Bạc Liêu:
Nên xem Trung tâm Học tập cộng đồng là phương tiện để phát triển kinh tế, xã hội
(Dân trí) - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu khẳng định, tổ chức Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một chủ trương độc đáo của Đảng và Nhà nước. Còn Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nên xem TTHTCĐ là một "công cụ, phương tiện" xây dựng xã hội học tập và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu và Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp duy trì, củng cố hoạt động các Trung tâm Học tập cộng đồng đến năm 2020”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Kiên Nhẫn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu khẳng định, tổ chức TTHTCĐ là một chủ trương rất độc đáo của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập ngay từ cơ sở xã, phường, thị trấn.
Theo ông Nhẫn, việc xây dựng xã hội học tập bao gồm: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập thì vai trò của TTHTCĐ ở các xã, phường, thị trấn là rất quan trọng.
“Chúng tôi thấy rằng, Hội Khuyến học tỉnh đang thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập, nếu không có TTHTCĐ thì chưa hẳn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập theo kế hoạch của tỉnh. Vì vậy, Hội Khuyến học tỉnh xác định, TTHTCĐ đóng vai trò mang tính chi phối đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh”, ông Nhẫn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, kế hoạch của UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở GD&ĐT và Hội Khuyến học tỉnh xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành một xã hội học tập vào năm 2020. Trong đó, Hội Khuyến học có nhiệm vụ tuyên truyền phát động, vận động mọi người, mọi lứa tuổi tham gia học tập ở TTHTCĐ. Nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập hoàn thành đến mức độ nào, thì vai trò của TTHTCĐ đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở mức độ đó.
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn nêu cụ thể, thực hiện các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập thì tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 99.315 hộ được Chủ tịch xã, phường, trị trấn ký công nhận đạt các danh hiệu này.
Ông Võ Thanh Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu có 64 TTHTCĐ. Thời gian qua, các TTHTCĐ đã từng bước được củng cố, hoạt động có hiệu quả nhằm đáp ứng các nhu cầu về thông tin, hoạt động văn hóa, văn nghệ, hiểu biết về pháp luật, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, dạy nghề truyền thống,… bước đầu thu hút được các tầng lớp nhân dân tham gia học tập.
Năm 2016, qua kết quả đánh giá cho thấy có 12 TTHTCĐ hoạt động tốt, 12 TTHTCĐ hoạt động khá, 31 TTHTCĐ hoạt động trung bình, 9 TTHTCĐ hoạt động yếu. Tổng số người tham gia học tập, trong đó nghề ngắn hạn là gần 11.000 lượt, các chuyên đề hơn 33.800 lượt, giáo dục kỹ năng sống hơn 3.600 lượt, các chương trình khác trên 1.500 lượt,…
Tuy nhiên, theo ông Võ Thanh Giang, các TTHTCĐ hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu kinh phí hoạt động; cơ sở vật chất chưa được đầu tư kịp thời; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hoạt động phổ biến, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn nhiều hạn chế;…
Do đó, nhiều địa phương kiến nghị các cấp có thẩm quyền liên quan hỗ trợ kinh phí cho các TTHTCĐ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất , hỗ trợ trang thiết bị cho các TTHTCĐ như đồ dùng, sách giáo khoa, tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy,… nhằm để duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ.
"Ngày nay, xây dựng xã hội học tập gắn liền với xã hội tri thức, xã hội thông tin. Do vậy, các TTHTCĐ rất cần được đầu tư các nguồn lực để hiện đại hóa các phương tiện nghe nhìn, hệ thống băng hình, đĩa hình học tập từ xa, ở mỗi địa phương khi mạng internet được kết nối đến các trường học thì đó là điều kiện tốt để các TTHTCĐ khai thác nguồn thông tin phong phú phục vụ cho việc xây dựng nội dung học tập theo hướng cập nhật hiện đại", tham luận của xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) nêu giải pháp.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu khẳng định, TTHTCĐ đóng vai trò quan trọng, có hiệu quả trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS; giúp người dân có nhận thức tốt về đất nước, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa, nên xem TTHTCĐ là một “công cụ, phương tiện” để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Kiên Nhẫn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay tại xã, phường, thị trấn tồn tại 2 trung tâm là TTHTCĐ và Trung tâm Văn hóa. Hai trung tâm này tuy chức năng nhiệm vụ khác nhau, nhưng đối tượng tham gia có thể nói là một. Bên cạnh đó, thông thường một cán bộ sẽ kiêm nhiệm lãnh đạo 2 trung tâm này. Do đó, đề nghị nghiên cứu xem xét sáp nhập TTHTCĐ và Trung tâm Văn hóa thành Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng.
Liên quan ý kiến trên, tham luận của xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) cho rằng, mỗi TTHTCĐ ít nhất phải có một hội trường, phòng thư viện, phòng làm việc, sân vườn, cây xanh,... Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu này nhiều nơi không thể thực hiện được. Do vậy, cách hay nhất là thực hiện lồng ghép việc xây dựng TTHTCĐ với Nhà văn hóa xã theo phương thức "hai trong một".
Ngoài ra, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị các Sở, ngành chức năng nên xem xét đề xuất UBND tỉnh tổ chức thành lập một trường chuyên dạy trẻ khuyết tật. Bởi hiện nay trong tỉnh Bạc Liêu trẻ khuyết tật rất nhiều, nhưng cho các em học chung với học sinh phổ thông khác thì không hợp lý.
Huỳnh Hải