Ngành học mới năm 2019: Quản trị chất lượng giáo dục
(Dân trí) - Năm 2019, lần đầu tiên Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN tuyển sinh và đào tạo ngành Quản trị chất lượng giáo dục – tạo nền tảng và cơ sở vững chắc cho các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường đánh giá chất lượng giáo dục tương lai.
Năm 2004, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Cục Quản lý chất lượng – đơn vị quản lý chất lượng trong lĩnh vực giáo dục nhằm kiểm soát, điều chỉnh và đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học.
Theo số liệu thống kê, năm 1987 cả nước chỉ có 101 trường đại học và cao đẳng, nhưng đến năm 2004 thì con số này tăng lên 230, đến năm 2015 tổng số trường đại học và cao đẳng lên tới 445.
Sự tăng trưởng này đã giúp nền giáo dục đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn mới và lĩnh vực đảm bảo chất lượng ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia về lĩnh vực đảm bảo, kiểm định hay đo lường đánh giá trong giáo dục cũng vì thế mà tăng, trong khi lại chưa có nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo về chuyên ngành này.
Chính vì vậy, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN trở thành cơ sở giáo dục đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Quản trị chất lượng giáo dục từ bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Năm 2019, Khoa Quản trị chất lượng thực hiện tuyển sinh đại học chính quy với chỉ tiêu 55 sinh viên, theo nhiều cách thức khác nhau.
Tốt nghiệp chương trình cử nhân Quản trị chất lượng giáo dục, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo. Cụ thể:
1. Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng nội bộ trong cơ sở giáo dục
Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, minh chứng thể hiện với các cơ quan có thẩm quyền hay xã hội biết về chất lượng của cở sở giáo dục. Đây là phương thức giúp các trường khẳng định chất lượng để có thể hội nhập, đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
2. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục trong trường nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá (trong nước và quốc tế) cho cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo
Việc tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thông qua các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá là cần thiết cho sự phát triển. Vì vậy, chuyên viên đảm bảo chất lượng cần hiểu rõ các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, nghiên cứu và đề xuất giải pháp giúp cơ sở giáo dục có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này.
3. Nhận diện và định vị hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở đối sánh với các khung chuẩn chất lượng giáo dục
Quá trình học tập tại Khoa Quản trị Chất lượng – Trường ĐH Giáo dục giúp sinh viên có hiểu biết tổng về những hoạt động đảm bảo chất lượng. Sử dụng kiến thức đã học để xác định các hoạt động tại các cơ sở giáo dục. So sánh, đối chiếu với các khung chuẩn về chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế.
4. Tư vấn về phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá trong giáo dục
Tư vấn là hoạt động nhìn nhận và đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của chương trình đào tạo. Thông qua những hiểu biết về các nền giáo dục trên thế giới, bạn có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng của các chương trình ở nhiều mặt khác nhau, trong đó có phương pháp giảng dạy, từ đó xây dựng phương pháp đánh giá kết quả học tập phù hợp với bối cảnh từng chương trình.
5. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và các dữ liệu khác phục vụ cho nghiên cứu và quản lý đảm bảo chất lượng.
Đây là công việc tiên quyết mà mỗi đơn vị làm công tác về đảm bảo chất lượng phải thực hiện. Việc thu thập và phân tích số liệu về đảm bảo chất lượng của đơn vị là vô cùng cần thiết; Các số liệu phản ánh rõ thực trạng của các đơn vị đào tạo, giúp đơn vị đảm bảo chất lượng chỉ ra sự thay đổi, điểm mạnh và điểm cần cải thiện của các cơ sở giáo dục.
6. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, theo dõi kiểm tra việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng ở các đơn vị trong trường
Đơn vị đảm bảo chất lượng có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra các đơn vị (khoa, bộ môn, phòng) định kỳ để có thể giúp các đơn vị hoạt động ổn định và hiệu quả.
7. Thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về xếp hạng, so chuẩn đối sánh và gắn sao đại học, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và gửi dữ liệu phục vụ xếp hạng tới các tổ chức xếp hạng
Sau tốt nghiệp, sinh viên có được hiểu biết tổng quát về các bảng xếp hạng đại học cũng như tìm hiểu về các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng của một số bảng đại học cụ thể, từ đó, giúp đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình tham gia gửi số liệu xếp hạng.
8. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên và công nhân viên trong toàn trường hoặc các đơn vị giáo dục khác về công tác đảm bảo chất lượng, đánh giá, tự đánh giá
Với kinh nghiệm và kiến thức thu được thông qua đào tạo và các hoạt động thực tế, các đơn vị về đảm bảo chất lượng đủ uy tín có thể thực hiện tập huấn cho các cán bộ, giảng viên...trong trường của họ hoặc của cả các đơn vị đào tạo, giáo dục khác để trao đổi, cung cấp những kiến thức cần thiết cho các cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng khi có nhu cầu.
9. Thực hiện các giao dịch đối ngoại, hợp tác thường xuyên với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục (như AUN-QA, QS, THE, Webometrics …), với các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam.
Hiện nay, mỗi trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều đang và sẽ tham gia vào các bảng xếp hạng và các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Phòng Đảm bảo chất lượng sẽ chịu trách nhiệm là đầu mối liên lạc, giao dịch và hợp tác với các tổ chức thực hiện xếp hạng các trường, mở rộng mối quan hệ và mạng lưới công việc.
10. Nghiên cứu, tìm kiếm, xúc tiến các cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục
Có thể nói nghề Đảm bảo chất lượng giáo dục đang là một nghề rất được quan tâm và vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và toàn xã hội nói riêng.
Hồng Hạnh