Lại một "mùa" lạm thu, đủ loại quy định phòng chống nhưng vẫn cứ thu

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Lạm thu đang là nỗi bức xúc của phụ huynh với hàng loạt các khoản như: Máy chiếu, điều hòa, tivi, đồng phục, quỹ lớp... Mặc dù ngành giáo dục đã ra đủ loại văn bản quy định nhưng thu vẫn hoàn thu.

lam-thu-hoc-phi-huyen-nguyen.jpg
Đầu năm học, nhiều phụ huynh lo lắng bởi các khoản tiền phải đóng góp cho con tại trường (Ảnh: Huyên Nguyễn).

"Mùa lạm thu"

Đến hẹn lại lên, vào đầu năm học mới, phụ huynh nhiều nơi lại bức xúc bởi hàng chục khoản đóng góp.

Từ học phí, sách vở... đến các khoản mang tên "tự nguyện trên tinh thần bắt buộc" như: Máy chiếu, điều hòa, tivi, đồng phục, quỹ lớp, quỹ phụ huynh, vệ sinh trường lớp, ủng hộ cơ sở vật chất, sổ liên lạc điện tử...

Một số cái tên lạ hơn cũng ngày càng phổ biến gồm: hỗ trợ các cuộc thi, tiền mua sách bổ trợ, phiếu bài tập, tiền trang trí lễ khai giảng, tiền phát triển nhà trường, quỹ câu lạc bộ...

lam-thu-hoc-phi-huyen-nguyen-1.jpg
Một bản ghi lại khoản đóng góp đầu năm tới hơn 2 triệu đồng (Ảnh: Hoài Thương)

Cần nhấn mạnh rằng, việc thực hiện xã hội hóa nhằm huy động thêm sự đóng góp nguồn lực từ người dân, cộng đồng trách nhiệm, đồng hành cùng Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để học sinh phát triển theo hướng toàn diện là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, cách thực hiện theo diện áp đặt, phân bổ đầu người, tự nguyện trên tinh thần bắt buộc như không ít nơi hiện nay đã để lại những hệ lụy xấu.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 9/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học, như Điều lệ về Ban đại diện cha mẹ học sinh, các hoạt động tài trợ cho giáo dục, đào tạo. 

Ông nhấn mạnh, quan trọng là địa phương, nhà trường tăng cường thanh tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức.

"Tiến tới mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt, nhằm khắc phục tình trạng lạm thu", ông Sơn chia sẻ và nói thêm, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý bắt buộc việc này.

Đối với các trường đại học, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí.

Những khoản khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Việc này thanh tra kiểm tra thuộc các cơ quan quản lý trực tiếp. Với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ra văn bản quy định giám sát, chấn chỉnh

Trước thực trạng thu chi đầu năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên Trần Khắc Lễ đã nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, trường học không thu trái quy định; tăng cường kiểm tra.

"Sở sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu; đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định của Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT", công văn nêu.

Ngoài ra, các khoản vận động tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo Thông tư 16 năm 2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Lại một mùa lạm thu, đủ loại quy định phòng chống nhưng vẫn cứ thu - 3

Khoản thu đồng phục từng bị phản ánh ép buộc tại một trường THPT tại TPHCM (Ảnh: Tư liệu).

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho cha mẹ phụ huynh. Vì thế, sở này luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

"Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Tài chính đã hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp trên tinh thần công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ.

Vấn đề thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm, hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.

Trong khi đó, TPHCM quy định 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính và quy định mức trần cho từng nhóm. Đây là lần đầu TPHCM đưa ra khung cho các khoản dịch vụ để phụ huynh nắm bắt, giám sát, tránh lạm thu.

Sở GD&ĐT Cà Mau chỉ đạo các đơn vị, trường học tuyệt đối không để giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh đặt ra những nội dung trái quy định nhằm gợi ý và ép buộc phụ huynh học sinh đóng góp các khoản thu ngoài quy định.

Đối với các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng, các đơn vị, trường học phải lập kế hoạch vào đầu năm học và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh (nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận).

Bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn cho từng học sinh, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Tương tự, Sở GD&ĐT Bạc Liêu cũng liệt kê chi tiết các khoản thu sẽ được quy định mức thấp nhất và cao nhất.

Đối với các khoản không quy định mức trần, các cơ sở giáo dục thỏa thuận với phụ huynh có nhu cầu (bằng văn bản) trên tinh thần tự nguyện, thống nhất mức thu.

Ngoài các mục được quy định, các cơ sở giáo dục không được thỏa thuận với phụ huynh học sinh để thu thêm các khoản khác.

Theo bà Trần Thị Huỳnh Dao, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bạc Liêu, việc quy định các khoản thu ngoài học phí nhằm tạo cơ sở pháp lý để việc tổ chức thu các hoạt động bổ trợ giáo dục được thống nhất, không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Những khoản không được phép thu 

Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT liệt kê chi tiết 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu không được thu tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.