Nhân lực chất lượng cao - nòng cốt đẩy mạnh kinh tế miền Trung

Trường Thịnh

(Dân trí) - Xác định con người là yếu tố quyết định đưa miền Trung trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, các nhà trường và doanh nghiệp tại miền Trung ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Điều này thể hiện ở xu hướng ứng dụng các chuẩn đánh giá tiếng Anh quốc tế điển hình là TOEIC làm chuẩn đầu ra ngoại ngữ của các trường Đại học và là tiêu chí tuyển dụng đầu vào cũng như đánh giá nhân sự của các doanh nghiệp tại miền Trung. Việc phát triển một lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh theo chuẩn quốc tế sẽ là bàn đạp vững chắc giúp miền Trung khai thác triệt để những ngành nghề thế mạnh như cảng biển, công nghệ thông tin hay du lịch, dịch vụ…

Nhân lực chất lượng cao - nòng cốt đẩy mạnh kinh tế miền Trung - 1
Ngoài trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng công việc, những nhân sự có trình độ tiếng Anh chuẩn quốc tế luôn được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng và đề bạt

Doanh nghiệp tuyển dụng và đánh giá nhân sự với điểm thi TOEIC

Công tác tuyển dụng nhân sự trong doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và mang tính chất quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt với những ngành nghề thế mạnh của miền Trung như trên, doanh nghiệp nào sở hữu đội ngũ nhân đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế hội nhập, đặc biệt là khả năng tiếng Anh chuẩn quốc tế là đồng nghĩa với việc đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Trên thị trường tuyển dụng ngày nay tại miền Trung nói riêng hay cả nước nói chung, không khó để bắt gặp những thông báo tuyển dụng nhân sự yêu cầu hoặc ưu tiên ứng viên có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC. Đây được xem là bước đi "khôn ngoan" của các doanh nghiệp khi họ tận dụng được hệ thống đánh giá uy tín của Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trong quá trình sàng lọc ứng viên ngay từ đầu.

Nhân lực chất lượng cao - nòng cốt đẩy mạnh kinh tế miền Trung - 2
Chuẩn đánh giá tiếng Anh TOEIC quốc tế ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

Việc áp dụng kết quả thi TOEIC sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được quy trình đánh giá xét tuyển, giảm thiểu đáng kể các chi phí và nguồn lực không chỉ cho khâu tuyển dụng mà cả quá trình đào tạo, phát triển nhân viên sau này. Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nhân sự có trình độ tiếng Anh tốt thường sở hữu tư duy nhanh nhạy, linh hoạt, logic tốt và kỹ năng làm việc năng suất, hiệu quả.

Đó chính là lý do mà các "ông lớn" đã không ngần ngại sử dụng điểm thi TOEIC trong hàng chục năm qua làm tiêu chí tuyển dụng nhân sự như: Tập đoàn Viettel yêu cầu trình độ tiếng Anh từ 550 - 900 điểm TOEIC tùy từng vị trí; Vietnam Airlines yêu cầu TOEIC 600 - 700 đối với cấp lãnh đạo, cán bộ phòng và 450 điểm với nhân viên phục vụ mặt đất; hàng loạt ngân hàng lớn như Agribank yêu cầu tối thiểu TOEIC 400 với các vị trí lao động chuyên môn tại các chi nhánh, Techcombank yêu cầu TOEIC 375 - 875 tùy từng vị trí, BIDV yêu cầu TOEIC 450 trở lên…

Các doanh nghiệp, tổ chức tại miền Trung cũng không nằm ngoài xu thế đó. Công ty Asiatrans Vietnam tại Ðà Nẵng đưa ra tiêu chí ứng viên phải đạt trên 600 điểm TOEIC cho vị trí nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu. Chuyên viên xuất nhập khẩu của Công ty Dược Danapha cũng yêu cầu TOEIC trên 650 điểm; trong khi đó chuyên viên giám sát đảm bảo chất lượng của Công ty này cần đạt TOEIC 500. Est Rouge Đà Nẵng tuyển dụng vị trí tester với yêu cầu từ 750 điểm TOEIC. Từ năm 2014, FSoft miền Trung đã yêu cầu trên 550 điểm TOEIC khi tuyển dụng một số vị trí. Giảng viên khoa Y - Đại học Duy Tân cũng được yêu cầu phải đạt trên 600 điểm TOEIC. Nhân viên tư vấn tại Bệnh viện Đa khoa Gia đình Đà Nẵng cần đạt trên 550 điểm TOEIC theo tiêu chí tuyển dụng…

Không dừng lại ở khâu tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng triệt để chuẩn đánh giá TOEIC trong quá trình kiện toàn và phát triển hệ thống nhân sự của mình. Theo đó, kết quả thi TOEIC còn được sử dụng để đánh giá sự tiến bộ của nhân sự qua từng năm, qua đó làm cơ sở cho các quyết định đề bạt thăng tiến, điều chuyển nhân sự sang các vị trí trọng yếu. Nhiều doanh nghiệp còn có chính sách đãi ngộ đặc biệt như hỗ trợ tài chính hàng tháng với những nhân viên có điểm thi TOEIC cao; điển hình như Fsoft Miền Trung, Formosa Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa Gia đình…

Chuẩn hóa tiếng Anh quốc tế từ trong nhà trường

Với sứ mệnh đáp ứng nguồn cung nhân lực cho nền kinh tế miền Trung, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường và có những bước đi cấp tiến trong chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng sinh viên. Nhiều ngôi trường như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Xây dựng Miền Trung, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng,… đã đưa TOEIC vào chương trình giảng dạy và lựa chọn bài thi TOEIC làm chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên tốt nghiệp nhằm tạo cho các bạn sinh viên một tiền đề tốt về năng lực ngoại ngữ, từ đó sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp sau này.

Theo PGS.TS. Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng: "Ngày nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng chứng chỉ TOEIC làm điều kiện xét tuyển ngày càng nhiều, do đó nhà trường đã chọn TOEIC làm chuẩn đầu ra cho các em. Với chứng chỉ TOEIC trong tay, các em có thể dễ dàng xin được việc cũng như là khởi nghiệp sau này."

Nhân lực chất lượng cao - nòng cốt đẩy mạnh kinh tế miền Trung - 3
Sinh viên miền Trung quan tâm tới TOEIC như một hành trang thiết yếu cho sự nghiệp tương lai

Như vậy có thể thấy chuẩn đánh giá tiếng Anh quốc tế TOEIC đã dần hiện hữu trong đa dạng ngành nghề doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực đào tạo tại miền Trung. Việc tiếp cận với những chuẩn giáo dục tiên tiến trên thế giới sẽ mang đến sức bật cho chất lượng nguồn nhân lực của miền Trung, góp phần vào lộ trình phát triển bền vững cho "khúc ruột" của cả nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm