Thanh Hóa:

Nghe tiếng trống khuyến học, đồng loạt hơn 2.000 học sinh ngồi vào bàn học

Bình Minh

(Dân trí) - 7h tối, khi tiếng trống vang lên cũng là lúc học sinh khắp các thôn, xóm của xã Hoằng Châu (huyện Hoằng Hóa) đồng loạt ngồi vào bàn học, hoạt động giải trí ảnh hưởng đến học tập cũng được ngưng lại.

Tiếng trống khuyến học ở làng quê xứ Thanh

Được thành lập vào tháng 2/2014, tiếng trống khuyến học đã gắn bó với con em xã Hoằng Châu hơn 7 năm. Những năm qua, đều đặn mỗi tuần 6 buổi, cứ vào lúc 19h là tiếng trống, tiếng loa khuyến học lại vang lên thúc giục học sinh trong toàn xã ngồi vào bàn học.

Nghe tiếng trống khuyến học, đồng loạt hơn 2.000 học sinh ngồi vào bàn học - 1

Cứ đúng 7h tối, sau khi nghe hiệu lệnh học bài, học sinh trong xã Hoằng Châu đồng loạt ngồi vào bàn học (Ảnh: Nguyễn Thùy).

"Nên thợ, nên thầy nhờ có học, no cơm, ấm áo bởi hay làm/ Lời ông cha vang vọng đến hôm nay/ Đất cha ông gắng công học hành/ Học để biết yêu quê hương, đất nước/ Học để biết thương con người khổ đau/ Học để giữ cho bình yên Tổ quốc/ Học để đắp xây non sông Việt Nam. Tùng tùng tùng, đã đến giờ học bài, các em học sinh khẩn trương ngồi vào bàn học tập".

Đề nghị các bậc ông bà, cha mẹ vặn nhỏ ti vi, nói chuyện vừa phải để con cháu yên tĩnh học bài. Đề nghị các thầy cô giáo, cán bộ phụ trách địa bàn theo dõi, động viên các em tích cực học tập để đạt kết quả tốt".

Sau hiệu lệnh học bài, đồng loạt hơn 2.000 học sinh các cấp học trong toàn xã sẽ ngồi ngay ngắn vào bàn học. Để không ảnh hưởng đến việc học của con, cháu, ông bà cha mẹ các gia đình cũng ngưng luôn việc mở ti vi, đài.

Cán bộ Hội khuyến học xã, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể đã cùng nhau vào cuộc để thực hiện mô hình này. Ban đầu là đến các trường học đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh học bài sau khi nghe tiếng trống khuyến học và huy động đội ngũ giáo viên trên địa bàn cùng tham gia giám sát học sinh.

Giáo viên được phân công theo từng xóm phối hợp với các Chi hội khuyến học, hội phụ huynh học sinh đến từng nhà theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học của các em. Những học sinh không chấp hành đều bị nhắc nhở.

Em Lê Văn Hà (thôn Tiến Thắng) chia sẻ: "Tiếng trống học tập của xã đã giúp em có thói quen ngồi vào bàn học đúng giờ, không chỉ tạo phong trào chung trong toàn xã mà còn tạo nên khí thế học tập sôi nổi, trở thành động lực để chúng em vươn lên học tốt hơn".

Hà cũng là học sinh có nhiều thành tích trong học tập. Đặc biệt, em là thủ khoa của Trường THPT Hoằng Hóa 4, huyện Hoằng Hóa với số điểm khối B là 28,75.

Hiệu quả vượt bậc

Theo ông Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu, từ khi có mô hình tiếng trống khuyến học, sự học của học sinh trong xã đã có những tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn bứt phá.

Nghe tiếng trống khuyến học, đồng loạt hơn 2.000 học sinh ngồi vào bàn học - 2

Những bạn học sinh nhỏ tuổi được bố mẹ giám sát và có cán bộ đoàn thanh niên đến kiểm tra, nhắc nhở (Ảnh: Nguyễn Thùy).

Cụ thể, trước thời điểm có tiếng trống khuyến học chất lượng giáo dục mũi nhọn của xã chỉ nằm trong top giữa hoặc cuối của huyện; từ khi có tiếng trống khuyến học, chất lượng giáo dục mũi nhọn của xã đã vươn lên top đầu. Những năm gần đây, liên tục nằm trong top 10/37 xã thị trấn, chỉ xếp sau trường điểm của huyện.

Cũng từ khi mô hình trống khuyến học ra đời, rất nhiều tấm gương xuất sắc trong học tập và thi đại học như: Em Hoàng Bảo Long (thôn Minh Thái) đạt giải Nhất quốc gia môn Toán tin năm 2017; Em Nguyễn Trọng Huấn (thôn Châu Phong) thủ khoa của Trường THPT Hoằng Hóa 4 trong kỳ xét tuyển đại học năm 2017 với 28,85 điểm khối A; Em Vũ Bá Lượng (thôn Châu Lộc ) thủ khoa năm 2019 của huyện Hoằng Hóa với 28,05 điểm khối A…

Ngoài ra, các dòng họ tiêu biểu luôn dẫn đầu về thành tích học tập như: Dòng họ Trần Đức, dòng họ Nguyễn Đình, dòng họ Lê Văn...

Bên cạnh đó, trong năm học 2020-2021, nhiều học sinh cấp tiểu học và THCS đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; đạt giải Nhì cụm trong cuộc thi Lễ hội bút nghiên của huyện Hoằng Hóa.

"Có thể nói, mô hình tiếng trống khuyến học đã giúp học sinh đi vào nề nếp, tự giác ngồi vào bàn học bài nghiêm túc, cha mẹ không còn phải nhắc nhở. Mô hình đi vào hoạt động đã thể hiện được tính thống nhất trong quản lý giờ học của học sinh, thể hiện sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội cùng quan tâm phục vụ ngành giáo dục. Từ đó chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực", ông Nguyễn Bá Lĩnh khẳng định.

Bí thư xã Hoằng Châu cũng cho biết thêm, trong thời gian tới Hội khuyến học xã tiếp tục duy trì phong trào tiếng trống khuyến học và bản tin hàng tháng về công tác giáo dục và khuyến học. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

"Để tiếng trống khuyến học phát huy hiệu quả cao nhất, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn luôn đồng hành với các nhà trường, thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các em và các gia đình thực hiện tốt quy định. Hàng năm, lấy kết quả học tập của học sinh để đánh giá, xếp loại thi đua của các thôn", ông Lĩnh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm