Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục Đại học:

Nhà giáo nên bao gồm cả cán bộ quản lý đã từng đứng lớp giảng dạy

(Dân trí) - "Nhiều giáo viên đã đứng lớp giảng dạy nhiều năm được điều về công tác quản lý ở các phòng GD, khi nghỉ hưu, bị thiệt thòi chỗ chế độ thâm niên. Tôi đề nghị trong định nghĩa nhà giáo cần mở rộng, bao gồm cả cán bộ quản lý GD đã từng có thời gian đứng lớp giảng dạy"

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam đã đề nghị như trên tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục diễn ra tại Đà Nẵng trong ngày 8/12. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung Dự thảo bao gồm: miễn phí cho học sinh Trung học cơ sở; lương giáo viên; bỏ Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội thảo

Đề nghị mở rộng định nghĩa nhà giáo

Trong Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục (sau đây gọi tắt là Dự thảo) có nội dung: Lương giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống lương của các đơn vị hành chính sự nghiệp. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều bày tỏ rất vui nếu nội dung dự thảo này được đưa vào luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng phạm vi định nghĩa về nhà giáo, không chỉ có những người trực tiếp đứng lớp mà cả cán bộ quản lý GD đã từng có thời gian tham gia công tác giảng dạy.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, nên mở rộng định nghĩa nhà giáo trong Dự thảo, để nếu chính sách tiền lương giáo viên được quan tâm, thì các cán bộ quản lý GD đã từng đứng lớp giảng dạy không bị thiệt thòi nữa.

“Nhiều giáo viên đã đứng lớp giảng dạy nhiều năm được điều về công tác quản lý ở các phòng GD, khi nghỉ hưu, bị thiệt thòi chỗ chế độ thâm niên. Khi xét các danh hiệu như Nhà giáo ưu tú cũng vậy, các cán bộ dù đã từng có thời gian đứng lớp giảng dạy cũng nằm ngoài đối tượng được xét. Nên nói thật là không giáo viên nào muốn khi được điều động về các phòng GD, mặc dù như vậy là công nhận năng lực của người đó. Do đó, tôi đề nghị trong định nghĩa nhà giáo cần mở rộng bao gồm cả cán bộ quản lý GD đã từng có thời gian đứng lớp giảng dạy” - ông Quốc nói.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: Tôi đề nghị trong định nghĩa nhà giáo cần mở rộng bao gồm cả cán bộ quản lý GD đã từng có thời gian đứng lớp giảng dạy
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: "Tôi đề nghị trong định nghĩa nhà giáo cần mở rộng bao gồm cả cán bộ quản lý GD đã từng có thời gian đứng lớp giảng dạy"

Ông Lê Bá Thiềm - Trưởng phòng GD thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chia sẻ: “ Một cán bộ phòng GD mới về hưu tâm sự là kiếp sau xin làm giáo viên, không làm cán bộ quản lý giáo dục; bởi chế độ thâm niên chỉ dành cho giáo viên đứng lớp, còn cán bộ quản lý thì không. Nên đề nghị mở rộng định nghĩa nhà giáo là bao gồm cả những cán bộ quản lý đã từng tham gia giảng dạy nếu chính sách tăng lương đi vào luật”

Về nội dung lương cho giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống lương, một đại biểu ở Quảng Trị băn khoăn: Thực tế điểm đầu vào sư phạm hiện nay thấp như thế, đến khi ra trường đi làm lại được hưởng lương cao thì có phù hợp không? Nên tính đến các nhà giáo thâm niên, những người trước đây có chất lượng đầu vào ngành sư phạm rất cao.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam không đồng tình với ý kiến này. “Chỉ sợ là dự thảo không được đưa vào luật, cho thấy vị trí quan trọng của người làm công tác giáo dục. Còn tuyển dụng giáo viên, mình có quy định chất lượng thì không lo chuyện giáo viên kém năng lực lại nhận lương cao. Ví dụ ở Quảng Nam tôi đã hứa em nào học phổ thông giỏi, tốt nghiệp sư phạm giỏi ra trường nhận ngay. Hiệu quả thấy rõ chỗ giáo viên ngoại ngữ trẻ giảng dạy rất tốt” - ông Quốc khẳng định hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GD.

Nên giữ Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện và hoạt động phù hợp với từng địa phương

Ngoài nội dung miễn phí cho học sinh Trung học cơ sở được thống nhất cao tại Hội thảo, các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh hoạt động của các trung tâm GDTX.

Ông Lê Bá Thiềm ở Phòng GD thị xã Hồng Lĩnh nói bỏ trung tâm cấp huyện là đúng vì thực tế ở địa phương cho thấy “trung tâm thì hoành tráng, lộng lẫy mà người học thì chỉ có lèo tèo vài người” .

Tuy nhiên, chia sẻ thực tế ở Đà Nẵng, ông Trịnh Xuân Vịnh - Giám đốc Trung tâm GDTX số 1 Đà Nẵng lại cho rằng cả 7 trung tâm từ cấp thành phố đến quận, huyện ở Đà Nẵng hoạt động rất hiệu quả. Do đó, tuỳ điều kiện thực tế ở từng địa phương mà tổ chức hoạt động của trung tâm GDTX cấp huyện sao cho phù hợp.

Một đại biểu ở Quảng Ngãi cũng đồng tình với ông Vịnh, và chia sẻ mô hình ở Quảng Ngãi là trung tâm của tỉnh bao gồm cả dạy nghề và bổ túc văn hoá. Nên tổ chức hoạt động trung tâm GDTX cấp cơ sở với quan điểm trung tâm không chỉ có chức năng bổ túc văn hoá mà còn phục vụ tinh thần cuộc vận động học tập suốt đời trong cộng đồng.

Lắng nghe các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận ý kiến nếu đưa vào chính sách miễn học phí cho học sinh THCS sẽ cân nhắc sao cho đảm bảo chất lượng dạy học, đầu tư cơ sở vật chất; cũng như gi nhận các ý kiến về hoạt động của các trung tâm GDTX và mở rộng định nghĩa nhà giáo trong luật.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm