Nhà nghiên cứu y học 9X giành 7 học bổng tại 5 châu lục
(Dân trí) - Anh Vũ Toàn Thịnh (sinh năm 1991) hiện đang làm công tác nghiên cứu tại ĐH Y Hà Nội xuất sắc nhận được 4 học bổng thạc sĩ toàn phần và 3 học bổng ngắn hạn tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến thế giới.
Theo đuổi ngành dịch tễ học tại trường đại học công lập số 1 của Hoa Kỳ
Tốt nghiệp Thủ khoa Y tế công cộng ĐH Y Hà Nội 2013, Vũ Toàn Thịnh hiện đang làm công tác nghiên cứu khoa học tại chính ngôi trường mình từng theo học.
Chàng trai 9X Quảng Ninh đạt được những thành tích khoa học đáng nể: Tham gia hơn 50 nghiên cứu trong lĩnh vực Y – Xã hội học cung cấp thông tin dựa vào bằng chứng cho việc tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng; xây dựng 4 hướng dẫn về cai nghiện thuốc lá; cung cấp danh sách và chuyển gửi hàng trăm người sống chung với HIV vào các cơ sở điều trị ARV; xây dựng mô hình tiên đoán dịch HIV cũng như ước lượng bệnh nhân đồng nhiễm Lao/ HIV tại một số tỉnh có tình hình dịch tập trung.
Thịnh là đồng tác giả 15 bài báo trong và ngoài nước; 5 tóm tắt hội nghị khoa học; xuất bản 1 cuốn sách bằng tiếng Anh bán trên Ebay (số tiền nhuận bút được dùng cho hoạt động từ thiện)... Anh nhận thư khen của Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội về xuất bản bài báo khoa học trên tạp chí uy tín quốc tế năm 2017.
Chàng trai Việt trở thành Đại sứ trẻ toàn cầu về phòng, chống HIV giai đoạn 2017-2019 do cộng đồng AIDS quốc tế khởi xướng (IAS – Hiệp hội các chuyên gia công tác trong lĩnh vực HIV lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Sỹ).
Ngoài các hoạt động chuyên môn, Vũ Toàn Thịnh tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như thiết kế logo cho “The IAS Youth Ambassadors Networks” tại Paris, Pháp 2017; đoạt giải “People’s Choice Prize for Logo Competition” kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Australia do đại sứ quán Úc tại Việt Nam trao; tham gia các hoạt động xã hội khác như Walk for Autism, Youth Day…
Trao đổi với PV Dân trí, Vũ Toàn Thịnh cho biết, anh nhận được 4 học bổng thạc sĩ, trong đó có 01 học bổng phát triển của Chính phủ Úc (Australia Awards Scholarships); 02 học bổng tài năng tại Anh, Pháp (Eramus+) và Bỉ (Vlir-UOS); và 01 học bổng giáo sư tại Hoa Kỳ (NIH-Forgaty training). Bên cạnh đó, anh còn giành được 3 học bổng hội thảo/ đào tạo y khoa liên tục tại Pháp, Nam Phi và Thái Lan.
Anh Thịnh tâm sự, bản thân có ý tưởng du học khá muộn – năm thứ 3 đại học. “Ngày trước, đối với các bạn ở tỉnh, đỗ đại học là một thành tích nổi trội, nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác. Nên rất hi vọng, các bạn trẻ đặc biệt là những bạn ở tỉnh hãy chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị kiến thức, chuẩn bị cho mình hành trang trên con đường du học vì đó không còn là một giấc mơ xa vời nữa”.
Nhà nghiên cứu 9X cho biết, trước đây Úc là điểm đến mơ ước và anh từng chỉ theo một học bổng duy nhất là Australia Awards Scholarships. Tuy nhiên, sau đó qua mạng lưới, Thịnh tìm hiểu thêm các học bổng khác và sau gần 5 năm làm việc cùng chuyên gia y tế công cộng đầu ngành, anh quyết định theo học chuyên ngành dịch tễ học tại trường đại học công lập số 1 của Hoa Kỳ là University of California – Los Angeles (UCLA).
Hé lộ bí quyết chinh phục nhiều học bổng thạc sĩ quốc tế, Vũ Toàn Thịnh cho rằng cần có một công thức chung gồm nhiều thành tố.
Thứ nhất là thành tích học tập: Ngày từ năm nhất đại học, các bạn nên đầu tư vào việc học thay vì ngồi đó ngủ quên trên chiến thắng, khi bạn đã hoàn thành được một mục tiêu, không nên dừng lại ở đó mà hãy tiếp tục đặt ra những cột mốc mới dài hạn hơn.
Thứ 2 là khả năng tư duy và viết luận: Hội đồng xét học bổng có thể là người cùng chuyên ngành hoặc không liên quan gì với ngành bạn apply, chính vì vậy hãy áp dụng nguyên tắc hình phễu nghĩa là viết từ miệng đến nút, từ bao quát để tất cả mọi người đều có thể hiểu được mình, sau đó là các thông tin liên quan đến ngành của bạn.
Thứ 3 là thư giới thiệu: Thay vì chọn người viết thư theo học hàm, học vị. Hãy chọn người am hiểu bạn nhất và sẵn sàng hỗ trợ bạn. Như vậy, họ sẽ dành tâm huyết tìm hiểu học bổng và đánh giá bạn theo sát các tiêu chí của học bổng.
Thứ 4 là đóng góp cho cộng đồng: Thể hiện qua các hoạt động xã hội không cần tham gia quá nhiều nhưng cần tạo nên sự khác biệt của bạn trong công việc đó.
Cuối cùng là một số yếu tố quan trọng khác như khả năng lãnh đạo, kỹ năng xây dựng mạng lưới, kế hoạch phát triển sự nghiệp phù hợp với tiêu chí của học bổng… và tất nhiên, cần có thêm may mắn nữa.
Làm nghiên cứu không phải vì lương
Công tác tại ĐH Y Hà Nội, Vũ Toàn Thịnh tham gia nhiều nghiên cứu đánh giá và can thiệp, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến tỉnh trong giám sát trọng điểm và rà soát ca bệnh HIV. Đây là hai chương trình quốc gia nhằm đánh giá tình hình dịch cũng như góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia 90-90-90 về HIV.
Đến hiện tại, 9X đã xuất bản 13 bài báo trong nước, 2 bài báo quốc tế (ISI/Scopus) và 5 tóm tắt hội nghị. Anh Thịnh chia sẻ, bí quyết để đạt nhiều giải thưởng/bài báo khoa học chính là không ngừng học hỏi thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè.
“Mình không chỉ nhìn vào các thành tích mà họ đạt được, hãy xem cách họ đi đến thành công như thế nào? Bên cạnh đó, việc chọn thầy cô để gắn bó rất là quan trọng bởi vì mình sẽ bị ảnh hưởng bởi phong cách làm việc thậm chí cả những định hướng trong tương lai”, anh nói.
Khi được hỏi: “Nhiều người nói lương người làm khoa học ở Việt Nam không cao, cơ sở vật chất chưa tốt. Điều gì khiến anh yêu công việc hiện tại của mình?”, Thịnh cười đáp rằng: “Mình làm công tác nghiên cứu không phải vì lương hay để đứng tên trên các bài báoxuất bản… mà đơn giản chỉ vì hai chữ “cộng đồng”.
Mặc dù hay phải đi công tác tại vùng sâu xa, nhưng mỗi khi nghiên cứu mình tham gia mang lại những thông tin dựa vào bằng chứng khoa học có giá trị thực tiễn cao trong việc xây dựng hoạt động can thiệp hiệu quả hoặc thay đổi chính sách nhằm phát triểncộng đồng tốt hơn đã tiếp thêm sức mạnh để mình vững tin gắn bó với nghề”.
Không chỉ say mê nghiên cứu, anh Vũ Toàn Thịnh đã hỗ trợ 4 đồng nghiệp/ sinh viên apply thành công các học bổng ngắn hạn/ trại hè. Thịnh cho biết thêm, người hạnh phúc là người biết chia sẻ cơ hội cho tất cả.
Chính vì lẽ đó hiện tại anh đang hỗ trợ một số bạn là những người khuyết tật với mong muốn góp phần giúp các bạn trẻ không được may mắn, nhưng luôn khát khao học tập có cơ hội được tiếp cận, trải nghiệm với nền giáo dục nước ngoài.
Ngoài ra, chàng trai Quảng Ninh còn sáng lập một đơn vị phân tích thống kê nhằm tạo môi trường cho sinh viên chuyên ngành công tác xã hội, y tế công cộng... tham gia các dự án thu thập số liệu và nhập liệu, cũng như đồng hành trong xuất bản ấn phẩm nghiên cứu nhằm cung cấpthêm bằng chứng cho y văn trong lĩnh vực nghiên cứu. Hiện nay có hơn 30 thực tập sinh từ năm 2013-2017.
Để đảm bảo cân đối được các công việc, Vũ Toàn Thịnh cho biết anh áp dụng mô hình bảng 2x2giữa tầm quan trọng và tính khẩn cấp của các công việc. Ví dụ nếu công việc khẩn cấp và quan trọng, anh sẽ ưu tiên làm ngay; khẩn cấp nhưng không quan trọng, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng nghiệp; không khẩn cấp nhưng quan trọng, sẽ sắp xếp lịch để làm; không khẩn cấp và không quan trọng, anh sẽ loại bỏ hoặc hạn chế như đọc “báo lá cải”, vào facebook…
Trước mắt, nhà nghiên cứu trẻ Vũ Toàn Thịnh vẫn tiếp tục hỗ trợ các bạn apply học bổng ngắn hạn, thạc sĩ và cố gắng nâng cao chuyên môn trong quá trình học tập tại Hoa Kỳ để có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi đam mê trong lĩnh vực y tế công cộng.
Lệ Thu
(Ảnh: NVCC)