Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Nên miễn học phí cho cả HS ngoài công lập”

(Dân trí) - “Hiện tại chúng ta có hai loại hình trường ngoài công lập. Đó là trường tư dịch vụ tư, trường này dành cho giới nhà giàu. Thứ hai là trường tư dịch vụ công. Tôi đồng ý không miễn học phí trường tư dịch vụ tư nhưng nếu trường tư dịch vụ công không được sự đầu tư của Nhà nước là không công bằng”.

Trên đây là ý kiến của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại buổi đóng góp ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 15/12.

Nên rạch ròi hai loại trường tư

Trong số 17 ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục, nhiều chuyên gia đề xuất miễn học phí cho học sinh trường ngoài công lập.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, chúng ta nên phân biệt rạch ròi Nhà nước chi hay tư nhân chi. Trường công Nhà nước chi còn trường tư do tư nhân chi. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta có hai loại hình trường tư. Đó là trường tư dịch vụ tư, trường này dành cho giới nhà giàu. Thứ hai là trường tư dịch vụ công.

TS Nguyễn Sĩ Dũng yêu cầu phân biệt rạch ròi hai loại trường tư để có chính sách học phí công bằng (ảnh: Thanh Hùng)
TS Nguyễn Sĩ Dũng yêu cầu phân biệt rạch ròi hai loại trường tư để có chính sách học phí công bằng (ảnh: Thanh Hùng)

“Tôi đồng ý không miễn học phí ở các trường tư dịch vụ tư, những trường như hệ thống trường TH chẳng hạn... nhưng nếu trường tư dịch vụ công không nhận được sự đầu tư của Nhà nước là không công bằng.

Tôi đã từng đi nhiều nơi, đến nhiều trường tư có dịch vụ công, ở đó nhiều học sinh con nhà nghèo, con em lao động... theo học vì không đủ điều kiện vào trường công lập. Do đó, phải phân rõ 2 loại trường tư kiểu TH với các trường khác. Do đó đề xuất của tôi là chia đều ngân sách cho cả trường tư cung cấp dịch vụ công. Đặc biệt, nguyên tắc của dịch vụ công, mức học phí phải phù hợp và Nhà nước phải can thiệp. Điều này khác với trường dịch vụ tư. Do đó cần có phương án hợp lý, hoặc quy định mức học phí cho trường tư cung cấp dịch vụ công. Làm sao phải đảm bảo công bằng xã hội”, TS Dũng nói.

Về điều này, ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cho hay, ông đồng ý với việc miễn học phí cho cấp THCS. Tuy nhiên, đề xuất chính sách ưu tiên học phí cho học sinh các trường ngoài công lập để đảm bảo tính công bằng của người học.

Đòi công bằng cho giáo viên sao không công bằng cho học sinh?

Trong 8 vấn đề đưa ra tại buổi đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp Hội dạy nghề và Công tác xã hội cho rằng, thứ nhất cần chính sách để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận với giáo dục và giáo dục suốt đời, nhất là các đối tượng yếu thế, đồng bào thiểu số.

Thứ hai, cần đảm bảo công bằng cho người học ở các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Vậy công bằng giữa hai nhóm công lập và ngoài công lập như thế nào? Đòi công bằng cho nhà giáo, vậy tại sao công bằng cho nguời học không thực hiện được? “Tôi thấy trong Dự thảo Luật có nêu ra nhưng chưa rõ”, ông Hữu nói.


Ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đề xuất chính sách ưu tiên học phí cho học sinh các trường ngoài công lập để đảm bảo tính công bằng của người học. (ảnh: Đ. Tuệ)

Ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đề xuất chính sách ưu tiên học phí cho học sinh các trường ngoài công lập để đảm bảo tính công bằng của người học. (ảnh: Đ. Tuệ)

Thứ ba, cũng theo ông Hữu, chúng ta cần có chính sách đảm bảo sự bình đẳng đối với cơ sở giáo dục công lập- ngoài công lập, công tư kết hợp.

"Việc cung cấp dịch vụ công về giáo dục, trước hết thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước có thể ủy quyền cho tư nhân hoặc kết hợp công- tư. Cái chính là cơ chế tài chính cho các loại hình cung cấp dịch vụ công về giáo dục và cơ chế hỗ trợ tài chính cho đối tượng người học ở mức tối thiểu", ông Hữu chia sẻ.

Về việc miễn học phí cho học sinh THCS mà Dự thảo Luật Giá dục đưa ra, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHTTN Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Nếu nhà nước đảm bảo đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng tối thiểu thì miễn học phí cho học sinh THCS là việc làm có tính chất cách mạng.

Phổ cập giáo dục là bắt buộc nên phải gắn với miễn học phí nhưng với điều kiện phải đảm bảo khả năng đầu tư và chất lượng”.

Mỹ Hà