Người lớn "xấu xí" với tiền lì xì

Hoài Nam

(Dân trí) - Tin rút tờ tiền trong bao lì xì, bĩu môi đầy thất vọng: "Dì Hoài giàu mà lì xì có 50.000 đồng". Mẹ thằng bé hưởng ứng nửa đùa nửa thật: "Có gì mà ngạc nhiên, dì mày nổi tiếng keo kiệt".

Chị L.N.Hoài, ở Tân Bình, TPHCM chia sẻ, tết nhất đến, chuyện lì xì trẻ nhỏ lại là vấn đề làm chị đau đầu, mệt người. Bản thân chị muốn chuyện lì xì con trẻ phải thật nhẹ nhàng, không gây áp lực cho cả người tặng lẫn người nhận nhưng khó vô cùng. 

Không phải ở các ứng xử khi nhận lì xì của trẻ mà theo chị, điều đáng ngại hơn chính là thái độ, hành xử của chính người lớn với tiền lì xì. 

Người lớn xấu xí với tiền lì xì - 1

Tiền lì xì cho trẻ nhỏ bị biến tướng do người lớn?

Năm ngoái, chị bỏ bao lì xì 50.000 đồng cho các cháu. Mấy đứa nhỏ vừa nhận, rút ra ngay trước mặt, như bé Tin lớp 3 liền bĩu môi: "Dì Hoài giàu mà lì xì có 50.000 đồng".

Mẹ thằng bé hưởng ứng nửa đùa nửa thật: "Có gì mà ngạc nhiên, dì mày nổi tiếng keo kiệt mà". Chị Hoài vừa ngượng vừa bực mình, khó chịu. 

Trẻ nhỏ, khi bắt đầu ý thức về đồng tiền, lúc nhận tiền lì xì, có thể chúng đánh giá cơ học ít hoặc nhiều theo cách của mình hoặc theo cách bố mẹ truyền tải. Chính người lớn thường nhìn số tiền để nhìn nhận về người khác như keo - thoáng, giàu - nghèo... 

Thậm chí, người lớn có thể bêu riếu, chê bai nhau qua đồng tiền lì xì. 

Không phải không có, những ngày Tết, phụ huynh đẩy sau lưng con, nói nhỏ: "Lên chào bác đi" để nhận tiền lì xì. 

Có nhiều gia đình, quanh năm không qua lại, quan tâm đến ai nhưng dịp Tết là rồng rắn dắt con nhỏ đi chào hỏi khắp làng. Thậm chí họ nắm nằm lòng nhà nào thoáng, lì xì nhiều để ghé thăm, nhà nào thì không để biết đường tránh. 

Chẳng phải trẻ nhỏ, mà là người lớn khi nhét đồng tiền vào bao thư, chính họ không có tâm thái thoải mái, nhẹ nhàng xem đây là đồng tiền lộc. 

Họ đau đầu, tính toán, cân nhắc bao nhiêu là vừa, ít thì sao, nhiều thì thế nào.. Chưa kể, có người lấy cớ lì xì cho trẻ nhỏ hòng để "gửi gắm" đến bố mẹ, ông bà chúng. Bao lì xì chúc lộc của trẻ lúc này trở thành "trung gian" cho những toan tính của người lớn. 

Có anh bạn, ngày Tết anh đặt riêng bao lì xì in rõ tên mình bên ngoài. Nhìn qua đúng là rất thú vị, sáng tạo khi bao lì xì gắn tên cá nhân. Cho đến khi nghe anh tiết lộ mới thấy đáng tiếc vô cùng vì phong bao này làm mất sạch ý nghĩ đồng tiền lì xì. 

Anh nói, mọi năm anh bỏ lì xì mừng con các sếp, nhân viên rất lớn nhưng dường như chẳng ai biết đến. Việc lấy lòng sếp, nhân viên dường như không thành, chưa kể anh thả "con tôm" nhưng con anh chỉ nhặt lại được "con tép". 

Sau đó anh nhận ra, khi lì xì chung với mọi người, có thể người nhận không biết bao lì xì đó là của ai. Anh liền nghĩ ra cách in tên mình lên bao lì xì để xác nhận chính chủ, không lạc đi đâu được. 

Ý nghĩa đồng tiền lì xì của trẻ nhỏ bị biến tướng, bóp méo không nằm ở cách nhận lì xì ở trẻ nhỏ mà chính ở thái độ, hành xử, tâm tư của người lớn với nét văn hóa này. 

Khi người lớn còn xem mùa Tết là mùa thu hoạch, thiệt hơn, mua chuộc, gửi gắm, quan hệ... qua bao lì xì cho trẻ thì rất khó để yêu cầu trẻ có hành xử đẹp đẽ, văn minh với tiền lì xì. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm