(Dân trí) - Trong khi học sinh cấp 1 đến trường có bố mẹ kèm cặp, dặn dò từng chút thì học sinh cấp 2, 3 tỏ ra khá bình thản. Không khí trước ngày khai trường dường như chỉ bận rộn, vất vả cho những phụ huynh, nhất là những nhân viên công sở...
Ùn tắc cục bộ
Hơn 7h sáng nay (4/9), cầu Chưong Dương, phía đầu Nguyễn Văn Cừ đã đông nghẹt người xe. Rất nhiều gương mặt trẻ con ngồi trước xe máy. Hôm nay, ngày khai giảng sớm của nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội.
Không ít tuyến đường ùn tắc cục bộ trước cả giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường như Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đê La Thành, nhất là ở các điểm nút giao thông. Ùn tắc giao thông khiến các phụ huynh chở con nhỏ vào mẫu giáo, tiểu học tỏ ra mệt mỏi.
7h10’ sáng trên cầu Chương Dương.
Tuy nhiên, khi đến trường thì không khí ngày tựu trường khiến nhiều phụ huynh phấn chấn, hồ hởi lên hẳn vì ẩn chứa trong đó là niềm mong đợi con cái học hành nên người. “Cháu nhà tôi thông minh lắm, chỉ nhìn qua là cháu nhớ vanh vách, nhưng ngược lại rất lười học. Phải đến trường để cô giáo kèm cặp nó mới được, chứ ở nhà tôi không dạy được một phần do bận bịu công việc, một phần lại chiều chuộng nên rất dễ hư”, chị Hoàng Thị Yến, ở đường Đê La Thành, đưa con vào trường tiểu học Cát Linh nói.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Hà, con gái chị năm nay cũng vào lớp 1 cho hay: “Cả tối qua 2 vợ chồng ngồi chuẩn bị sách vở, cặp bút, là lượt áo quần cho cháu đi tựu trường, đến thật là vui. Con cái bây giờ sướng thật, bố mẹ chăm lo cho từng ly từng tý, chả phải như ngày xưa mình đi học bố mẹ cũng chả nhớ hôm nào là ngày khai giảng nữa cơ”, chị Hà nói.
Nhiều cán bộ công chức tranh thủ đưa con đi tựu trường rồi mới đến công sở.
Dòng xe vẫn ùn tới nhưng dòng chảy ù ù trên con phố ít nhận ra tiếng động cơ hơn vì những hồi trống, nhạc diễu hành nô nức từ 2 ngôi trường. Nhiều cô cậu nhóc đồng phục áo trắng, quần soóc xanh, mũ calô vội vàng xuống xe, chạy ù về phía cổng trường trong khi từng khối lớp đã thành hàng thành lối trong sân.
Cổng trường Tràng An bên cạnh, khối màu sắc đối chọi với đồng phục kiểu thuỷ thủ, những cô bé váy đỏ caro, áo viền cổ đỏ, khăn quàng đỏ xúng xính vào trường. Đôi bé lúng túng toan bước chân xuống từ cửa chiếc xế hộp của gia đình lại rụt lại vì dòng xe vẫn trôi không ngớt trên đường.
Cô trò đã sẵn sàng.
Hè đường đối diện cổng trường, một bé gái đang cố phồng miệng nuốt vội miếng bánh mỳ khi mẹ giục giã, hộp sữa cắm sẵn vòi hút lăm lăm trên tay bậc phụ huynh. Cô bé quýnh quáng, vừa giơ tay vẫy vừa cố mở miệng gọi bạn nhưng không thành lời, chỉ u ơ vài tiếng. Góc khác, một cô bạn tầm lớp 3, lớp 4 cũng vội vã cùng mẹ kiểm lại sách bút trong cặp trước khi vào trường.
Một hồi trống dài thúc giục, tất cả ùa vào sân trường. Lễ khai giảng chính thức sẽ bắt đầu vài ba phút nữa.
Lễ diễu hành bắt đầu tại trường tiểu học Nguyễn Trãi.
Tiểu học lo lắng, cấp 3 không hào hứng
Trên các tuyến phố, dễ nhận thấy cờ, hoa rực rỡ giữa dòng xe trôi trên đường. Những những bán dạo cờ, hoa giấy trước mỗi trường tiểu học, mẫu giáo liên tay phục vụ. 5.000đ/lá cờ hoặc hoa vẫy nhỏ, đủ màu sắc. Các bé đặc biệt phấn khích với món đồ mừng năm học mới.
Trên đường Lý Thường Kiệt, đoàn diễu hành của các anh chị trường cấp II Nguyễn Du và Trưng Vương cũng đang tập hợp từng hàng dài trên vỉa hè. Đường Thuỵ Khuê cũng ùn từng đoạn, tắc cục bộ bởi nhiều trường nằm dọc con phố bước vào ngày khai trường.
Nhanh lên mẹ ơi, trống rồi!
7h30 sáng tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), hàng trăm em nhỏ bắt đầu vào lớp 1 đứng xếp thành hàng dài trên vỉa hè hai bên cổng trường. Trên tay mỗi em là cờ, hoa rực rỡ. Hiệu lệnh từ trong trường vang lên, tiếng trống rộn rã của đội nghi thức như hối thúc các em nhanh chân nối đuôi nhau bước qua cánh cổng trường, trước sự chào đón của các anh chị lớp trên.
Bên ngoài, các bậc phụ huynh cũng háo hức không kém. Dõi theo từng bước chân con, chị Nguyễn Thu Hương (phường Nguyễn Trãi) tâm sự: “Ngày đầu cháu đến lớp, vợ chồng tôi lo lắm, dù trước năm học, chúng tôi đã cho cháu tiếp xúc nhiều với trường lớp và dạy cháu trước rất nhiều điều liên quan đến sách vở. Hôm nay, tôi đã xin cơ quan cho nghỉ làm cả buổi sáng để đưa cháu đi, để nhìn con trong ngày đầu đến trường”.
Chuẩn bị lần cuối tại trường tiểu học Kim Liên.
Xen vào câu chuyện của các phụ huynh, chị Hà Thị Yến ở Kim Mã lại băn khoăn với nỗi lo lắng dịch cúm AH1N1: “Mình xem trên báo thì cúm AH1N1 vẫn lây lan trên diện rộng khó kiểm soát được. Hôm nay đi tựu trường đường sá bụi bặm mà thấy nhiều phụ huynh còn không thèm bịt cho con cái khăn, nói chi đến chuyện phòng cúm. Không biết các thầy cô giáo có để ý chuyện này không?”, chị Yến phân vân.
Để bố quàng khăn cho con gái yêu và chúc năm nay học thật tốt nhé!
Không như các học sinh cấp 1, mẫu giáo được bố mẹ chăm bẵm ngày đến trường, những học sinh cấp 2, cấp 3 hầu hết tự đến trường hoặc đi theo nhóm bạn. Trường THPT Nguyễn Trãi sáng sớm nay tổ chức buổi tập trung chuẩn bị các công việc cho buổi khai giảng chính thức vào ngày mai.
Nói về cảm xúc trước ngày khai giảng, đa số các học sinh “lớp lớn” này đều chung một cảm giác… mệt. “Bọn em đi học từ tuần trước rồi, ngày khai giảng chỉ là ngày làm thủ tục thôi. Khai giảng thì cũng chỉ là chào cờ, nghe đọc diễn văn, hoan hô chào mừng của các đại biểu, chả có gì mới”, Chu Thái Hùng, một học sinh vô tư nhận xét.
Buổi tập trung trước ngày khai giảng của Trường THPT Nguyễn Trãi.
Nhiều trường tiểu học, phổ thông ở TPHCMsáng ngày khai giảng hôm nay nhộn nhịp bong bóng và cờ hoa.
Ngoài cổng các trường tiểu học là những cô nhóc, cậu nhóc mới vào lớp Một, đôi mắt ngơ ngác. Hôm nay, các bé sẽ được cô giáo cầm tay dắt vào trường, chính thức bước vào năm học mới, với bạn bè mới, thầy cô mới và ngôi trường mới.
Cậu bé Đăng Khoa, học sinh lớp 2 của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã có kinh nghiệm… 1 năm khai giảng cho biết "năm ngoái ba dẫn em đi. Khai giảng vui lắm, bây giờ vẫn còn nhớ hoài…"
Còn bé Uyên Ly vào lớp Một thì được ông nội năm nay đã 73 tuổi đưa đi. Nhà gần trường nhưng ông dẫn cháu đến từ sáng. Hôm nay, ông nội còn mang theo máy quay phim để ghi lại cảnh cô giáo dắt bé vào cổng trường.
Vậy là, một năm học mới đã đến. Với các cậu học trò nhỏ lớp Một, đây là bắt đầu quãng đời học sinh vừa tò mò vừa lạ lẫm. Với các học trò lớn, đã bắt đầu những tháng ngày phải chuyên cần đến lớp. Và các thầy cô giáo thì bắt đầu công việc của mình: dạy cho các em biết nói lời yêu thương, dạy cho các em lớn lên trở thành người… (Hiếu Hiền)