“Nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội vẫn xa lạ với công bố quốc tế”

(Dân trí) - GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội đã bày tỏ thẳng thắn như vậy, khi chỉ ra thực trạng của vấn đề công bố khoa học quốc tế ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) của Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV tại Việt Nam do ĐH Quốc gia TPHCM và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/1, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng Việt Nam có sự chuyển dịch trong công bố quốc tế trong lĩnh vực này tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn.

Theo ông Minh, nếu so với các nước ASEAN, số lượng công bố ISI ở lĩnh vựa khoa học xã hội của Việt Nam xếp thứ 4, đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. 

“Nếu như năm 2013 chúng ta chỉ có 190 bài báo công bố thì đến năm 2018 đã lên đến 487 bài. Còn khi so với xếp hạng của thế giới về số lượng công bố ISI trong 5 năm gần đây thì chúng ta cũng nâng hạng từ vị trí 66 (năm 2013) lên vị trí 49 (năm 2018). Điều này cho thấy các nhà khoa học xã hội Việt Nam không kém và đã nổ lực rất cao trong nghiên cứu”, ông chia sẻ.

“Nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội vẫn xa lạ với công bố quốc tế” - Ảnh 1.

Các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo đã góp ý để nâng cao việc nghiên cứu công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội

Còn thống kê của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho thấy từ 7 công bố quốc tế năm 2010 đã tăng lên 79 bài năm 2018. Tuy nhiên, thực tế là bài viết vẫn chủ yếu tập trung ở một số tác giả nhất định, những người đã từng được đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, thường xuyên có công bố quốc tế.

Năm học 2017 - 2018, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội có số công bố quốc tế nhiều nhất nhưng cũng chỉ mới có 54 cán bộ tham gia viết bài, trung bình 1,5 bài/tác giả. So với tiềm lực của trường với 380 giảng viên, trong đó có 112 giáo sư và phó giáo sư, 133 tiến sĩ và 147 thạc sĩ thì số người có công bố quốc tế vẫn rất khiêm tốn.

Trong bài tham luận, GS.TS Phạm Quang Minh nhìn nhận một thực trạng đáng buồn là còn khá nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội vẫn xa lạ với công bố quốc tế. Và theo ông Minh có 5 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó, “đầu tiên là do quy trình đào tạo của chúng ta đã quá lỗi thời, lạc hậu với tình trạng "thầy đọc trò chép" hay chỉ vài cuốn sách giáo khoa mà không gắn liền thực tế khiến tư duy phản biện của sinh viên Việt Nam rất kém. Chính vì chúng ta không có những cử nhân tốt, nghiên cứu sinh tốt thì làm sao có các nhà khoa học tốt được”, ông Minh nói.

Ngoài ra, đó là các nguyên nhân gồm chưa nhận thức một cách nghiêm túc về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc công bố; rào cản về ngoại ngữ; nhiều tạp chí khoa học trong nước còn yếu kém nên dễ dãi trong khâu tuyển chọn bài; sự hợp tác quốc tế vẫn còn nặng tính hình thức, chưa quan tâm hiệu quả thiết thực đầu ra của sản phẩm khoa học.

Còn GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay, trong những năm qua, lĩnh vực Khoa học xã hội góp phần tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước nhưng so với lĩnh vực khoa học tự nhiên hay công nghệ thì lĩnh vực này hội nhập quốc tế chậm hơn.

“Điều này đòi hỏi yêu cầu công bố quốc tế, hội nhập quốc tế nói chung của lĩnh vực KHXH&NV hết sức cấp thiết. Muốn hội nhập thành công, chính công bố quốc tế giữ vị trí quan trọng. Vì công bố quốc tế vừa đảm bảo việc cung cấp tri thức, giới thiệu đất nước cho thế giới, cho khu vực, nó tạo cơ sở cho thế giới hiểu biết Việt Nam nhiều hơn, tạo cơ sở cho tăng cường hợp tác của Việt Nam trên thế giới nhưng đồng thời nó còn khẳng định thể hiện nền khoa học công nghệ của đất nước”, ông Thuấn nêu ý kiến.

Các đại biểu cũng nhìn nhận việc số lượng các công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV ít ỏi là một thiệt thòi mang tầm quốc gia, vì nó ảnh hưởng đến vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, nó dẫn đến việc hạn chế đóng góp của ngành này trong việc phổ biến những giá trị Việt Nam, văn hóa Việt Nam, vai trò của Việt Nam về đối nội, đối ngoại và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Theo PGS.TS Phạm Văn Phúc, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TPHCM dẫn lại một kết quả tìm kiếm số lượng công bố trên thế giới về từ khóa “Biển Đông”, dựa trên cơ sở dữ liệu toàn cầu lớn nhất, có phản biện là Scopus. Kết quả rất đáng suy ngẫm: “Chúng ta thấy 10 tạp chí công bố nhiều nhất về biển Đông, hầu hết 90% các tạp chí này được xuất bản từ Trung Quốc. Tất cả các tạp chí này đều đạt chuẩn Scopus. Vậy các nước công bố nhiều nhất về biển Đông, đương nhiên là các học giả Trung Quốc. Cụ thể, công bố từ Trung Quốc có 8.647 bài về biển Đông; từ Mỹ thì có 2.139 bài; Đài Loan có 1.070 bài. Trong top 10 quốc gia công bố nhiều nhất về biển Đông thì không có Việt Nam chúng ta”, ông Phúc nói.

Từ kết quả nghiên cứu trên để thấy rằng, việc xuất bản tạp chí về lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, là một nhu cầu cấp thiết và hướng đi chiến lược trong hội nhập quốc tế toàn diện.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm