1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nếu không thi THPTQG: Sẽ “bùng nổ” hàng loạt phương án xét tuyển ĐH mới

(Dân trí) - Do dịch Covid-19 phức tạp, ngành giáo dục đang đứng trước nhiều sự lựa chọn tổ chức thi hay không cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp. Hiện, các trường đại học đã lên nhiều phương án xét tuyển mới.

Ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch điều chỉnh, theo đó thời gian kết thúc năm học vào ngày 15/7. Dự kiến ngày thi THPT quốc gia lùi lại từ ngày 8-11/8.

Hiện Bộ đã ban hành kế hoạch tinh gọn chương trình học tập nhưng vẫn giữ lại nền tảng cốt lõi của chương trình học kỳ 2. Những nội dung thiếu của học kỳ 2 sẽ bù trong năm học mới.

Về kì thi THPT quốc gia, Thứ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng và sẽ báo cáo Chính phủ. Nếu dịch kiểm soát được, học sinh đi học trước ngày 15/6, vẫn đảm bảo chương trình cho học sinh, năm học có thể kết thúc vào ngày 15/7. Đồng thời, học sinh vẫn có thể tiếp tục thi THPT quốc gia theo đúng kế hoạch vào tháng 8/2020 và theo đúng Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, nếu lịch học muộn hơn 15/6, chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 khó lường hiện nay, các trường đại học sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong công tác xét tuyển. Do đó, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh riêng vào tháng 7, vậy các trường đại học khác thế nào?

Nếu không thi THPTQG: Sẽ “bùng nổ” hàng loạt phương án xét tuyển ĐH mới - 1

Hàng loạt trường đại học đã lên phương án tuyển sinh mới nếu trong trường hợp không tổ chức thi THPT quốc gia vì dịch Covid-19.

Sẽ tổ chức 2 kỳ xét tuyển mùa Xuân và mùa Thu

PGS.TS Bùi Quốc Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: “Đây là việc trọng đại quốc gia, ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và sự phát triển của đất nước, tính công bằng, minh bạch và niềm tin của dân chúng và Chính phủ nên phải hết sức thận trọng. Các quyết định về thi cần tính đến quyền lợi của học sinh, thí sinh. Không nên quá coi trọng quyền lợi của các trường hay của Sở".

Theo PGS Triệu, nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi THPT quốc gia thì  trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn tổ chức xét tuyển như các năm trước. Nếu tinh giản kiến thức cũng không sao vì đề khó hay dễ vẫn là thi chung.

Còn nếu không thi, trường sẽ thi tuyển riêng hoặc tham gia nhóm thi tuyển chung/nếu có. Tuy nhiên, phương án vẫn tổ chức thi THPT quốc gia là tốt nhất.

Ông Triệu cho hay, trường cũng đã có đề án tuyển sinh riêng từ năm 2017, tương tự như trường ĐH Bách khoa HN, trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ thi 01 bài Kiến thức tổng hợp và môn tiếng Anh và thực hiện sơ tuyển.

Theo đó, phương án thi sẽ tổ chức tuyển sinh 2 kỳ/năm, kỳ mùa Xuân và kỳ mùa Thu. Với môn thi tiếng Anh có thể chỉ là môn điều kiện, không tính vào điểm xét tuyển. Bài thi Kiến thức tổng hợp dùng để xét tuyển.

Tuy nhiên, theo ông Triệu, cái khó cho năm nay, nếu triển khai thì khác gì đánh úp thí sinh nên phương án thi THPT quốc gia vẫn là ưu tiên nhất. Trong trường hợp bất đắc dĩ, nếu có thi riêng thì trường sẽ ra đề/mua đề phù hợp với bối cảnh chống dịch này để thí sinh không bị động và phù hợp.

Thay đổi lại tổ hợp xét tuyển

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, trường hợp vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức thì Nhà trường sẽ xác định lại các tổ hợp xét tuyển trên cơ sở các môn thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, với một số môn học cần thiết xét tuyển cho các ngành và chuyên ngành đào tạo mà không có trong danh mục các môn thi tốt nghiệp, nhà trường sẽ căn cứ kết quả học tập môn học đó trong học bạ THPT của thí sinh.

Trường hợp không có kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả học tập THPT của thí sinh để xét tuyển theo các tổ hợp xét tuyển phù hợp.

GS Sơn cho rằng, đây có thể được coi là phương án khả dĩ nhất có thể trong bối cảnh diến biến đại dịch Covid vẫn tiếp tục phức tạp.

Cũng không loại trừ một phương án nữa có thể đặt ra là quay lại phương thức thi 3 chung như trước kia đã từng tổ chức. Hoặc các trường đại học có cùng khối ngành đào tạo có thể hợp tác tổ chức một kỳ thi chung với nhau....

“Nói chung, chúng ta có rất nhiều lựa chọn. Dù phương án nào đi chăng nữa thì vấn đề quan tâm và phải giải quyết đó là tình trạng thí sinh ảo” – GS Sơn nhấn mạnh.

Với trường ĐH ngoài công lập, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân cho biết, nếu kỳ thi quốc gia không được tổ chức mà chỉ công nhận tốt nghiệp thì trường sẽ theo 3 hướng: sử dụng kết quả công nhận THPT (điểm tổng kết cuối cùng) - sử dụng kết quả học bạ và tổ chức thi riêng.

Xáo trộn mạnh nhất ở các trường top trung bình và top dưới

Còn theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp, nếu dịch bênh Covid-19 tiếp tục kéo dài và Bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì Nhà trường sẽ thay đổi một số phương thức xét tuyển, bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, song chỉ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) thay vì sử dụng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước.

Với việc không sử dụng kết quả học kỳ II năm 2019-2020, thí sinh sẽ chủ động trong việc đăng ký và nhà trường sẽ tăng tính tự chủ trọng xét tuyển của các trường khi dịch Covid -19 vẫn đang tiếp diễn.

Thứ hai, bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của các Trường/Nhóm trường có tổ chức kỳ thi riêng. Được biết trường ĐHBK Hà Nội đã quyết định tổ chức kỳ thi riêng và nhà trường sẽ nghiên cứu bổ sung việc xét tuyển dựa vào kết quả thi của Trường này.

Trong trường hợp Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp bậc THPT nhưng có tinh giản số môn thi và kiến thức đã học. Bài toán tính toán không chỉ cho Trường Đại học Lâm nghiệp mà bất cứ trường đại học nào là phải tuyển đủ số lượng mà phải giữ được chất lượng.

Vì vậy ngoài việc sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, Trường Đại học Lâm nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT như các năm trước song sẽ có điều chỉnh tổ hợp các môn xét tuyển căn cứ vào ngành nghề và môn học được chọn để thi.

GS Chứ khẳng định: “Dù kiến thức có thể tinh giản nhưng kiến thức cốt lõi để các em tích lũy cũng như đề thi chắc chắn sẽ đảm bảo được tính phân loại năng lực học sinh và dựa vào kết quả thi hoàn toàn có lựa chọn được người học có chất lượng.

Nếu năm nay Bộ GD&ĐT không thể tổ chức kỳ thi THPT theo kế hoạch thì công tác tuyển sinh của các trường top trung bình và top dưới sẽ bị xáo trộn rất mạnh do sự canh tranh không bình đẳng giữa các trường. Vì vậy, Trường Đại học Lâm nghiệp rất mong muốn Bộ GD&ĐT sớm quyết định về phương án xét hoặc thi tốt nghiệp THPT để các trường có thể xác định được các giải pháp sớm và phù hợp nhất”.

Hồng Hạnh