Bạn đọc viết:
Ngày 20/11, món quà ý nghĩa là tình cảm chân thành
(Dân trí) - Tôi có một người chị làm giáo viên. Có lần tôi hỏi chị rằng “Ngày 20/11 chị có nhận được nhiều quà không?”, câu trả lời tôi nhận được là ánh mắt buồn của chị và một lời nói như trách: “Sao em lại hỏi chị như thế? Chị có bao giờ mong chờ quà cáp vào ngày này đâu.”
Tôi nhớ mãi điều đó và không bao giờ nhắc lại chuyên đó với chị nữa. Nhưng mỗi năm cứ đến dịp này lại có nhiều chuyện khiến tôi nhớ đến chị và câu nói đó.
Tháng 11, ở cơ quan, trong các câu chuyện về con học hành ít nhiều cũng sẽ có người nhắc đến ngày 20/11, mọi người bàn tán cân nhắc nên tặng quà gì cho cô giáo thì hợp lý và vừa ý người nhận, cũng có người băn khoăn về giá trị của món quà... Vào siêu thị, nhiều nhãn hàng mỹ phẩm trưng bày các bộ quà tặng như một gợi ý cho các phụ huynh lựa chọn. Trên mạng, cũng tràn ngập thông tin khuyến mại khi mua sắm quà tặng ngày 20/11, các cửa hàng lưu niệm tràn ngập các loại thiếp chúc mừng... Đó là không khí quen thuộc thường thấy mỗi khi tháng 11 về.
Thị trường quà tặng cho Ngày Nhà giáo Việt Nam sôi động để phục vụ nhu cầu mua sắm của các phụ huynh. Từ học sinh đến phụ huynh đều muốn thể hiện tình cảm, sự quan tâm, biết ơn của mình với những người thầy, người cô trong ngày lễ đặc biệt này. Dường như chúng ta chưa từng nghĩ đến việc tại sao phải tặng quà hay có cần thiết phải tặng quà thầy cô trong ngày này không mà cứ bị cuốn vào trào lưu chung đó. Chúng ta càng ít nghĩ về người nhận, mà tự cho rằng dúi vào tay cô một gói quà xinh đẹp hay một chiếc phong bì là sự biểu thị rõ nhất tình cảm của mình.
Những người bạn giáo viên của tôi có lần chia sẻ: Được phụ huynh quan tâm tặng quà cũng không sung sướng gì. Không nhận thì họ nghĩ rằng mình chê, còn nhận quà thì lại băn khoăn không biết phụ huynh đánh giá thế nào về mình, có nghĩ rằng mình sính quà cáp, rồi đánh giá này nọ hay không... Có những món quà đẹp, đắt tiền nhưng không thể sử dụng vì không phù hợp, rất lãng phí.
Đối với chị tôi hay những người bạn đó, quà cáp đã trở thành “gánh nặng”, quà càng giá trị thì gánh nặng càng lớn. Họ đã mong không được nhận quà trong ngày này để cảm thấy thoải mái. Chỉ cần một lời chúc đơn giản hay bó hoa tươi thôi là cảm thấy hạnh phúc rồi.
Bản thân tôi là một phụ huynh, cũng muốn thể hiện tình cảm với giáo viên của con trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi cũng nhiều lần tự hỏi nên tặng quà gì để vừa có ý nghĩa, vừa tiết kiệm lại được người nhận sử dụng.
Xã hội ngày càng phát triển, quà tặng cũng có muôn hình muôn vẻ, nhưng làm sao để chọn được món quà hoàn hảo không dễ. Có người gợi ý tặng mỹ phẩm, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, vải vóc, có người lại bảo cứ “hoa khô” mà tặng cho “tiện cả đôi đường”... Tặng quà rồi tôi cũng băn khoăn không biết món quà đó có được yêu thích không, có được sử dụng hay không? Thế nên, mỗi năm đến tháng 11 lại có một nỗi lo canh cánh trong lòng.
Cho đến khi tôi nghe câu trả lời của người chị “Chị có bao giờ mong chờ quà cáp vào ngày này đâu”, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Ngày 20/11 là ngày vui của những người “chở đò thầm lặng” cũng là ngày vui chung của toàn xã hội, là dịp để chúng ta nhớ và tôn vinh công lao của những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ mình thành người. Vậy thì đâu có lý do gì để chúng ta phải mệt mỏi với câu chuyện quà cáp?
Mấy năm nay, mỗi khi đến ngày 20/11, tôi chỉ có những lời chúc chân thành gửi tặng các cô. Tôi cũng mua cho con một cành hoa tươi hay tấm thiệp để con mang tặng cô, qua đó giúp con hiểu ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam chính là dịp thể hiện tình cảm biết ơn chân thành đối với công lao dạy bảo của thầy cô và có ý thức chăm ngoan học hành hơn. Tôi tin rằng, tình cảm chân thành là món quà tặng có ý nghĩa lớn hơn mọi giá trị vật chất.
Đỗ Quyên
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!