kiếm.

Được biết, khả năng tiếng Anh của Đức Anh rất tốt nên em chọn cách học qua các sách nước ngoài, qua mạng, trao đổi với vài người bạn nước ngoài… để biết thêm nhiều kiến thức mới mà trong sách giáo khoa phổ thông bị hạn chế. Nhiều khi, em cũng trao đổi với mẹ và anh trai về các phản ứng hóa học hữu cơ. Vì mẹ không những là bác sĩ mà mẹ cũng là một bậc thầy ngành tổng hợp hữu cơ đáng ngưỡng mộ. Chính những lần trao đổi thực tế đó, lượng kiến thức thực nghiệm được ghi nhớ rất lâu và phục vụ tốt cho lí thuyết của em, Đức Anh chia sẻ.

Dự định sắp tới, Đức Anh cho biết, em sẽ học ngành Y, đi theo truyền thống của gia đình. “Từ lúc 5 tuổi, em đã được theo mẹ vào viện, em được quen dần với môi trường bệnh viện. Cũng vì thế mà ngọn lửa ước mơ trở thành bác sĩ của em cũng lớn dần từ đó. Hơn nữa, đó là nghề cứu người, mang lại hạnh phúc mọi người nên em càng tự tin vào sự lựa chọn theo học ngành Y của mình là chính xác”.

Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm