Người trẻ ôm mộng bỏ phố về quê: Làm sao để "mộng" không dang dở?

Kiều Phương

(Dân trí) - Ngao ngán cuộc sống đô thị "đất chật người đông", nhiều bạn trẻ đã ngược dòng tìm về những vùng quê để sinh sống và lập nghiệp, tuy nhiên, hành trình này chưa bao giờ là dễ dàng.

Ngược dòng tìm về những miền quê

Nếu như trước đây, khái niệm "bỏ phố về quê" thường dành cho những người về hưu, muốn trở về hưởng thụ cuộc sống nhàn rỗi, an yên ở quê nhà thì vài năm trở lại đây, nó đã trở thành xu hướng, lối sống của không ít người trẻ. Từ mạng xã hội cho đến đời sống, chẳng khó để thấy nhiều người trẻ "xui" nhau bỏ phố về quê lập nghiệp.

Ủng hộ xu hướng "bỏ phố về quê", anh Hoàng Tiến Anh (22 tuổi) bày tỏ: "Khi những áp lực cuộc sống nằm ngoài kiểm soát và chịu đựng, con người sẽ có xu hướng tìm về với làng quê, thiên nhiên. Tất nhiên, giới trẻ cũng không nằm ngoài vòng quy luật đó.

Không gian thoáng đãng ở những vùng quê sẽ giúp các bạn trẻ vơi đi phần nào những gánh nặng, tâm hồn trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn".

Tiến Anh cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất ở nông thôn bây giờ cũng rất phát triển, không thua kém gì thành phố, đủ đáp ứng nhu cầu của người trẻ về từ đô thị.

Đồng quan điểm, Nguyễn Hà Anh (nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, nếu cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc sống xô bồ nơi đô thị, thì về quê để làm kinh tế cũng được coi là một giải pháp tốt.

"Bỏ phố về quê ban đầu đúng là ý tưởng bỏ việc văn phòng, về nhà cầm cuốc, xới vườn… Nhưng cho đến hiện tại, ý nghĩa của bỏ phố về quê đang dần thay đổi.

Vẫn có nhiều sự lựa chọn cho giới trẻ ở phố và quyết định về quê. Về quê không hẳn là về vùng sâu vùng xa. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể lựa chọn một thị trấn bớt náo nhiệt, đông đúc để xoay xở kinh doanh, buôn bán. Mở một cửa hàng tự lực, tự thân ở quê sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với ở các thành phố lớn" - Hà Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, bạn trẻ này cũng cho rằng, không nên lầm tưởng việc "bỏ phố về quê" là phương án để chạy trốn lao động vất vả hay áp lực. Bỏ phố về quê là để lao động theo một cách khác, bởi ở môi trường nào cũng vậy, có cống hiến thì mới gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

"Bỏ phố về quê" và những lần "mất trắng"

Như vậy, song song với dòng di dân chủ đạo từ quê ra các thành phố lớn, thì hiện nay, xuất hiện thêm một dòng chảy ngược lại, đó là từ phố về quê.

Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học An Giang, Phạm Thị Phước Vân (25 tuổi, quê Đồng Tháp) đã có cho mình một công việc ổn định tại thành phố Sa Đéc.

Tuy nhiên, sau 2 năm công tác, cảm thấy ngao ngán với cuộc sống nơi đô thị, chị Vân đã quyết định từ bỏ công việc để về quê nhà tại xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành, Đồng Tháp), khởi nghiệp với ý tưởng trồng nấm sạch.

Người trẻ ôm mộng bỏ phố về quê: Làm sao để mộng không dang dở? - 1
Phạm Thị Phước Vân "bỏ phố về quê" và trở thành người trồng nấm thực thụ (Ảnh: NVCC).

Chị Vân tâm sự: "Bỏ phố về quê, tôi được làm chủ thời gian và tự do làm những công việc mà mình yêu thích. Bởi vậy, tôi cảm thấy hài lòng và không cảm thấy mệt mỏi mặc dù phải lao động mỗi ngày

Từ bỏ đô thị tấp nập để về với làng quê, những người trẻ như chị Vân không chỉ là thay đổi từ điểm sống này tới điểm sống khác, mà là từ bỏ một lối sống quen và bắt nhịp bản thân vào lối sống mới. Điều này đồng nghĩa, bên cạnh những cái "được", họ cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn.

Trải lòng về thử thách trong những ngày đầu lập nghiệp, chị Phước Vân kể lại: "Ban đầu, tôi cần một số vốn nhất định để đầu tư máy móc và nguyên vật liệu. Số tiền dành dụm sau 2 năm đi làm không đủ, tôi đã quyết định "gọi vốn" từ ba mẹ và anh chị em trong nhà. Có lẽ từ trước đến giờ, tôi chưa từng làm điều gì khiến ba mẹ phải xấu hổ; nên khi nói ra dự định thì đã được mọi người đồng ý. Tuy nhiên, sự giúp đỡ không phải là miễn phí. Những số tiền này đều được ghi trong sổ và... đợi ngày thanh toán cho ba mẹ".

Bên cạnh đó, định kiến "về quê là thất nghiệp" đến từ phía người thân, hàng xóm luôn bủa vây khiến chị Vân buồn bã suốt một thời gian dài.

Cách đây 2 năm, Đỗ Văn Quyết đã quyết định gác lại công việc văn phòng để về quê tại Hải Phòng để trồng rau, nuôi tôm, thả cá.

Từ một chàng trai gắn với màn hình máy tính suốt 8 tiếng/ngày, giờ đây, anh Quyết đã tự tin gia nhập vào hội "những người nông dân Việt Nam" khi thành thạo mọi công việc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trồng đủ rau để ăn, nuôi đủ tôm cá để bán.

Cũng tương tự như chị Vân, trước khi có được thành quả như hiện tại, anh Quyết đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn khi liên tục chứng kiến cảnh thủy sản mất giá; hay "mất trắng" do những lồng tôm, lồng cá chết hàng loạt vì dịch bệnh.

Bỏ phố về quê: Đam mê là chưa đủ

Đối với Phạm Thị Phước Vân, quyết định bỏ phố, về quê lập nghiệp đến nay cũng được 3 tháng. Theo chị Vân, 3 tháng không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để chị cảm nhận được những ý nghĩa mà quyết định này đem lại.

Người trẻ ôm mộng bỏ phố về quê: Làm sao để mộng không dang dở? - 2
Nguồn thu nhập của Phạm Thị Phước Vân ổn định hơn nhờ nghề trồng nấm tại quê nhà (Ảnh: NVCC).

"Đầu tư vào mô hình trồng nấm tại quê nhà, nguồn thu nhập của tôi đã được đảm bảo hơn. Mặc dù vẫn chưa có được kết quả quá to lớn nhưng một phần nào đó, công việc này đã giúp tôi đạt được mục tiêu kinh tế mà mình đặt ra.

Ngoài ra, điều khiến tôi thấy vui hơn cả chính là tất cả những sản phẩm về mà tôi cho ra thị trường đều được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực" - chị Vân trải lòng.

Theo chị Vân, để giấc mơ không bị dang dở, trước khi quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp, các bạn trẻ nên xác định đúng đam mê của mình, đồng thời trau dồi cho bản thân những kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực dự định hướng tới.

Trải qua nhiều thất bại sau 2 năm lập nghiệp tại quê nhà, anh Đỗ Văn Quyết cho rằng, những người trẻ không nên quá ôm mộng về cuộc sống nơi làng quê.

"Nhiều bạn nghĩ về quê trồng rau, nuôi gà là cuộc sống an nhàn, không bon chen. Nhầm rồi, ở quê có vô vàn áp lực, nhưng vì nhịp sống chậm nên các bạn thấy ở quê bớt bon chen hơn mà thôi. Thực tế, có đủ thứ khác như dịch bệnh, mất mùa, mất giá, cũng như sự phản đối của người thân... bủa vây lấy bạn".

Bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững. Nếu như vì áp lực mà chọn cách bỏ phố về quê như một kiểu "ở ẩn" thì đây không phải là giải pháp tốt. Từ bỏ một nơi đến một nơi khác bởi sự trốn tránh, không chuẩn bị tâm thế cho nơi mình sắp đến, sự thất bại có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

"Bởi vậy, trước khi bỏ phố về quê, các bạn nên quyết định cho kỹ, xem tính cách, lối sống của bản thân có phù hợp với nông thôn hay không. Ngoài ra, cần xác lập rõ những điều kiện như nền tảng của gia đình, tài chính, tìm hiểu nhu cầu địa phương thay đổi ra sao. Từ đó, ta sẽ có được ý tưởng công việc thích hợp" - anh Quyết nhắn nhủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm