Nhóm lên một ngọn lửa!
(Dân trí) - Có thể nói, chưa khi nào như những mùa thi gần đây, chúng ta “được” chứng kiến sự “kinh hoàng” từ những bài văn của học trò nhiều đến thế. Cũng chưa khi nào chuyên ban C (Khoa học xã hội, mà ở đó môn Văn là trọng tâm), lại bị “rẻ rúng” như thế!
Một vài ý kiến lý giải rằng: bây giờ là thời kinh tế thị trường nên văn chương, thi ca không còn là sự lựa chọn của những người “thức thời” nữa. Cũng có thể, ý kiến đó lý giải một phần hiện tượng trên, nhưng theo tôi, nó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự “chán” của học trò đối với văn chương. Bằng chứng là, độc giả học trò của chúng ta vẫn say sưa với Harry Porter, với Từ quán gò đi lên...
Có đến cả trăm nghìn bản của Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, của Cánh đồng bất tận được in. Giới trẻ “sốt” lên với Rừng Na Uy, Thiếu nữ đánh cờ vây, Búp bê Bắt Kinh… cho thấy: Vẫn còn rất nhiều người yêu văn chương! Rồi hàng trăm bản dịch những tác phẩm của các tác giả thuộc loại khó đọc như: Nikos Kazantzaki, Michel Houellebecq, Elfriede Jelinek… vẫn liên tục được chuyển ngữ và đón nhận. Danh mục sách bán chạy từ thống kê của các tờ báo, nhà xuất bản cho thấy sách văn học vẫn luôn nằm trong tốp đầu. Chưa kể, các tờ báo lớn luôn có mục truyện ngắn, thơ để thu hút độc giả lại là một bằng chứng nữa cho thấy văn chương luôn luôn được mến yêu ở đất nước này.
Vậy thì, nguyên nhân nào khiến tình trạng yêu thích và học văn chương trong nhà trường lại đi xuống đến mức báo động như hiện nay?
Có rất nhiều nguyên nhân: từ chương trình giảng dạy, từ sách giáo khoa…. nhưng trong phạm vi có thể của bài viết này, tôi muốn nói đến cách truyền đạt của các nhà giáo.
Thông thường, khi tiếp cận một bài học (có thể là: bài thơ, truyện ngắn, truyện vừa v.v.) thầy giáo sẽ giới thiệu sơ lược về: tác giả, hoàn cảnh ra đời, ý nghĩ cơ bản v.v. của bài học. Sau đó, đi vào phân tính những ý chính, thủ pháp nghệ thuật, nội dung tư tưởng v.v. rồi kết bài. Thường thì bài học kéo dài 2 tiết (90 phút). Thực tình mà nói, nếu học trò nào chăm chú lắng nghe thì cũng nắm được một ít ý chính, còn nếu không, họ mặc kệ.
Thay vì, tìm cách khơi gợi và vun bồi tình yêu văn chương cho học trò, cách dạy của các nhà giáo đang “tiêu diệt” những tia loe lói tình yêu còn sót lại của họ với văn chương.
Hãy nghe một học trò “kêu cứu”: “Thưa thầy, em muốn hỏi tại sao học môn Văn thường dễ chán thế! Tuy em đã cố gắng nhưng em vẫn thấy không nhét nổi. Thầy có cách nào giúp em khắc phục tình trạng này không? Không thích mà phải bị học thì... kinh khủng quá! Cứu em với!” (Nguyễn Thị Như Ý, 17t, Sonhoa_phuyen) (Theo Mực Tím Online - 26/2/2007).
Những người học có cảm giác rằng, môn văn là một cái “ách” mà mình phải mang trên vai, muốn ra trường thì đành cố chấp nhận lê từng bước và kéo nó đi. Nhưng cũng chính những người học trò có vẻ khù khờ, thụ động trong giờ học văn kia vẫn say sưa đọc những cuốn sách văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn mà chúng thích.
Vậy thì nhà giáo cần phải làm gì? Theo thiển ý của tôi, nên cho học trò đọc và cảm! Vâng, đọc và cảm những đoạn văn, đoạn thơ, hay lớn hơn là một cuốn sách mà chúng yêu thích và phù hợp với lứa tuổi của chúng. Tiếp đó, đem những gì thu nhận được chia sẻ cho bạn bè cùng lớp, chia sẻ với chính nhà giáo.
Hãy thử tưởng tượng, một cậu học trò cấp III làm sao hiểu nổi những ý cao thâm của Mãn Giác Thiền Sư, hay một ý tưởng nào đó của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi. Họ, những bậc thức giả kia, xa lạ với tuổi học trò quá. Do vậy, để hiểu những gì họ viết ra, cần phải có phương pháp. Theo tôi, trước hết hãy nhóm cho học trò một ngọn lửa của nhiệt thành, của yêu thương trước đã. Sau đó, chúng ta mới tính chuyện tri thức hay gì gì đó sau.
Mà để làm được điều đó, thầy giáo cần phải đọc thật nhiều, phải dẫn dắt học trò minh đi vào những ý tứ cao thâm, những sự hấp dẫn của văn chương. Người thầy phải thực sự là “sứ giả” của những vùng văn hoá (đối với nước mình) và nền văn hoá (đối với các nước khác).
Bản thân tôi, lúc còn học Trung học cơ sở ghét cay ghét đắng môn văn, nhưng nhờ những tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, đã kéo tôi vào cõi mộng mơ, bay bổng của văn chương. Và tôi hiểu rằng, cái nghiệp chữ nghĩa, viết lách của mình cũng bắt nguồn từ những điều giản dị như vậy. Sau đó, lớn lên một chút tôi đọc: Lev Tonstoi, Dostoevsky, Puskin, Kafka, Hemingway, Joyce v.v.. Và thú thật, không dám phủ nhận công ơn thầy cô đã dạy mình, nhưng dường như, tình yêu văn chương đến với tôi từ những trang sách, chứ không là những bài giảng.
Tôi cũng hiểu rằng, cùng với sự bùng nổ của truyền thông, thú vui đọc sách sẽ càng trở nên hiếm ở các bạn đọc trẻ. Họ có nhiều thú vui khác, nhiều không gian khác. Họ có Blog, có Chat, có Võ Lâm truyền kỳ v.v.. Họ quay cuồng với những mode thời thượng, với những tiện nghi của cuộc sống hiện đại v.v.. Do vậy, nếu không thổi vào hồn họ tình yêu văn chương, không kéo họ về với sách vở, đến một lúc nào đó, có lẽ những bài văn “kinh hoàng” chỉ là chuyện nhỏ, mà chúng ta phải giải quyết những chuyện khác.
Vẫn biết rằng, nhà giáo còn phụ thuộc vào nhiều thứ: chương trình, quy định, sách giáo khoa v.v. nhưng, nếu không kịp thời thay đổi, có lẽ, tình yêu văn chương không chỉ chết ở học trò, mà cũng mòn dần ở chính những người giảng dạy văn học. Bởi vì, đứng ở bục giảng với một lớp học xem môn học là một gánh nặng, thì không có nỗi buồn nào lớn hơn dành cho một nhà sư phạm.
Lê Tân
(vantanlesn@gmail.com)