Ngưỡng mộ "biệt tài" của 3 nữ cử nhân xuất sắc trường ĐH Thủy lợi

(Dân trí) - 3 nữ cử nhân này đã "vượt mặt" hàng nghìn các nam sinh để đạt thành tích đáng ngưỡng mộ và có thể nói là "kỳ tích" của trường ĐH Thủy lợi trong nhiều năm trở lại đây.

Trường Đại học Thủy lợi vừa tổ chức Lễ tốt nghiệp đợt 2 năm 2017 cho gần 1000 sinh viên. Đặc biệt, sinh viên Lương Thị Giang, lớp 55KT-DN là thủ khoa tốt nghiệp với điểm trung bình 3.79/4, lần đầu tiên được Nhà trường công bố đặc cách giữ lại làm giảng viên.

Sinh viên duy nhất được giữ lại trường trong 10 năm qua

Chúng tôi gặp sinh viên Lương Thị Giang sau buổi lễ trao bằng tốt nghiệp và đặc biệt hơn khi em vừa nhận tin vui được giữ ở lại trường.

“Em bất ngờ quá, cảm thấy thật may mắn. Theo thông lệ em được biết, trong 10 năm qua không có sinh viên ngành kế toán nào được giữ lại trường. Vì lãnh đạo trường sẽ tuyển giảng viên, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của trường Kinh tế Quốc dân hoặc Học viện Tài chính, rất lâu rồi chưa có tiền lệ như vậy” Giang như vỡ òa trong cảm xúc và bất ngờ.


Sinh viên Lưu Thị Giang

Sinh viên Lưu Thị Giang

Với một cô gái thì những con số tính toán có thể là khó khăn hoặc khô khăn, nhưng đối với Giang thì lại khác: “Ngày từ những ngày đầu bước chân vào trường, thầy cô giáo trong bộ môn Kế toán đã truyền lửa, định hướng cho chúng em đi thực tập càng sớm càng tốt, từ đó giúp vận dụng vào kiến thức thực tế để việc học đạt kết quả cao hơn. Em không đầu hàng trước số liệu, dù có khó mấy cũng sẽ tìm ra cách giải và chúng không hề Khô – Khó – Khổ như mọi người tưởng”.

Ngoài ra, Giang cũng vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm để có thành tích xuất sắc với các bạn sinh viên khóa sau: “Ngay từ năm nhất khi vào trường, tất cả mọi người đều có xuất phát điểm như nhau, vấn đề là ai quyết tâm hơn ai, ai cố gắng hơn ai.

Khi học tập các bạn phải biết là bản thân cần gì và muốn gì thì lúc đó mới có mục tiêu để phấn đấu. Trong quá trình học, lý thuyết phải đi đôi với thực hành, từ năm 3 các bạn nên xin đi thực tập nhiều để biết được thực tế như thế nào, để xem những kiến thức mình học như vậy nó có giống với thực tế không, để rút kinh nghiệm. Và cần thêm một chút gì đấy may mắn để thành công là đương nhiên”.

Sinh viên tốt nghiệp sớm nhất

Ngành kĩ thuật, thường là sở trường của các bạn nam, thế nhưng lại có một sinh viên nữ trở thành kỹ sư thủy lợi tương lai với tiến trình học 3 năm.


Sinh viên Nguyễn Thu Thủy

Sinh viên Nguyễn Thu Thủy

Sinh viên Nguyễn Thu Thủy lớp 56N1 – Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, tốt nghiệp loại Xuất sắc, điểm trung bình là 3.64/4. Đồng thời, Thu Thủy là sinh viên đầu tiên trong số những bạn học vượt và ra trường sớm hơn 1,5 năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm học, Thu Thủy cho biết: “Ngay năm học đầu tiên, em đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến các anh chị khóa trước về đào tạo tín chỉ và đăng ký học môn nào trước, môn nào sau. Để đảm bảo chương trình từng môn học, sau khi đăng ký, em đã tự lên lịch phân bổ kế hoạch như: Giờ lên lớp, giờ tra cứu trên thư viện và giờ tự nghiên cứu ở nhà.

Thường thì em sẽ đăng kí 23-24 tín chỉ/học kì, kì đỉnh điểm nhất là 28 tín chỉ. Em luôn chọn một số môn nặng và một số môn nhẹ với tỷ lệ 50/50, làm sao cho các kiến thức môn trước liên quan đến môn sau để bổ trợ cho nhau. Tuy trong quá trình học em còn gặp khó khăn, khi các bạn khác đăng ký bằng nửa số tín của em nên có thời gian tự học nhiều; nhưng em chọn phương pháp học là cố nắm chắc phần kiến thức lõi ngay trên giảng đường, cái gì cần bổ sung thì ghi chép để tra cứu hay hỏi trực tiếp thầy cô sau giờ giảng.

Th.S Trần Khắc Thạc, phó trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi nhận xét: “Ở trường cũng đã có những bạn rút ngắn được thời gian đào tạo nhưng mà không rút ngắn được nhiều như Nguyễn Thu Thủy. Thực tế, việc nỗ lực học tập của Thủy rất là cao. Ngoài việc bạn ấy có tố chất thì việc nỗ lực của bản thân cũng rất là cao thì bạn ấy mới có thể vượt được như vậy. Sức học và sức làm việc của bạn ấy phải gấp đôi, gấp ba các bạn khác, vì bạn ấy có cách sắp xếp thời gian rất là cao, đây là một trong những ưu việt của đào tạo theo học chế tín chỉ, các em sinh viên có quyền học vượt, phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của các em, cũng như cách sắp xếp thời gian của các em”.

Sinh viên làm giúp việc 4 nhà để có tiền đi học

Khi nói đến những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc trong lần tốt nghiệp này của đại học Thủy lợi, không thể không kể tới Nguyễn Thị Kim Chi, lớp 55KT-DN2. Em là một điển hình về nỗ lực vượt lên khó khăn để khẳng định mình với điểm trung bình học tập 3.18/4, là một tấm gương tốt cho sinh viên toàn trường.


Sinh viên Nguyễn Thị Kim Chi

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Chi

Kim Chi bộc bạch: “Bố em bị suy thận đã 10 năm, mẹ thường xuyên ốm yếu, cả gia đình chỉ dựa vào cây lúa, cây rau, vài con lợn, con gà để sống. Bố, mẹ đã động viên em rất nhiều vừa cố gắng học tập, vừa đi làm thêm giúp trang trải phần cho gia đình bớt khổ”

Em Vũ Kim Chi, sinh viên K56, bạn cùng phòng của Chi, có những lúc, chị Chi đã đi làm giúp việc theo giờ cho mấy nhà một lúc, để có thể có đủ kinh phí chi trả cho việc học và phụ giúp gia đình. Ngày nào chị ấy cũng đi học rồi đi làm từ sáng tới khuya mới về tới phòng trọ”.

“Có một lần bố ốm nặng, em thực sự rất muốn về nhưng không thể nào về được vì thời gian làm việc theo gia đình không cho phép. Lúc đó em vừa làm vừa khóc, em chỉ muốn bỏ việc, bỏ học để về quê phụ giúp chăm sóc bố mẹ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì nếu mà bỏ việc thì tiền để đóng học phí, tiền hỗ trợ thuốc thang cho bố không có,nên em buộc phải ở lại tiếp tục học. Hi vọng may mắn sẽ mỉm cười với em và gia đình” Kim Chi trầm tư, tâm sự.

Cuộc sống còn rất nhiều vất vả, gánh nặng gia đình và học tập luôn đòi hỏi Kim chi không được lùi bước trước hoàn cảnh. Rất mong, với tấm bằng tốt nghiệp ngày hôm nay, sẽ tạo điều kiện cho Kim Chi có cơ hội tìm được một công việc ổn định, phụ giúp bố mẹ bớt phần vất vả và tương lai của gia đình Chi sẽ tươi sáng hơn.

Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục