Quảng Trị: Trung tâm học tập cộng đồng - thiết chế giáo dục hướng đến mọi người dân

(Dân trí) - Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là cơ sở giáo dục không chính quy do cộng đồng thành lập và quản lý, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội cho người dân học tập suốt đời, học thường xuyên, cần gì học nấy.

Ngày 2/10, Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thảo “Trung tâm học tập cộng đồng góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Hội thảo về Trung tâm học tập cộng đồng góp phần trong xây dựng Nông thôn mới
Hội thảo về Trung tâm học tập cộng đồng góp phần trong xây dựng Nông thôn mới

Đánh giá về quá trình hoạt động của các TTHTCĐ, TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, Trung tâm học tập cộng đồng được coi là cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Quảng Trị đã có 141 TTHTCĐ tại 141 xã, phường, thị trấn, trong tổng số 11.081 TTHTCĐ của cả nước.

Các TTHTCĐ đã tích cực hoạt động, phát triển về số lượt người học, mở rộng đối tượng, nội dung chương trình, nâng cấp cơ sở vật chất... Những kết quả ban đầu cho thấy mô hình quản lý TTHTCĐ qua thực tiễn kiểm nghiệm đã và đang từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện an sinh xã hội.

Người dân đến học tại Trung tâm học tập cộng đồng.
Người dân đến học tại Trung tâm học tập cộng đồng.

Đến nay, các mô hình học tập và đặc biệt là các TTHTCĐ đã làm “bà đỡ” giúp nhiều người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề và đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới.

Đại diện các địa phương trình bày tham luận về Trung tâm HTCĐ
Đại diện các địa phương trình bày tham luận về Trung tâm HTCĐ

Bà Hương thẳng thắn, trong quá trình hoạt, các TTHTCĐ còn bộc lộ không ít bất cập. Các Trung tâm học tập cộng đồng phải giải quyết tốt vấn đề: Phát triển thế nào để việc học tập của người dân được tiến hành thuận lợi và có hiệu quả? Cần phải có những giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần hoàn thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, xây dựng XHHT là xã hội mà mọi người đều được học bằng hình thức chính quy, không chính quy và tự học trong nhà trường, ngoài nhà trường, học tập thường xuyên, học suốt đời, học chữ, học nghề, học làm người, học để biết, để làm việc, để phát triển cá nhân và cộng đồng.

Đối với Quảng Trị, hệ thống giáo dục trong nhà trường về cơ bản đã giải quyết được nhu cầu học tập của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu học tập của nhân dân lao động, người vùng nông thôn, miền núi cũng rất đa dạng. Do đó, hình thức giáo dục ngoài nhà trường xuất hiện và TTHTCĐ chính là “trường học” của người dân.


Bà Nguyễn Thị Hồng Vân  - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị  nhấn mạnh vai trò của TTHTCĐ trong xây dựng XHHT và nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh vai trò của TTHTCĐ trong xây dựng XHHT và nông thôn mới.

TTHTCĐ thực sự là một thiết chế giáo dục được đưa đến tận người dân, đặc biệt là những người lao động không có điều kiện đến trường học chính quy và những người nghèo, người trong nhóm yếu thế ít có cơ hội học tập.

Từ năm 2002 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.097 TTHTCĐ, 141 TTHTCĐ cấp xã, 956 Trung tâm vệ tinh tại các thôn, bản, khu phố. 6 tháng đầu năm 2017, các TTHTCĐ đã mở được 684 lớp với gần 31 ngàn lượt người tham gia học tập. Nhiều TTHTCĐ đã giúp người lao động tiếp cận được học nghề ngắn hạn, đã có hàng ngàn người dân từ chưa qua đào tạo nghề nhờ có các TTHTCĐ mà có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập cho gia đình hàng năm.

Những lớp học về xoá mù chữ, chống tái mù chữ, chuyên đề về giáo dục sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội... đã giúp cho người dân không rơi vào tình trạng tái mù chữ, góp phần không nhỏ vào công tác phổ cập giáo dục tại địa phương.

Đại diện nhiều địa phương đã trình bày tham luận về hoạt động, giải pháp nâng cao chất lượng, công tác tổ chức… để Trung tâm học tập cộng đồng phát triển, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới.

TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả các Trung tâm học tập cộng đồng. Đa dạng hóa các nội dung, hình thức học tập để mọi người dân đều tiếp cận được kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa để phát huy tốt mô hình TTHTCĐ.

Đăng Đức