Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10/1996 - 2/10/2021:
Hội Khuyến học Việt Nam: 25 năm trưởng thành về quy mô, tầm cỡ và vị thế
(Dân trí) - 25 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Khuyến học Việt Nam đã thành công, đã góp phần đáng kể vào thay đổi nhận thức của xã hội về sự học, đặc biệt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, phóng viên Dân trí có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước về hành trình 25 năm trưởng thành đầy dấu ấn, vẻ vang và tự hào của Hội.
Khuyến học thúc đẩy sự ham học, hiếu học của cả người lớn
Phóng viên: Thưa Giáo sư, xin bà cho biết Hội Khuyến học Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước phát triển qua nhiều chặng đường "thay da, đổi thịt" trong một phần tư thế kỷ qua thế nào?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Hội Khuyến học Việt Nam đã đồng hành cùng với Bộ Giáo dục - Đào tạo và phát triển cùng với đất nước. Hiện nay, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã trưởng thành không những về quy mô, tầm cỡ mà cả vị thế.
Khi bắt đầu thành lập 1996, khi đó thế giới bắt đầu chuyển sang phát triển kinh tế bằng tri thức. Việt Nam bắt đầu công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Khi thành lập, Hội tập trung phát huy, thúc đẩy truyền thống hiếu học trong nhân dân.
Năm 2001, sau 5 năm thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam lại phục vụ chủ trương của Đảng là phát triển kinh tế bằng tri thức. Lúc đó các mô hình học tập ra đời và các mô hình đó là các mô hình hiếu học: Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học… đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2016, đất nước ta chuyển sang công cuộc đổi mới: Phát triển kinh tế bằng tri thức. Điều này đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 9 và Hội Khuyến học Việt Nam có trách nhiệm để xây dựng xã hội học tập cùng với Bộ GD-ĐT.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có chủ trương trình với Chính phủ thay đổi mô hình học tập. Từ mô hình hiếu học sang mô hình học tập để cả nước thành xã hội học tập. Đấy là bước tiến rất lớn trong thay đổi tư duy cũng như là thay đổi về cách làm, cách nghĩ phục vụ cho chủ trương của Đảng.
Vì có những thay đổi như vậy cho nên từ năm 2016, sang nhiệm kì 5, Hội Khuyến học Việt Nam lại chuyển sang không chỉ học tập ở trẻ em mà bắt đầu học tập ở người lớn được phát huy cao độ. Trước đây người ta nghĩ rằng khuyến học chỉ có phát học bổng cho trẻ em thôi. Nhưng đến hiện nay, khuyến học không chỉ dừng lại ở chỗ phát học bổng mà phải thúc đẩy sự ham học, hiếu học của cả người lớn và trẻ em thông qua các phong trào.
Trước đây, có phong trào gia đình hiếu học thì giờ đây chuyển thành phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập để xây dựng đất nước ta thành xã hội học tập… Sự phát triển của mô hình này thể hiện sự thay đổi tư duy, nhận thức sâu sắc trong mỗi cá nhân, xây dựng xã hội học tập không chỉ là sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, đó còn là đường lối dẫn bước cho Hội Khuyến học Việt Nam phát triển 25 năm qua.
Góp phần thúc đẩy nhận thức của nhân dân về học tập
Phóng viên: Chính vì vậy cho nên từ những tư duy đổi mới, từ sự lãnh đạo của Đảng và các chính sách của Nhà nước, Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự phát triển toàn diện…
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Sự toàn diện trong phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam thể hiện ở nhiều mặt. Đầu tiên là về quy mô và vị thế: Tổ chức từ 15 triệu hội viên (năm 2016) hiện đã lên 21 triệu hội viên. Từ ký kết hợp tác thúc đẩy xã hội học tập với 3 cơ quan thì đến 2021 đã ký kết được với 10 cơ quan đơn vị, chủ yếu là các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Phải nói đây là sự chuyển hướng rất lớn, từ đó nhận thức của nhân dân được nâng lên.
Và ai cũng hiểu được rằng phải học thì mới có thể phát triển được. Và ai cũng thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đó là "Diệt giặc dốt" ngay từ những năm 1946 và "học không bao giờ cùng". Chính chúng tôi cũng tự hào rằng Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần thúc đẩy nhận thức đó của nhân dân về học tập thông qua các cuộc hội thảo được nhiều bên đối tác quan tâm tham gia.
Phóng viên: Nói đến quan hệ đối tác, hợp tác, xin Giáo sư cho biết về sự phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc mở rộng mạng lưới mối quan hệ với các đơn vị, địa phương?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Không chỉ dừng lại ở việc Hội Khuyến học Việt Nam ký kết với 10 đơn vị mà đó còn là mối quan hệ với các cơ quan tổ chức chính trị xã hội từ cơ sở đến Trung ương rất chặt chẽ. Vì thế nên khi kết thúc nhiệm kỳ 25 năm, hiệu quả công tác học tập nâng lên rõ rệt.
Qua khảo sát của 63 tỉnh thành phố, có đến 98% nhân dân cho rằng: "Nhờ có mô hình học tập mà gia đình có kinh tế khá giả hơn, con cái ngoan hơn, không bị các tệ nạn xã hội và dành nhiều thời gian để học tập. Dòng họ gắn kết với nhau hơn dẫn đến kinh tế địa phương phát triển, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững và thúc đẩy xã hội học tập ở Việt Nam.
Phóng viên: Được biết, thông qua Quỹ Khuyến học bằng nhiều hình thức năng động sáng tạo qua phát thanh của địa phương, Hội Khuyến học đã thúc đẩy phát triển công tác khuyến học khuyến tài khắp cả nước. Giáo sư có thể chia sẻ thêm?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục và đào tạo, khuyến học khuyến tài cũng là một mặt phát triển của Hội. Thông qua Quỹ Khuyến học bằng các phong trào như "Tiếng kẻng học tập", "Cây bưởi hiếu học", "con gà hiếu học",... và nhất là phong trào "Nuôi heo đất" ở miền Tây và miền Đông Nam Bộ thì phải công nhận rằng nhân dân đã rất quan tâm đến sự học của con mình.
Về phía Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, quỹ dành tặng không chỉ cho trẻ con mà còn cho cả người lớn học tập. Cuộc phát học bổng đầu tiên là "Học không bao giờ cùng" được lấy từ khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát trên sân khấu trao học bổng. Người cao tuổi nhất được phát học bổng là cụ già 93 tuổi, có cả cháu bé nhất là 6 tuổi. Từ đó tạo nên không khí học tập trong cộng đồng rất tốt.
Phóng viên: Hội Khuyến học làm sao để đẩy mạnh phát triển Nghiên cứu Khoa học có sự phát triển "ngoạn mục" trong 25 năm qua?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Làm việc gì cũng phải gắn liền với thực tiễn. Muốn triển khai cái gì thì phải tổ chức hội thảo, phải cho ra những cơ sở lí luận thực tiễn đã rồi mới bắt tay vào làm. Chính vì vậy nên qua 7 cuộc hội thảo trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã giúp Bộ GD-ĐT có được những công văn gửi cho các trường Đại học bắt buộc phải xây dựng, giảng dạy theo hướng mở, giảng dạy online bằng các phương pháp trực tuyến.
Chúng tôi đã đi trước một bước, vì thế nên cùng với Bộ GD-ĐT, chúng tôi không bị ngỡ ngàng khi dịch Covid-19 đến. Phương pháp giáo dục trực tuyến đã được các trường đại học và các trường phổ thông thực hiện tốt. Trong đó, phải kể đến công lao của Bộ GD-ĐT và có một phần đáng kể của Hội Khuyến học Việt Nam.
Phóng viên: Vấn đề hợp tác quốc tế được Hội chú trọng ra sao trong suốt quá trình phát triển, trưởng thành?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Hiện nay, Hội Khuyến học Việt Nam đang liên hệ với UNESCO, nhiệm kỳ này chúng tôi mong muốn chính thức gia nhập mạng lưới xã hội học tập của UNESCO. Việt Nam nằm trong mạng lưới rồi nhưng chúng tôi muốn thúc đẩy để hoạt động mạnh hơn nữa.
Về Nhật Bản, chúng tôi đã sang tận nơi và học tập được rất nhiều từ cách làm khuyến học của họ. Nói tóm lại, 25 năm xây dựng và trưởng thành với đội ngũ toàn cán bộ nghỉ hưu, đã từng công tác trong các cơ quan Đảng và Nhà nước mang hết tâm huyết, nhiệt tình của mình, Hội Khuyến học Việt Nam đã thành công và đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi nhận thức của xã hội về sự học, đặc biệt trong Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân 25 năm ngày thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam xin gửi lời cám ơn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cùng tất cả các hệ thống chính quyền đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho Hội hoạt động và đạt được kết quả như ngày hôm nay. Cảm ơn các doanh nghiệp và các nhà tài trợ đã ủng hộ nguồn lực cho Hội Khuyến học các cấp.
Triển khai mô hình "Công dân học tập" trên toàn quốc
Phóng viên: Xin Giáo sư cho biết, phương hướng hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam trong thời gian tới?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cùng với đà phát triển, chúng tôi đã phối hợp rất tốt với Bộ GD-ĐT triển khai các chương trình của Chính phủ về xây dựng xã hội học tập. Nếu như nhiệm kỳ 5 chúng tôi dừng lại ở mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Xã hội học tập, Đơn vị học tập thì chúng tôi tiến sâu hơn nữa đi vào hạt nhân của các mô hình này: Công dân học tập.
Chúng tôi đã trình Chính phủ về các tiêu chí Công dân học tập và nếu như trong tháng 11 này Chính phủ ký ban hành thì đến năm 2022 sẽ triển khai ngay mô hình Công dân học tập trên toàn quốc.
Hội tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập 281 hiện nay: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Xã hội học tập, Đơn vị học tập. Quan trọng nhất hiện nay đối với chúng tôi đó chính là Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị. Chúng tôi sẽ kế thừa những thành quả đạt được, tăng cường nghiên cứu sâu hơn nữa về mô hình công dân học tập trong môi trường 4.0.
Phóng viên: Trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, Hội tiếp tục thể hiện vai trò của mình thế nào, thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Việc học vừa là quyền vừa là trách nhiệm, trong tình hình dịch Covid - 19 như hiện nay thì chúng tôi sẽ tăng cường nghiên cứu về mô hình học trực tuyến để có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả mọi người và ai cũng có thể học được, cũng có thể tiếp thu kiến thức.
Vừa qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động phong trào "Máy tính cho em" để phục vụ cho việc học online và chúng tôi nhận thấy rất rõ nếu học online mà không có thiết bị thì trẻ con sẽ không thể học được. Và hiện nay thông qua Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình đã được 1500 máy, Phú Thọ 1000 máy. Cùng với đất nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam rất ủng hộ và sẽ cố gắng hết sức mình để tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập.
Hiện, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chúng tôi sẽ cố gắng động viên, thực hiện trách nhiệm là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những lời kêu gọi của Chủ tịch Mặt trận chúng tôi đã thực hiện và sẽ thực hiện tiếp tục nữa.
Tóm lại, trong 25 năm qua, chúng tôi làm được khá nhiều việc, đã đóng góp thúc đẩy sự học của đất nước mà học mới thành tài, học mới có thể phát triển được. Công tác thi đua, xây dựng xã hội học tập, khuyến học khuyến tài phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua, đặc biệt là danh hiệu danh giá "Nông dân tự học thành tài"...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động, là thành viên tích cực, là hội đặc thù được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng trong toàn bộ hệ thống thực hiện tốt nhất sự nghiệp của Đảng là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, bằng tri thức.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!