Những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều điểm mới như thay đổi cấu trúc đề thi, giảm môn thi... nhằm tạo thuận lợi cho học sinh.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. So với trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới: Thay đổi định dạng cấu trúc đề thi; sẽ chỉ còn 3 buổi thi, giảm 1 buổi với 2 môn thi so với năm trước; bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề, tin học, ngoại ngữ; cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT…
Thay đổi định dạng cấu trúc đề thi
Ngày 26/12, thông tin về vấn đề trên, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Theo đó, sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.
Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.
Một điểm mới đáng chú ý là môn ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Giảm môn thi
Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến diễn ra hai ngày 26-27/6. Từ năm 2025, kỳ thi được tổ chức 3 buổi, mỗi buổi gồm các môn thi: ngữ văn, toán, bài thi tự chọn.
Thứ nhất, so với những năm trước, thí sinh giảm một buổi và 2 môn thi. Các thí sinh sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
Ngoài 2 môn bắt buộc (ngữ văn, toán), thí sinh có thể lựa chọn môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Đây là năm đầu tiên môn tin học, công nghệ (công nghiệp, nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.
Môn ngữ văn sẽ được thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Sử dụng cả điểm học bạ lớp 11 và 12
Thứ hai, quy chế thi cũng quy định sẽ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50.
Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ điểm số lớp 12 như trước. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
Vận chuyển đề thi qua đường truyền mã hóa của Ban Cơ Yếu Chính phủ
Điểm mới quan trọng thứ 3, lần đầu tiên trong kì thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi tại 63 tỉnh, thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Bộ GD&ĐT cho rằng, phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng.
Đây là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.
Chứng chỉ ngoại ngữ không quy thành điểm 10
Điểm mới thứ 4, từ năm 2025, chứng chỉ ngoại ngữ tiếp tục được sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây.
Theo Bộ GD&ĐT, điều này nhằm khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng đảm bảo công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IELTS 8.5.
Bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề
Thứ 5, Bộ GD&ĐT bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Thay đổi này nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng, bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Cho phép người nước ngoài dùng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi ngữ văn
Điểm mới thứ 6, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Bộ GD&ĐT cho rằng, thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam, nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn ngữ văn thông qua việc học môn ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
Năm 2025, thi tốt nghiệp THPT có 2 loại đề thi. Thí sinh lớp 12 dự thi với đề thi được ra theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh tự do học chương trình cũ chưa tốt nghiệp dự thi với đề thi ra theo chương trình giáo dục phổ thông cũ.
Từ năm 2026, Bộ GD&ĐT tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT với một loại đề thi duy nhất theo chương trình phổ thông 2018.