Ngạc nhiên với nhiều sản phẩm xuất sắc của học sinh tại cuộc thi Sáng tạo số - WeTech
(Dân trí) - Chung kết cuộc thi Sáng tạo số - WeTech dành cho các bạn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại Hà Nội vừa kết thúc. Nhiều sản phẩm công nghệ dự thi của học sinh mang tính chuyên môn sâu, xuất sắc được Ban Giám khảo đánh giá cao và trao giải.
WeTech là cuộc thi thường niên của Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Hà Nội về lĩnh vực công nghệ dành cho học sinh từ lớp 6 – 12.
Cuộc thi đã bước sang mùa thứ 3 với các mục tiêu chính: Thúc đẩy niềm đam mê công nghệ của học sinh, giúp học sinh biết cách sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống; giúp học sinh áp dụng kiến thức và các kỹ năng trong chương trình học vào thực tế; giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về an toàn và an ninh mạng.
Sau 3 vòng phát triển, ngày hội chung kết của cuộc thi năm 2019 đã diễn ra với sự góp mặt của 20 đội thi trường trung học Wellspring với những sản phẩm công nghệ mang tính chuyên môn sâu và tính ứng dụng cao trong cuộc sống như: Truyền thông về an toàn trong thế giới kết nối; Sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và đời sống; Vạn vật kết nối (IoT); Trí tuệ nhân tạo (AI).
Cuộc thi WeTech năm 2019 - 2020 khuyến khích các đội thi xây dựng những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đời sống hiện đại của chính các học sinh và gia đình.
Đặc biệt, với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo - AI”, các đội thi được thoả sức sáng tạo và có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu sâu về xu hướng công nghệ đang được quan tâm hàng đầu hiện nay.
Xuất phát từ nhu cầu và thực trạng ô nhiễm thực phẩm, các thành viên đội Hi Eco (lớp 7AB7) đã thực hiện dự án “Tủ trồng rau thông minh” với các thiết bị máy bơm, cảm biến độ ẩm đất, cảm biến ánh sáng, bộ Kid Arduino… Mô hình sản phẩm được thiết kế dựa trên các tiêu chí: phục vụ mục đích trồng rau sạch, sản phẩm có tính nhỏ gọn, có tính thẩm mỹ; tự động hóa phần tưới nước và chiếu sáng.
Ngày nay, tranh biện đang là một bộ môn rất được yêu thích và quan tâm bởi giới trẻ. Thế nhưng, tại những vùng miền xa xôi hơn so với các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM,...), nhiều bạn trẻ dù rất có niềm đam mê tranh biện nhưng lại ít có dịp được tham gia tập dượt, cọ sát một cách chuyên nghiệp.
Chính vì thế, tận dụng sự phát triển của Internet và công nghệ, đội thi OWO gồm các thành viên đến từ lớp 10AB4, 10AD đã quyết tâm thực hiện dự án website “Decobating” nhằm kết nối cộng đồng tranh biện, cung cấp cho người dùng kiến thức và tập dượt tranh biện online với nhiều debaters thông qua nhiều format khác nhau.
Trong sản phẩm này, cả đội đã sử dụng các ngôn ngữ lập trình như HTML, JS, CSS. Ngoài ra cũng có sự hỗ trợ từ Firebase và hệ thống API Tokbox. Các thành viên đã cùng chuyên gia nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ. Ngoài ra, các bạn cũng trao đổi trực tiếp đến những lập trình viên khác để xin hỏi ý kiến và trợ giúp.
Các con số ấn tượng của dự án: 327 dòng code - đã tiến hành được đến bước cuối cùng, 99% sản phẩm đã được hoàn thành và hứa hẹn sẽ cải thiện hơn nữa khi đến tay người sử dụng.
Open Eye là tên dự án của đội Équipe de trois personnes (IG Y2), lựa chọn chủ đề AI với việc thực hiện sản phẩm dành cho người khiếm thị để phân biệt được đồ vật kèm theo một kính có camera.
Thông qua sản phẩm này, các thành viên trong nhóm mong muốn giúp đỡ những người không có khả năng nhìn rõ nhưng vẫn có thể phân biệt được mình đang đứng gần vật thể gì.
Ý tưởng ban đầu của nhóm chỉ là sản phẩm giúp người khiếm thị đọc được đồ vật nhưng sau đó nhóm đã bổ sung thêm camera để truyền dữ liệu tới điện thoại giúp giải quyết thêm vấn đề sử dụng smartphone cho người khiếm thị.
Bên cạnh đó, các dự án “Ứng dụng TechID” - Ứng dụng nhận diện khuôn mặt của nhóm L’espoir (10AD), “Smart Air - thiết bị đo nồng độ bụi của nhóm A3 Tech (11AB3), “Lớp học thông minh’ của nhóm Winning Elevent (lớp 8AB4)... cũng nhận được nhiều lời khen từ Ban giám khảo.
Đội Destiny Team đến từ lớp 6AD, với mong muốn bảo toàn tính mạng cho mọi người và giảm thiểu tối đa tác động của những đám cháy, đội đã xây dựng nên dự án “Hệ thống báo cháy IOT”.
Một hệ thống cảm biến không khí sẽ được lắp đặt trong toà nhà, nếu phát hiện hàm lượng CO2 và khói vượt ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ gửi cảnh báo ngay lập tức để cư dân có thể kịp thời di chuyển và có những biện pháp phòng cháy chữa cháy hiệu quả.
Trong tương lai, nhóm muốn phát triển thêm một hệ thống phun nước tức thời để bước đầu ngăn chặn đám cháy ngay khi phát hiện. Với slogan “Bad today, better tomorrow”, nhóm luôn luôn cố gắng để hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm tốt hơn nữa.
Được biết, tham dự cuộc thi còn có các đội thị đến từ trường Phổ thông Liên cấp Edison (Ecopark, Hà Nội).
Nhật Hồng