Người đàn ông địu con trên lưng cùng cháu đến lớp học

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Mỗi tối, Trung úy Lê Tuấn Thành (Công an xã H'ra, Mang Yang, Gia Lai) lại đến lớp dạy chữ, kiến thức pháp luật cho bà con. Nghe có lớp, bà con dù bận hay chăm con cũng cố gắng đến lớp học cái chữ.

Lớp học tình thương của Trung úy công an

Đều đặn vào tối thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, lớp học xóa mù chữ của Trung úy Lê Tuấn Thành (Công an xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai) lại sáng đèn ở làng Krot Ket.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI, anh Thành được phân về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai. Đến tháng 6/2023, anh được phân công về thực hiện nhiệm vụ tại Công an xã Hra.

Trong thời gian công tác, anh nhận thấy tỷ lệ người dân không biết chữ còn nhiều, đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ. 

Người đàn ông địu con trên lưng cùng cháu đến lớp học - 1

Lớp học tình thương do Trung úy Lê Tuấn Thành giảng dạy (Ảnh: Chí Anh).

Trung úy Thành đã đề xuất các cấp chỉ huy để thành lập lớp học xóa mù chữ tại làng Krot Kret. Tháng 12/2023 lớp học tình thương chính thức được khai giảng.

"Ban đầu, bà con đi học rất ít vì còn ngại do lớn tuổi. Đồng thời, bà con thường lên nương rẫy, đi rừng nên ít có thời gian đến lớp. Tôi cùng người uy tín trong làng phải gõ cửa từng nhà để vận động, tuyên truyền cho bà con, ra lớp học chữ", anh Thành cho hay.

Quá trình vận động, lớp học đã đón hơn 40 học viên là người dân đủ mọi lứa tuổi ở Krot Kret. Cứ khoảng 19h ngày thứ 3 và thứ 5, anh công an trẻ lại đứng trên bục giảng để cùng bà con luyện chữ, thực hiện các phép tính.

Sau mỗi giờ học, anh thường cùng bà con nói chuyện về cuộc sống và chuyện làm kinh tế của gia đình, về kiến thức pháp luật.

Anh Thành chia sẻ: "Vì còn nhiều người không biết chữ, kiến thức pháp luật chưa nắm vững nên bị một số đối tượng xấu đã lợi dụng để tuyên truyền các hoạt động tôn giáo trái phép. Với mục tiêu xóa mù, thay đổi nhận thức của bà con, mình đã quyết tâm thực hiện việc dạy chữ, kết hợp tuyên truyền pháp luật".

Cầu nối giữa công an cơ sở và quần chúng nhân dân

Làng Krot Kret có khoảng 177 hộ, 978 nhân khẩu, đây là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị. Trước đó, một số người dân trong làng bị kẻ xấu lôi kéo. Sau khi được chính quyền giải cứu, mọi người đã về bên vòng tay của gia đình, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Người đàn ông địu con trên lưng cùng cháu đến lớp học - 2

Trung úy Lê Tuấn Thành hướng dẫn học viên từng nét chữ (Ảnh: Chí Anh).

Lớp học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách làm kinh tế và cầu nối giữa công an cơ sở và quần chúng nhân dân.

Sau ngày dài trên nương rẫy, chị B'rai (SN 1990, làng Krot Kret) và em ruột là Ngai (SN 1994) lại vội vàng đến lớp học cho kịp giờ.

Chị B'rai bộc bạch: "Gia đình có 11 chị em. Vì cuộc sống khó khăn, suốt ngày trên nương rẫy nên không có điều kiện đến lớp. Lớn dần, anh em trong gia đình, người biết được vài chữ, người thì không. Khi nghe tin có lớp học này, tôi đã rủ em mạnh dạn đăng ký để đi học".

Anh Thêu (SN 1998, trú tại làng Krot Kret) tối đến lại sắp xếp sách vở, ẵm con, cõng cháu đến lớp học chữ.

Theo anh Thêu, vì gia cảnh khó khăn, gia đình lại đông con nên anh phải nghỉ học sớm rồi lập gia đình. Vì không biết chữ nên anh chỉ lên rừng hái nấm, chặt củi hay làm mấy công việc tay chân nặng nhọc. Khó khăn nhất đối với anh là vì không biết chữ nên ngại đi làm giấy tờ.

Người đàn ông địu con trên lưng cùng cháu đến lớp học - 3

Anh Thêu cùng con, cháu đều đặn đến lớp học (Ảnh: Chí Anh).

"Vì nhà đông con, vợ bận nên tôi thường sắp xếp chuyện nương rẫy rồi về đưa đứa nhỏ đến lớp, vừa học, vừa trông. Nhiều lúc, con phá, khóc cũng ngại nhưng thầy động viên và vui vẻ trông con giúp để luyện chữ, thảo luận nhóm…", anh Thêu cho biết. 

Anh Thêu đi học rất đều đặn, bất kể nắng mưa. Ngoài cậu con trai luôn nằm trên lưng trong mỗi giờ học, anh Thêu còn đưa cháu ruột 12 tuổi cùng lên lớp để học phụ đạo thêm.

Để bà con đến lớp, anh Thành còn thường xuyên vận động các nguồn xã hội hóa trao tặng hàng trăm suất quà đến người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, anh đã giúp dân trồng rừng, tạo thêm sinh kế bằng cách đi vận động hơn 40.000 cây keo để tặng hàng chục hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hra.

Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hra cho hay: "Làng Krot Kret là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã. Khi lớp học xóa mù chữ được mở, bà con rất phấn khởi tham gia.

Ngoài việc học chữ, bà con cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật, quy định về an toàn giao thông. Lớp học của trung úy Thành rất ý nghĩa, chính quyền đang đề xuất mở rộng ra nhiều thôn, làng trên địa bàn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm